(CMO) Xuất khẩu khó khăn, giá giảm thấp lại thêm thiên tai, dịch bệnh... khiến cả doanh nghiệp và người dân hoạt động trên lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản đều gặp khó. Chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay từ gói tín dụng 15 ngàn tỷ đồng đang là chiếc phao được doanh nghiệp và người dân kỳ vọng.
Sau thời gian sản xuất kém hiệu quả, do giá thành tôm nguyên liệu giảm thấp, không ít người nuôi tôm, đặc biệt là những hộ nuôi theo loại hình siêu thâm canh, rơi vào tình cảnh khó khăn, treo ao chờ thời. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đến nay đạt 4.641 ha, với 4.791 hộ, dù đạt 103% kế hoạch năm 2023 và tăng 11,67% so cùng kỳ nhưng tỷ lệ thả nuôi chỉ khoảng 72%, do nhiều hộ dân đợi giá hay hết vốn phải treo ao.
Là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh, nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi phát triển rất nhiều mô hình nuôi, từ quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến, tôm rừng cho đến thâm canh và siêu thâm canh. Trong đó, riêng nuôi tôm theo loại hình siêu thâm canh trên 1.497 ha, đây là loại hình phát triển rất mạnh, cho sản lượng khá tốt. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Nhật Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðầm Dơi, người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn huyện hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Do giá tôm giảm thấp, trong khi giá vật tư đầu vào tăng, người dân nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn, rất cần trợ lực từ chính sách tín dụng ưu đãi. (Trong ảnh: Thu hoạch tôm siêu thâm canh tại xã Tạ An Khương Nam, huyện Ðầm Dơi).
Khó khăn do công tác quy hoạch còn hạn chế dẫn đến thực trạng các loại hình nuôi đan xen nhau trong một khu vực, khiến sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết. “Ðặc biệt, gần đây giá tôm giảm mạnh khiến việc sản xuất của người dân kém hiệu quả, nhiều hộ không còn vốn để duy trì sản xuất. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi, nhất là loại hình nuôi siêu thâm canh. Do đó, kiến nghị Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ người nuôi tôm tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, để tiếp tục duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện tại”, ông Trường đề xuất.
Qua tìm hiểu được biết, sau thời gian giá vật tư phục vụ nghề nuôi tăng cao, cùng với đó, gần đây giá tôm nguyên liệu giảm thấp, nhiều hộ nuôi không còn vốn để tiếp tục duy trì sản xuất. Ông Trường cho biết thêm: “Hiện nay, nhu cầu vốn của người dân rất lớn. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp khó, vừa chậm trong thủ tục, lại ít về số lượng”.
Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thuỷ sản Ðoàn Kết (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi) có 47 thành viên, với tổng diện tích sản xuất 96 ha và 10 ha nuôi theo loại hình siêu thâm canh. Sau một thời gian giá tôm nguyên liệu giảm thấp, không khí sản xuất trong HTX trầm xuống rất nhiều so với trước.
Ông Châu Trung Trực, Giám đốc HTX, phân tích, bà con hiện gặp khó từ nhiều phía, khó nhất vẫn là con giống, thức ăn, thuốc và các thiết bị khác để phục vụ nghề nuôi đều tăng, trong khi giá tôm giảm mạnh, trung bình đến khoảng 40 ngàn đồng/kg. Cộng thêm dịch bệnh, thời tiết nên hầu hết người nuôi tôm từ đầu năm đến nay đều bị lỗ.
Hiệu quả sản xuất kém là nguyên nhân khiến chỉ còn 5/15 thành viên của HTX theo loại hình nuôi tôm siêu thâm canh đang cầm cự, còn lại treo ao. “Thành viên treo ao đa phần do thiếu vốn. Do các vụ trước đều thua lỗ, nếu không có hỗ trợ, nhiều hộ không có khả năng tái sản xuất, một số hộ thậm chí không còn khả năng đóng lãi ngân hàng. Do đó, kiến nghị Nhà nước có chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn để bà con chuẩn cho vụ tới", ông Trực bộc bạch.
Là một trong số ít hộ còn duy trì ao nuôi, nhưng ông Ngô Văn Tín, thành viên HTX Ðoàn Kết, luôn trong tâm trạng lo lắng: "Không lẽ treo ao, chớ nuôi mà luôn trong tâm trạng nơm nớp sợ lỗ. Bước sang năm 2023, giá thấp, đã khiến chỉ số lời của người nuôi tôm siêu thâm canh giảm thấp. Hiện nay, một số bà con nuôi tôm thậm chí không có tiền đóng tiền điện. Do đó, cần có chính sách ưu đãi để người nuôi có thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp để tái sản xuất".
Dù là “anh cả” trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh, nhưng Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cũng đang gặp khó khăn từ đầu năm đến nay.
Trước những nhu cầu cấp thiết của người dân, Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản có vốn tín dụng khoảng 15 ngàn tỷ đồng được triển khai. Cụ thể, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024.
Cùng với các chính sách về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai trong thời gian qua, khi chương trình này được triển khai vào thực tế sẽ là chiếc phao đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ðược biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 10 chi nhánh ngân hàng thương mại đăng ký tham gia thực hiện gói tín dụng này.
Ông Võ Kiên Giang, Phó giám đốc Phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau, cho biết, đơn vị tiếp tục theo dõi sát để có những chỉ đạo, giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời để các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai chương trình đạt hiệu quả cao nhất. Ðể từ đó, hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất để duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện hiện nay.
Song song với các giải pháp về tín dụng, để nghề nuôi tôm đạt hiệu quả cao, ông Huỳnh Nhật Trường cho biết thêm, trước mắt sẽ tiến hành quy hoạch, định vị lại vùng nuôi thật cụ thể. Trong đó, loại hình thâm canh, siêu thâm canh sẽ tập trung vùng ven biển và các cửa biển lớn để ít bị ảnh hưởng đến môi trường. Ðồng thời, vận động người dân ứng dụng công nghệ cao và tuân thủ theo đúng quy trình. Ðặc biệt, sẽ tăng cường công tác kiểm tra giống, thức ăn nhằm đảm bảo đủ số lượng cũng như chất lượng phục vụ nghề nuôi. Ngoài ra, sẽ tiến hành xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, nhất là liên kết 4 nhà, để giảm chi phí đầu vào và tạo đầu ra ổn định, tăng lợi nhuận cho người dân./.
Nguyễn Phú - Chí Diện