(CMO) U Minh và Trần Văn Thời là 2 địa phương trồng chuối nhiều nhất của tỉnh. Tại huyện U Minh, diện tích trồng chuối tập trung ở các xã: Khánh Thuận, Khánh Lâm, Nguyễn Phích; tại huyện Trần Văn Thời, tập trung ở các xã: Trần Hợi, Khánh Bình Ðông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc. Mỗi năm, bà con nông dân thu hoạch, bán ra thị trường hàng trăm tấn trái chuối và bắp chuối.
Vùng trồng chuối ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh. |
Tuy nhiên, có rất nhiều hộ thay vì trồng chuối lấy trái thì bà con lại trồng chuối lấy lá, thu lợi nhuận cao gấp nhiều so với lấy trái. Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) có 4 hộ thuê đất bờ bao chuyên trồng chuối lấy lá.
Anh Trần Văn Phú chuyên làm công cho các chủ vườn trồng chuối lấy lá, có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. |
Chị Nguyễn Thị Cẩm (Ấp 13, xã Khánh An, huyện U Minh) thuê 10 km đất bờ bao của vườn với giá 100 triệu đồng/năm để trồng chuối lấy lá. Lá chuối thu hoạch được thương lái đến tận nơi thu mua, cung cấp cho các cơ sở gói bánh, làm chả ở Cà Mau, Bạc Liêu... Chị Cẩm cho biết, chuối trồng để lấy lá chỉ hơn nửa năm là thu hoạch, mỗi lần cắt lá chỉ cách nhau hơn 15 ngày. Chuối lấy lá có độ dẻo, làm bánh không bị rách, nên thương lái rất ưa chuộng.
Lá chuối sau khi róc phải xếp từng chồng rồi cột lại, để lá không bị rách. |
Lá chuối được thương lái thu mua tận vườn với giá 5.000 đồng/kg. |
Trồng chuối lấy lá ít công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hoạch nhanh nên hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng chuối lấy trái. Với 10 km bờ bao trồng chuối, mỗi lần thu hoạch hơn 10 tấn lá, gia đình chị Cẩm thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm. Trồng chuối ở huyện Trần Văn Thời, U Minh giờ không còn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát như trước nữa. Nhiều bà con đã chuyển sang trồng chuyên canh cây chuối và đã làm giàu từ mô hình này./.
Huỳnh Lâm thực hiện