(CMO) Kênh Chống Mỹ, ấp Chống Mỹ, là những công trình thể hiện ý chí quyết tâm và lòng căm thù sâu sắc quân xâm lược của quân và dân trong thời kháng chiến. Ðất nước thống nhất gần nửa thế kỷ, nhưng những địa danh mang tên “Chống Mỹ” mãi lưu truyền đến nay. Giữa ngày vui kỷ niệm non sông chung một bóng cờ, chúng ta cùng về thăm những địa danh mang tên “Chống Mỹ”.
Quân xâm lược và bè lũ tay sai đã gieo rắc biết bao đau thương, tàn ác cho quê hương, xóm làng; với lòng hờn căm ngất trời, đáp lời Bác gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên. Tại miền Nam, hàng vạn công trình mang tên Chống Mỹ đã ra đời, thể hiện ý chí quyết tâm đánh bại giặc thù.
Theo các nhân chứng lịch sử, những công trình kênh đào mang tên Chống Mỹ đều do chính quyền vận động dân hiến đất và huy động dân quân, du kích cùng Nhân dân đào kênh, mở đường phá thế bao vây của giặc, vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến đấu.
Tại ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi - nơi có dòng kênh mang tên Chống Mỹ đầu tiên trong huyện, ông Huỳnh Minh Thơ, người dân ở đây, kể: “Năm đào kênh, tôi 14 tuổi. Hồi đó vui lắm, đêm đến dân quân và bà con chia từng đoạn kênh để đào. Các má chiến sĩ đem bánh chuối chiên, bánh dừa tiếp tế”.
Kênh Chống Mỹ, ấp Kinh Cũ, dài gần 2 cây số, rộng 3,5 m, được chính quyền huy động hàng trăm nhân công đào liên tục trong 10 đêm. Ðây là 1 trong số 13 con kênh đào nhằm phá thế bủa vây của giặc, vận chuyển lương thực, vũ khí đến các đơn vị bộ đội đóng quân trong làng rừng U Minh.
Ðường bê tông về kênh Chống Mỹ, xã Trần Hợi. |
Ông Phạm Thanh Sơn, Phó trưởng ban Tuyên giáo huyện Trần Văn Thời, thông tin: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có 13 công trình mang tên Chống Mỹ. Những công trình này được cấp uỷ, chính quyền trong huyện quan tâm đầu tư, hỗ trợ cầu, lộ giao thông nông thôn, để bà con Nhân dân và học sinh đi lại được dễ dàng. Ðặc biệt, dịp 30/4/2023, một công trình đã và đang được xây dựng là tuyến giao thông tại kênh Chống Mỹ, do Nhà nước và Nhân dân cùng làm, kinh phí đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng”.
Hiện có gần 40 hộ gia đình sinh sống trên tuyến. Ðón nhận Dự án xây dựng đường bê tông kênh Chống Mỹ, bà con ai cũng phấn khởi, nỗ lực góp công, góp sức xây dựng con đường hoàn thành trước ngày 30/4 - kỷ niệm lần thứ 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Anh Phùng Hoang Em, một trong những hộ sống tại kênh Chống Mỹ, đóng góp 5 triệu đồng xây dựng đường, anh cho biết: “Tôi với bà con trong này rất vui, được Ðảng, Nhà nước, chính quyền quan tâm, làm được con đường này, bà con sẵn sàng hiến đất, đóng góp cùng Nhà nước”.
Ấp Chống Mỹ, xã Khánh Bình, nằm ven dòng Kinh Hội, cả ấp có hơn 320 hộ dân sinh sống. Nhờ chuyển đổi sản xuất, từ độc canh cây lúa sang mô hình lúa - tôm kết hợp, đời sống bà con trong ấp được cải thiện. Hơn 90% hộ xây dựng nhà ở khang trang, mua sắm tiện nghi đầy đủ. Cảm nhận niềm vui quê hương đổi mới, cựu chiến binh Phạm Thanh Trường, 71 tuổi, ở ấp Chống Mỹ, bày tỏ: “Không thể tưởng tượng được, làng Kinh Hội có đường liền xóm như thế này, bộ mặt nông thôn được đổi mới nhiều lắm”.
Theo các cựu chiến binh, ấp Chống Mỹ ra đời vào năm 1979. Lý do Ðảng bộ và Nhân dân đặt tên ấp là “Chống Mỹ” vì trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, địa bàn ấp có kênh đào mang tên kênh Dân Quân, dài gần 4 cây số, bảo vệ, che chắn cơ sở cách mạng hoạt động tại khu rừng tràm.
Trong kháng chiến, huyện Trần Văn Thời có 6 xã đào kênh chống Mỹ, với tổng chiều dài hơn 49 cây số. Trong đó, có những xã đồn bót giặc chiếm đóng nhiều phía, nên bà con đào nhiều kênh để bảo vệ cơ sở cách mạng, để giao liên, bộ đội hoạt động. Tiêu biểu như xã Lợi An có 4 ấp đào kênh chống Mỹ, gồm các ấp: Cái Bát, Tân Hiệp, Tân Thành và Ông Tự. Tiếp đó, xã Phong Lạc và Phong Ðiền, mỗi xã có 3 dòng kênh mang tên “Chống Mỹ”. Tự hào biết bao, quê hương Trần Văn Thời có tới 13 dòng kênh đào mang tên “Chống Mỹ”. Ðất nước yên bình gần nửa thế kỷ, nhưng những địa danh mang tên như thế mãi còn lưu truyền.
Hoà trong khúc khải hoàn ca kỷ niệm ngày đất nước độc lập, non sông thu về một mối, những người con đất Việt luôn tri ân sâu sắc đến triệu triệu đồng bào, chiến sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xương máu cho độc lập, tự do. Trong đó, có bao giọt mồ hôi, công sức của cán bộ, Nhân dân tại những địa danh mang tên Chống Mỹ.
Mỗi độ tháng Tư về, chúng ta cùng nhắc nhớ: Giá trị lịch sử của ngày 30/4 mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Mỗi ngành, mỗi cấp phải trân trọng, bảo tồn những giá trị quý giá ấy./.
Trúc Ðiệp