ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 17:11:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

KỶ NIỆM 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9 (1945-2024)

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Báo Cà Mau Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Những ngày thu lịch sử năm 1945, xứ sở Cà Mau cũng nhất tề đứng lên cùng cả nước để giành lại độc lập cho dân tộc, thoát khỏi cảnh đời nô lệ tối tăm, làm chủ vận mệnh của chính mình. Hào khí mùa thu đã bừng bừng sục sôi ở mảnh đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, theo mệnh lệnh của chân lý thời đại: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên” (Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, ngày 18/8/1945).

Tranh: Minh Tấn - Ảnh: tư liệu

Theo dòng lịch sử, vào thế kỷ XVII, Cà Mau được mô tả là “một vùng ẩm thấp, sình lầy, hoang vu”. Theo hành trình “mang gươm đi mở cõi”, cộng đồng lưu dân đã định danh Cà Mau từ phiên âm của đồng bào Khmer chỉ vùng đất này: "tưk kha-mau", có nghĩa là “nước đen” - đây cũng là nguồn gốc, cơ chế hình thành của nhiều địa danh ở vùng Nam Bộ nói chung. Với những biến động của lịch sử, vùng đất này dưới triều Nguyễn, rồi khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ, đều là đơn vị hành chính với tên gọi chính thức "Cà Mau".

Cộng đồng người Kinh - Hoa - Khmer đã kề vai, chung sức gìn giữ, xây dựng vùng đất Cà Mau từ buổi đầu lập đất, lập làng. Những nét tính cách tiêu biểu của con người Cà Mau cũng dần định hình: can đảm, kiên cường và thẳng thắn; phóng khoáng, hào hiệp và giàu ước mơ sáng tạo (sách “Cà Mau - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI”, Chu Viết Luân chủ biên). Tính cách ấy phản chiếu tâm thế, cách thức hành xử của con người trong mối quan hệ với thiên nhiên, một thiên nhiên kỳ vĩ, hoang vu, nguy hiểm nhưng vô cùng trù phú.

Cuốn “Ðịa chí Cà Mau” của cố Nhà báo Trần Thanh Phương khẳng định về khí phách, cốt cách của con người Cà Mau: “Ðó là những con người khao khát sống tự do, không khuất phục cường quyền, bạo lực”. Những giai thoại dân gian, tư liệu chính sử đã chứng minh cho nhận định ấy. Ðó là ông Nguyễn Văn Ðức, người dốc lòng phò trợ vua Nguyễn, dẹp tan bọn giặc “Tàu Ô” quấy phá vùng Mũi Cà Mau, có công lập xã Viên An (nay là 3 xã Ðất Mũi, Viên An và Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển), được vua Tự Ðức sắc phong thần thành hoàng làng, triện đỏ dấu son đề “Tự Ðức ngũ niên thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật - tức năm Tự Ðức thứ 5, tháng 11, ngày 29”, năm 1852. Ðó là cuộc khởi nghĩa của 2 anh hùng nông dân yêu nước xứ Cái Tàu: Ðỗ Thừa Luông và Ðỗ Thừa Tự, chống Pháp năm 1871-1872. Chính thực dân Pháp trong "Niên giám tổng quát về Ðông Dương năm 1872" đã thừa nhận: “Làng Tân Thạnh nằm trên hai bờ sông Cái Tàu, có 600 cư dân, tất cả làm nghề đốn củi và đánh cá. Tinh thần dân chúng làng này rất sôi động và có ý chí chống chính quyền từ lâu. Năm 1872, chính làng này là nơi anh em Ðỗ Thừa Luông, Ðỗ Thừa Tự ẩn náu, họ là những người làm điên đảo toàn xứ sở này...” (sách “Lịch sử địa phương Cà Mau”, TS Thái Văn Long chủ biên, tr.102).

Trọng nghĩa khí, yêu lẽ công bằng, những nông dân Cà Mau không chịu nổi áp bức, bóc lột của bè lũ thực dân và tay sai, đã đứng lên đòi công lý. Ðó là cuộc đấu tranh của nông dân xã Tân Hưng nổi dậy chống chủ điền Pháp gian ác Patéxti (1924); là tiếng vang cuộc nổi dậy nông dân Ninh Thạnh Lợi (1927), là máu thắm Ðồng Nọc Nạng với dũng khí ngút trời của gia đình nông dân Mười Chức (1928)...

Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, Đảng bộ và Nhân dân Cà Mau đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ảnh: Một góc đô thị TP Cà Mau. Ảnh: Trần Nguyên

Tại mảnh đất Cà Mau, màu cờ Ðảng đỏ thắm trên quê hương này đúng ngày 3/2/1930. Ðoàn quân chiến thắng của người Anh hùng Phan Ngọc Hiển và đồng chí, đồng đội sau thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai lẫy lừng sử sách ngày 13/12/1940. Người dân Cà Mau đói ăn trái mắm, khát thì chưng cất nước mặn để uống, lập làng rừng kháng chiến, một lòng sắt son với Ðảng, với Bác Hồ, với sự nghiệp cách mạng. Bao nhiêu lớp người Cà Mau đã ngã xuống, những thế hệ tiếp nối lại xông lên vì độc lập, tự do, hoà bình thống nhất đất nước với chiến công nối tiếp chiến công.

Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã chỉ rõ thời cơ ngàn năm có một của cách mạng nước ta. Chủ trương khởi nghĩa được Ðảng bộ tỉnh Bạc Liêu (Cà Mau và Bạc Liêu) gấp rút chuẩn bị. Ngày 5/5, tại Tân Bằng, Ban vận động tái lập Ðảng bộ Nam Kỳ triệu tập Hội nghị đại biểu các chi bộ khu vực Cà Mau để thành lập cơ quan lâm thời của Ðảng bộ tỉnh gồm 5 người, do đồng chí Trần Văn Ðại làm Bí thư. Phong trào cách mạng sục sôi khắp quê hương Cà Mau, nhất tề chuẩn bị cho một cơn vũ bão của chính nghĩa cách mạng quét sạch bè lũ thực dân xâm lược, phát xít bạo tàn, tàn dư phong kiến thối nát và tay sai bán nước.

Cũng phải nói thêm, trong bối cảnh lịch sử ấy, do chưa liên lạc được với các nhóm cách mạng khác trong tỉnh Bạc Liêu chung, các đồng chí lãnh đạo cách mạng bộ phận Cà Mau vẫn phải hoạt động độc lập, ra tờ báo Ðộc Lập làm cơ quan tuyên truyền. Vì vậy, bộ phận này được gọi là nhóm Ðộc Lập (sách “Lịch sử địa phương Cà Mau”, TS Thái Văn Long chủ biên, tr.145).

Ngày 15/8/1945, khi nhận được tin Nhật đầu hàng Ðồng minh và quân đội ở Bạc Liêu tháo chạy về Cần Thơ, Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang chỉ thị cho các đảng bộ phải bằng mọi cách giành được chính quyền ở địa phương mình, hoà vào khí thế thắng lợi của cách mạng cả nước.

Ngày 25/8/1945, Tỉnh uỷ lâm thời Cà Mau do đồng chí Trần Văn Ðại và đồng chí Thái Ngọc Sanh lãnh đạo, tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Sân vận động Cà Mau để chào mừng Mặt trận Việt Minh thành lập và để biểu dương sức mạnh lực lượng quần chúng cách mạng. Cuộc mít tinh chuyển thành cuộc biểu tình vũ trang thị uy, kéo đến dinh Ðốc phủ Kế (Nguyễn Văn Kế, Quận trưởng Cà Mau), buộc giao chính quyền về tay Nhân dân. Tên quận trưởng tay sai dùng thủ đoạn hoà hoãn, nhưng với khí thế chiến thắng của cách mạng, hắn đã cúi đầu bàn giao chính quyền cho Uỷ ban Dân tộc giải phóng Cà Mau.

Trước đó, tại khu vực Bạc Liêu, ngày 20/8, hàng ngàn người dân từ nông thôn kéo vào, nhập cùng các tầng lớp Nhân dân trong thị xã trương cờ đỏ sao vàng, băng, khẩu hiệu... vây kín dinh Tỉnh trưởng Trương Công Thiện đòi giao chính quyền cho cách mạng. Khi nhận thấy sự hoà hoãn bất thành trước khí thế vũ bão cách mạng, sáng 23/8/1945, tên Tỉnh trưởng buộc phải đầu hàng và công bố chính quyền tỉnh Bạc Liêu thuộc về cách mạng, thuộc về Nhân dân.

Đời sống người dân cả thành thị lẫn nông thôn ngày càng nâng cao. Ảnh: Nông dân xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Tuấn

15 năm kể từ khi chi bộ Ðảng đầu tiên ra đời, vùng đất Bạc Liêu - Cà Mau đã cùng với cả nước làm nên mùa thu bất tử của lịch sử của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Từ thân phận người dân mất nước qua “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây” (cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), nay Nhân dân Việt Nam đã thực sự trở thành người làm chủ cuộc đời mình, vận mệnh mình dưới ánh sáng chân lý cách mạng của Bác Hồ, của Ðảng vạch đường, chỉ lối.

Hào khí mùa thu năm 1945 vang vọng mãi, bừng sáng mãi ở mảnh đất cuối trời Nam; kết tinh và kết nối khát vọng, ý chí, sức vóc của đất và người Cà Mau; là cảm hứng thời đại để quê hương viết tiếp những chặng đường ngời sáng tương lai./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Miền nhớ thiêng liêng

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra trang trọng, ý nghĩa trên đất Cà Mau. Ngược miền ký ức, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam như được sống lại giai đoạn thiêng liêng của cuộc chuyển quân lịch sử. Họ gặp lại nhau, cảm xúc dâng trào, bao câu chuyện về những ngày chiến đấu, lao động, học tập nối mạch ùa về...

Ðại tá từ du kích

Trong các bạn bè, đồng đội cùng hàm, trên dưới tuổi tám mươi, Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình) có lẽ là người đậm chất từ du kích, tên ông gắn liền với du kích Thạnh Phú một thời lẫy lừng chốt chặn phía Nam tỉnh lỵ An Xuyên, bảo vệ vùng giải phóng Nhà Phấn, Rạch Mũi trong tầm đại bác của địch.

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.