(CMO) “Xứ này là vùng đệm rừng U Minh Hạ, đất phèn trũng, hồi trước cấy lúa chỉ 7-8 giạ/công, có khi thất trắng. Giờ trồng bồn bồn thu nhập gấp mười mấy lần trồng lúa”, Trưởng ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh Quách Minh Hoà “khái quát” tình hình.
Mốc thời gian “hồi trước” mà Trưởng ấp 14 nói, thật ra chỉ mới cách đây có mấy năm. Mấy năm mà đời sống hoàn toàn đổi khác, có người bảo, nằm mơ họ cũng không dám nghĩ tới.
“Anh Màu bồn bồn”
Ngoài bán bồn bồn thương phẩm, anh Bùi Văn Màu và các hộ còn bán bồn bồn giống có thêm nguồn thu đáng kể. |
Năm 2015, sau đợt thu hoạch lúa thất trắng, bà con ở xóm kênh T19 thấy anh Bùi Văn Màu kêu xe cuốc về hì hụi múc đất làm bờ bao; còn mua cao su về để lùm lùm một đống. Nhiều người hỏi làm gì, anh bảo: “Tôi giữ nước trồng bồn bồn”. Có người buông câu gọn lỏn: “Khùng!”. Anh chẳng nói chẳng rằng, chỉ cười nhưng trong bụng thầm thách thức “hãy đợi đấy!”.
Lên bờ bao hết diện tích đất sản xuất 2 ha, anh kêu xe cuốc móc sâu 1 đường giữa bờ, ém bạt cao su xuống giáp vòng đất rồi nện lại. “Do lúc trước có làm vuông vùng bãi bồi, cũng phải tấn cao su tránh mội nên thấy xứ U Minh là đất phân, thịt thưa tôi nghĩ đến cách này để giữ nước mùa hạn”, anh Màu phân trần.
Riêng công đoạn tách vỏ bồn bồn cũng giải quyết việc làm cho nhiều lao động. |
Ít lâu sau, người ta thấy xuồng chở cây bồn bồn giống về kìn kịt. Rồi anh thuê người cấy giáp hết đất. Nhiều người cười cợt, cho rằng làm chuyện… tào lao. Xứ này phèn ngập ống chân, hồi giờ chưa thấy ai trồng bồn bồn. Anh mặc kệ bao lời dị nghị, hồi hộp theo dõi sự phát triển từng ngày của cây bồn bồn để minh chứng rằng mình làm đúng.
Nhưng hỡi ơi, bồn bồn phát triển thưa thớt, èo uột, năn thì cứ thi nhau lên dày mịt, không nhổ xuể. Coi như vụ đầu mất trắng!
Một số hộ còn tự chở bồn bồn đi bỏ mối để được giá cao. |
Tức mình, anh nhổ cây bồn bồn lên “nghiên cứu” và gật gù nghiệm ra điều gì đó. Ít lâu sau, người ta thấy anh thuê người phát dọn năn ì xèo, rồi chở một đống vôi và phân lân về bón đất. Tiếp nữa là mua thêm bồn bồn giống về giặm lại hết diện tích 2 ha.
Như một phép màu, bồn bồn bén dần đất, tươi tốt, mọc thêm nhiều con. Cánh đồng chẳng mấy chốc xanh um. Vậy là thành công! Anh mừng, tim muốn vỡ tung lồng ngực. “Năm đó, lứa đầu tôi thu hoạch hơn 1 tấn bồn bồn thành phẩm. Phấn khởi vô cùng”, anh kể lại với vẻ mặt đầy hân hoan.
Tiếp những đợt sau, năng suất tăng lên và ổn định ở mức 1,3-1,4 tấn/ha. Giờ đây, với 2 ha bồn bồn, mỗi tháng trừ chi phí, anh Màu bỏ túi 30-40 triệu đồng. “Trồng bồn bồn có cái lợi là chỉ tốn vốn liếng, công sức đầu tư ban đầu, khoảng trên 30 triệu đồng/ha (làm bờ bao, tấn bạt, mua cây giống...), sau khoảng 5-6 tháng là có thu hoạch. Tiếp theo, cứ mỗi tháng thu hoạch 1 lần mà không cần phải trồng lại. Mực nước giữ 5-6 tấc trở lên. Mùa hạn, thấy nước hụt thì bơm châm thêm vào. Mà xứ này nước ngọt quanh năm, lại là nước dớn U Minh nhiều dinh dưỡng, bơm vào bồn bồn rất tốt, cọng mềm, ngọt ngon, người ta thích lắm!”, vẫn giọng đầy hào hứng, anh Màu chia sẻ.
Rồi anh trải lòng: “Giờ nghe thì đơn giản, nhưng hồi lúc mới trồng thử, nhọc nhằn, gian nan lắm! Tiền bạc vốn liếng phải xoay xở, vay mượn đủ đường. Mà cũng chưa biết có thành công không, thêm bao lời bàn ra, dị nghị… mình cũng bị áp lực lắm. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn có niềm tin vào công việc mình làm. Tôi tin chắc chắn cây bồn bồn sẽ sống được!”.
No ấm đã về
Vậy là bắt đầu năm 2017, nhiều hộ trên tuyến kênh T19 học hỏi anh Màu chuyển sang trồng bồn bồn. Sang năm 2018, người dân trên tuyến trồng rộ. Đến nay, theo Trưởng ấp Quách Minh Hoà, tuyến có 37 hộ, hết 25 hộ trồng bồn bồn, với diện tích hơn 43 ha. Các hộ còn lại do trước đây đã lên liếp trồng tràm, trồng chuối đang chờ thu hoạch. Theo nhận định của anh, có lẽ sau thu hoạch bà con sẽ chuyển hết sang trồng bồn bồn.
“Nhờ anh giới thiệu giúp vài hộ đặc biệt khó khăn, từ khi trồng bồn bồn mà cuộc sống phát triển tốt”, tôi đề xuất. Anh Hoà nói ngay: “Hết cả xóm đều khó khăn chứ không riêng hộ nào. Ở đây bà con nhận khoán đất rừng làm. Trồng rừng thì 4-5 năm mới khai thác. Mà hồi đó 1 ha rừng cũng chỉ thu được 70-80 triệu đồng. Để lấy ngắn nuôi dài, phần đất sản xuất bà con làm ruộng, lên liếp trồng dừa, chuối... Đất phèn, ruộng trũng sâu, làm lúa kém hiệu quả, dừa chuối giá cả cũng bấp bênh nên đời sống bà con ai cũng thiếu trước hụt sau. Giờ thì ngon lành hết rồi! Hộ ít nhất cũng 1 ha bồn bồn, nhiều 2-3 ha. 1 ha trừ hết chi phí, mỗi năm thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Còn tạo được việc làm cho nhiều người khác từ việc nhổ, lột vỏ bồn bồn”.
Đi dọc tuyến kênh trên con lộ 2 m mới được làm cách đây mấy năm, nhìn ra phía sau nhà các hộ dân đều thấy toàn ruộng bồn bồn. Mặc dù đợt lụt vừa rồi bồn bồn bị ngập chết nhiều, bà con đang khôi phục lại, chưa thu hoạch được nhiều nhưng ai cũng phấn khởi, lạc quan và khoe về cái cây “thần diệu” mang lại sự đổi đời cho họ. Nhà anh Hoà trồng 1,2 ha, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Trưởng ban Công tác Mặt trận Ấp 14 Nguyễn Đức Hiền có 8 công tầm lớn bồn bồn (hơn 1,1 ha) cũng thu về tháng thấp nhất 15 triệu đồng.
Hồi trước, khi mới trồng anh Màu cũng gặp khó về đường tiêu thụ, nhưng giờ thành xóm bồn bồn nên mỗi ngày đều có thương lái từ Cà Mau, Cái Nước, Trần Văn Thời vào cân.
Để có nguồn hàng cung cấp đều đều cho thương lái, cũng như nhẹ công thu hoạch, các hộ thường chia nhỏ diện tích, thu hoạch luân phiên vài ngày/lần. Dẫu vậy, mỗi lần thu hoạch bà con vẫn phải cần thêm 5-7 lao động phụ. Người nhổ ngoài ruộng từ sáng đến 12 giờ trưa khoảng 250.000 đồng/ngày; người tách vỏ trong nhà, làm 8 tiếng 120.000 đồng. Lao động thường là các hộ ở xóm không ngay ngày thu hoạch đất nhà và người dân các xóm khác. Công việc nhẹ nhàng, trẻ em những ngày nghỉ học, người lớn tuổi vẫn làm được. Tôi nhẩm tính, vậy là cả xóm bồn bồn này mỗi tháng cũng giải quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn lượt lao động.
Trưởng ấp 14 còn cho biết, cái hay của việc trồng bồn bồn lót bạt là giữ được nước ngọt quanh năm, nên bà con lúc nào cũng có bồn bồn để bán. Đặc biệt, trong mùa hạn, bồn bồn bán được giá nhất (28.000 đồng/kg), bởi những chỗ khác nơi thì bị nước mặn, nơi bị khô hạn không có bồn bồn, mặt hàng này khan hiếm.
Thêm nữa, cây bồn bồn vốn không bị sâu, không phải dùng thuốc trừ sâu nên bà con còn phát triển được nguồn lợi cá đồng. Mỗi hộ mỗi năm thu hoạch từ 20-30 triệu đồng từ cá.
Cũng nhờ nước ngọt nên ruộng còn có rất nhiều rau muống. Chịu khó như gia đình ông Nguyễn Văn Cậy (60 tuổi), ngoài thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng từ 1 ha bồn bồn và mấy chục triệu đồng tiền cá, vợ chồng ông hàng ngày còn chịu khó hái rau muống ruộng nhà và xin của bà con mang đi bỏ mối cũng kiếm thêm “trăm mấy, hai trăm ngàn đồng”.
Hôm tới gặp anh Màu, thấy anh đang loay hoay bên đống bồn bồn đầy gốc rễ, hỏi ra mới biết, anh đang nhổ bồn bồn bán giống. Anh bảo, người ta dặn 12.000 cây, mỗi cây (1 tép) bán được 900 đồng. Hiện nhiều hộ ở các ấp khác cũng học hỏi và nhân rộng cách trồng bồn bồn nơi đây.
Quả là đất không phụ lòng người. Dẫu đất đai có bạc màu, cằn cỗi, nếu con người cần cù, sáng tạo, toàn tâm với đất thì sẽ mang về thành quả. Tôi nói với anh Màu, công anh rất lớn, người ta giảm nghèo cho 1 hộ đã gian nan, còn anh mang ấm no về cho cả làng, cả xứ. Anh cười tít mắt: “ Công cán gì, chẳng qua nghèo khổ quá ráng nghĩ cách làm ăn để vươn lên thôi. Cái khó ló cái khôn mà!”./.
Trước khi ra về, Trưởng ấp 14 Quách Minh Hoà “đính chính”: Tuyến kênh này trước là T19, giờ chia ra, nó thuộc T21 và T23 nhưng bà con quen nên cứ gọi T19. Trưởng ấp 14 còn thông báo tin vui, xóm đã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng bồn bồn - nuôi cá. Nghe nói, tỉnh cũng đang có hướng xây dựng nơi đây mô hình khôi phục nguồn lợi cá lóc đồng. |
Trang Thăm