ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 2-5-25 13:37:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trợ lực cho người yếu thế - Chuyện không của riêng ai - Bài 2: Nỗi niềm người trong cuộc

Báo Cà Mau (CMO) Các chính sách, cơ chế, quy định hiện hành của Ðảng, Nhà nước với đối tượng người yếu thế (NYT) đã thể hiện rõ tính ưu việt, nhân văn. Tuy nhiên, thực tiễn đã chỉ ra rằng, NYT vẫn đối diện với muôn vàn trở lực trong cuộc sống. Khó khăn ấy đến từ nhiều phía, nhiều nguyên nhân; với những người trong cuộc, đó là nỗi niềm day dứt, bức bách.

> Bài 1: Những người chiến thắng

Khó từ… chỗ dựa

Tạm chưa nói về NYT, các tổ chức hội đặc thù - đầu mối và chỗ dựa để tập hợp; triển khai các hoạt động trợ giúp NYT tại Cà Mau cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Với Hội Người mù tỉnh Cà Mau, tình trạng còn chật vật hơn. Mấy năm nay, trụ sở phải thuê lại nhà dân, ở Phường 5, TP Cà Mau, giá thuê 8 triệu đồng/tháng (trước đó, thuê ở Phường 6, rồi qua Phường 8, mới dời về Phường 5). Trụ sở tạm bợ, nên theo lời anh Cao Thanh Quí, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Cà Mau: “Công việc thì mình vẫn triển khai thôi, nhưng không có nơi chốn đàng hoàng thì hơi bất tiện”. Ðó là chưa kể, cấp Huyện hội cho người mù cũng chỉ mới có 2 huyện là Phú Tân và Cái Nước thành lập, các nơi khác chưa có.

Cũng tại nơi thuê tạm của trụ sở hội, anh Quí tận dụng tối đa để mở cơ sở massage, xoa bóp, bấm huyệt, tạo thêm thu nhập cho anh em hội viên. Thông tin vui từ anh Quí, UBND tỉnh đã cấp cho hội trụ sở mới (trụ sở UBND Phường 1 cũ ), được cấp kinh phí sửa chữa, trong giai đoạn hoàn thành.

Các cấp hội đặc thù trợ giúp NYT của Cà Mau đã được tổ chức hoàn chỉnh thành hệ thống từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, thậm chí đến ấp, khóm, triển khai công việc theo đúng tôn chỉ, mục đích, quy định. Riêng huyện Phú Tân, câu chuyện gom đầu mối lại nảy sinh nhiều bất cập. Ông Hùng cho rằng: “Việc gom các hội hỗ trợ NYT của Phú Tân là chưa hợp lý. Bởi hoạt động của các hội cấp tỉnh rất nhiều công việc, lại có đặc thù riêng, đối tượng riêng, chính sách riêng, làm sao một đầu mối kham hết được”.

Còn tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau, bà Nguyễn Nga, Giám đốc đơn vị, chia sẻ: “Trung tâm hiện tại thiếu cả con người và các điều kiện cơ sở vật chất để hoạt động. Ðây là những khó khăn khách quan, đơn vị không tự mình giải quyết được”. Nhu cầu biên chế theo định mức của đơn vị là 72 người, trong khi biên chế thực tế hiện tại chỉ có 51 người. Với quỹ đất hạn hẹp, chỉ hơn 4.700 m2, so với mô hình trung tâm theo quy chuẩn thì đơn vị còn thiếu 8 phòng học.

Bà Nga lo âu: “Thiếu phòng, nghĩa là trường không dám tuyển sinh, cũng không thể tuyển sinh. Trong khi đó, nhu cầu của xã hội tăng vọt”.

Những lằn ranh vô hình

Ông Nguyễn Xuân Hùng kể lại rằng: “Bận nọ, tôi nghe 2 người cùng xóm cự cãi nhau vì mâu thuẫn rất nhỏ. Một người gắt gỏng, nhà ông ăn ở thất đức, sanh con cái ra què quặt. Còn người kia không biết nói gì, chỉ khóc rưng rức. Kể cả chòm xóm với nhau còn không hiểu đó là di chứng tàn khốc của chiến tranh, của chất độc da cam, thì ai có thể chia sẻ, đồng hành, trợ giúp với những nạn nhân và gia đình của họ. Ðể rồi đây đó vẫn không dứt được những thành kiến, định kiến, trở thành nỗi ấm ức âm ỉ mãi trong lòng những người bất hạnh”.

“Tâm lý tự ti, thụ động, yếm thế và phụ thuộc của chính NYT là rào cản lớn nhất, khó phá nhất, khiến cho đối tượng này không thể chiến thắng chính mình; từ đó tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ, làm chủ được vận mệnh, cuộc sống của bản thân”, anh Cao Thanh Quí, một tấm gương về nghị lực vươn lên đã nói rất sòng phẳng về câu chuyện của mình và những người cùng cảnh ngộ.

Anh Quí cho rằng mình vẫn may mắn hơn nhiều người vì học đến lớp 10 mới mù loà, nên anh có đủ trải nghiệm, hình dung về cuộc sống một cách khá đầy đủ. Còn với những người mù bẩm sinh hoặc khi còn quá nhỏ, đó là câu chuyện hết sức day dứt.

“Anh em cảm nhận, nhìn nhận, đánh giá cuộc sống khác biệt lắm. Có người vì lệ thuộc, được bao bọc quá mức, rồi mặc cảm tự ti, buông xuôi, dẫn đến cả thể chất và trí tuệ đều dị dạng, méo mó. Ðó là một sự thật đau lòng nhưng phải chỉ rõ ra”, anh Quí trăn trở.

Vấn đề chưa nhận được sự đánh giá công bằng, sự ghi nhận đúng mức của xã hội về vai trò, năng lực của NYT là thực tế đã và đang tồn tại. Những gương sáng về nghị lực vươn lên của NYT có thể truyền được cảm hứng lớn, nhưng tiếc thay, đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức hiện tượng mà chưa thể trở thành một xu thế mạnh mẽ, tất yếu. Ðường lối, chủ trương của Ðảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguồn lực ưu tiên cho NYT đã có; sự quan tâm, đồng hành của xã hội ngày càng mạnh mẽ; thông điệp của NYT cũng đã lan toả rộng khắp; hệ thống tổ chức hội đồng hành cùng NYT cũng đã hoàn bị từ Trung ương đến tận ấp, khóm. Vậy thì nguyên nhân do đâu?

Những người trong cuộc tâm huyết với thực tế trên thổ lộ với chúng tôi rằng, nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Ðảng, thì cái vướng lớn nhất là trong nhận thức và trong khâu tổ chức thực hiện. Ðể rồi những giá trị ưu việt của Ðảng, Nhà nước, thể chế... về NYT vẫn bị phương hại bởi các định kiến, thành kiến cực đoan trong xã hội; bởi sự chưa quan tâm đúng mức của chính các cấp uỷ đảng, chính quyền ở một số nơi; cách triển khai mỗi nơi mỗi kiểu; cá biệt, chính những NYT còn không biết, không hiểu, không được tiếp cận về những quyền lợi, chế độ mà mình được thụ hưởng...


NYT vốn là đối tượng dễ tổn thương nhất, khó khăn nhất; là đối tượng cần sự quan tâm, chăm sóc, đồng hành, hỗ trợ nhiều nhất của xã hội. Vấn đề là cần phải nhận diện được khó khăn cốt lõi nhất, mà nếu tháo gỡ được, đó sẽ là chìa khoá mở ra cánh cửa tương lai để thay đổi số phận, vận mệnh cho họ./.


 

Hải Nguyên - Băng Thanh

Bài 3: NHẬN DIỆN TRỞ LỰC TỪ GỐC RỄ

 

Ngày giải phóng Cà Mau

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.