Thời gian qua, các hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có thêm nguồn lực phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn ưu đãi, người vay đã có thêm sự trợ lực để đầu tư kinh doanh, mua bán, cuộc sống ổn định và góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Theo đó, với nhiều chương trình thiết thực, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến gần với người dân.
Sau khi thoát nghèo, gia đình ông Bùi Văn Đệ (Ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) được Hội Nông dân tín chấp vay vốn 40 triệu đồng để phát triển kinh tế. Theo ông Bùi Văn Đệ, có vốn, gia đình bắt tay vào cải tạo diện tích đất rừng, gác kèo ong, đầu tư trồng thêm các loại cây kiểng đáp ứng trị trường Tết... “Nhờ duy trì mô hình đa canh theo phương thức lấy ngắn nuôi dài nên từ đó cuộc sống dần ổn định. Vợ chồng tôi cũng đã có điều kiện cho hai con gái học nghề. Có nghề nghiệp ổn định tụi nhỏ cũng đỡ vất vả hơn đi làm công nhân”, ông Đệ cho biết.
Được vay vốn 40 triệu đồng từ vốn giải quyết việc làm, gia đình bà Nguyễn Thị Kiều Mơ (Ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) góp vốn cùng gia đình để mở rộng các dịch vụ phục vụ đám tiệc.
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, bà Nguyễn Thị Kiều Mơ (Ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) mở rộng tiệm cho thuê áo cưới và các dịch vụ cưới để phục vụ người dân trong và ngoài xã.
Bà Mơ chia sẻ, gia đình chồng trước đây chỉ có dịch vụ cho thuê cổng, rạp cưới và nấu đám. Khoảng 3 năm nay, sau khi học xong nghề trang điểm, bà gom vốn để mở tiệm cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu. Năm 2023, sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng bà quyết định đầu tư thêm các mẫu mã áo cưới, dàn nhạc... để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dân.
Khảo sát các mô hình kinh tế của các hộ nghèo vay vốn thoát nghèo bền vững, ông Sơn Tấn Phát, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện U Minh, cho biết, đây là kết quả của việc sau khi bình xét cho vay, hộ vay được tuyên truyền từ chính quyền địa phương cũng như tổ chức chính trị nhận ủy thác, tổ tiết kiệm vay vốn, bà con đầu tư sản xuất chăn nuôi, kinh doanh mang lại hiệu quả. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương, đảm bảo thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Năm 2023, bà Lương Thị Ngọc Diệp (Ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) được Hội Nông dân xã tín chấp cho vay vốn phát triển kinh tế. Có vốn, bà Diệp mở rộng việc thu mua tôm, cuộc sống ngày càng phát triển.
Tính đến cuối tháng 8, Hội Nông dân huyện U Minh quản lý 92 tổ với hơn 4.500 hộ vay vốn, tổng dư nợ trên 135 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,42%, các cấp Hội Nông dân đã vận động hội viên gửi tiết kiệm trên 4.500 hộ với số tiền trên 4,5 tỷ đồng, đạt 100,15%.
Theo ông Trần Huy Quang, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh, để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội uỷ thác, Hội tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đồng vốn đúng mục đích, cũng như vận động đối tượng vay gửi tiết kiệm, không để xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng. Trong việc bình xét vay phải công tâm, khách quan đúng người đúng đối tượng đúng nhu cầu từ đó góp phần hạn chế những tiêu cực từ vấn nạn “tín dụng đen”.
Có thể nhận định, với hộ dân nghèo, khó khăn và các đối tượng chính sách, vốn tín dụng ưu đãi đã thật sự trở thành “chìa khoá” để họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, đời sống người dân không ngừng được cải thiện./.
Thanh Phương - Phương Du