Sông ngòi, kinh rạch là một trong những đặc trưng nổi bật của vùng ÐBSCL nói chung và bán đảo Cà Mau nói riêng. Và ở Cà Mau, có những dòng kinh mang tên “Chống Mỹ” hãy còn nằm trong ký ức những con người đã từng trải qua những tháng năm đầy mưa bom bão đạn.
Đồng khởi năm 1960 đánh dấu sự kiện vùng lên của cách mạng miền Nam. Những năm sau Ðồng khởi, Căn cứ Tỉnh uỷ Cà Mau được xây dựng ở Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước (nay là 2 xã Phú Mỹ và Phú Thuận, huyện Phú Tân). Ðể đảm bảo bí mật, vừa rút ngắn thời gian di chuyển, Tỉnh uỷ Cà Mau chỉ đạo cùng với xây dựng các tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang là việc đào các con kinh tạo mạch máu giao thông từ Khu Căn cứ Tỉnh uỷ đến các vùng phụ cận, các căn cứ cách mạng ở rừng đước Năm Căn và rừng tràm U Minh. Ðào kinh chống Mỹ trở thành phong trào thi đua yêu nước của quân, dân các xã trong vùng nông thôn giải phóng của tỉnh hồi ấy.
Những dòng kinh "hai trong một"
Ông Hồ Ðức Thọ (Hai Dũng), quê ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, năm nay 72 tuổi, kể: “Hồi đó, tôi phụ trách Xã đoàn Phú Mỹ. Trong mùa khô năm 1961, lực lượng đoàn viên thanh niên cùng với nông dân trong xã và các xã phụ cận đã đào xong kinh chống Mỹ dài hơn 6 cây số từ Giáp Nước đến Thứ Vải, giáp sông Bảy Háp, thuộc xã Trần Thới, huyện Cái Nước ngày nay”.
Ông Hồ Ðức Thọ còn cho biết thêm: “Cũng trong mùa khô năm đó, phía bên kia sông Bảy Háp, quân, dân xã Năm Căn (huyện Duyên Hải cũ) cũng đào kinh chống Mỹ. Ðầu con kinh này phía Nam giáp với lộ Ðồng Cùng - Năm Căn, phía Bắc giáp kinh xáng Cái Ngay. Kinh này xuyên qua Ðồng Ong Nghệ, dài chừng 4-5 cây số”.
![]() |
Nhiều “dòng kinh thành đồng” của Cà Mau trong kháng chiến đã trở thành huyền thoại. Ảnh: TRƯỜNG KHỞI |
Bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Hồ Ðức Thọ, trong kháng chiến chống Mỹ công tác ở cơ quan y tế Cà Mau. Mùa mưa năm 1961, cơ quan y tế tỉnh đóng ở Bù Mắc, Cây Thơ, Ðồng Ong Nghệ (xã Năm Căn) được lệnh chuyển đến xây dựng căn cứ ở U Minh. Bà kể: “Hồi đó đồ đạc, dụng cụ và người đều đi bằng xuồng ba lá. Ðoàn xuồng xuất phát từ kinh Chống Mỹ (Ðồng Ong Nghệ) qua sông Bảy Háp vào kinh chống Mỹ (Thứ Vải) về Giáp Nước. Ði trong các con kinh chống Mỹ chủ yếu là chống và bơi, bởi con kinh nhỏ, hai mái chèo đụng bờ. Mặc dù chỉ bơi, chống nhưng nhờ đi đường tắt nên rút ngắn thời gian. Chỉ sau 2 ngày từ rừng đước Năm Căn đã về tới bên này U Minh rừng tràm”.
Lợi thế của các con kinh chống Mỹ này được phát huy sau mùa mưa. Vì vậy, đến mùa khô năm sau, việc đào kinh chống Mỹ được phát động ở nhiều xã trong tỉnh với tinh thần khẩn trương để có thêm nhiều đường giao thông phục vụ kháng chiến.
Nối với kinh Chống Mỹ, xã Năm Căn, các con kinh chống Mỹ từ kinh xáng Cái Ngay qua Ðồng Bìm Bịp, Bàu Sen, Bá Huê (thuộc xã Quách Văn Phẩm) và nối từ sông Ðầm Chim qua Tân Ðức, Hiệp Thành, kinh Sáu Ðông (thuộc xã Tân Thuận) được quân, dân huyện Ðầm Dơi thực hiện hoàn thành chỉ trong 1 mùa khô.
Ông Hồ Ðức Thọ kể tiếp: “Huy động mọi lực lượng, đến mùa khô năm 1962, xã Phú Mỹ tiếp tục đào con kinh chống Mỹ từ Vàm Ðình qua cánh đồng trũng Trống Vàm, 1 đoạn xuyên qua mé rừng, trổ ra Cái Ðôi Vàm. Nhờ đó, cán bộ, bộ đội ta lưu thông theo con đường này, tránh được sự kiểm soát của lính đồn Vàm Ðình và khu Hải Yến - Bình Hưng".
Ông Thọ bùi ngùi: "Cũng việc đào kinh này mà 4 du kích xã hy sinh, 1 bị thương trong lúc làm nhiệm vụ canh gác cho lực lượng đào kinh”.
Ðiền Ba Xuyên trước Cách mạng Tháng Tám rộng hàng trăm héc-ta, mỗi mùa địa chủ thu về 9.000-10.000 giạ lúa. Cách mạng Tháng Tám thành công, đất điền chủ bị tịch thu chia lại cho hàng trăm nông dân thuộc xã Hưng Mỹ (huyện Cái Nước) và xã Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời). Cũng trên đồng đất của mình, nông dân 2 xã đem sức lực đào những con kinh để chống Mỹ cứu nước.
Ông Trần Văn Tâm còn nhớ như in những năm đầu đào kinh chống Mỹ: “Hồi tham gia đào kinh Chống Mỹ dài 5 cây số, giáp với sông Rau Dừa chạy qua Rạch Bần ra Sông Ðốc, tôi mới 22 tuổi. Cũng năm đó, xã Hưng Mỹ đưa lực lượng sên một đoạn kinh tự nhiên và đào thêm con kinh Chống Mỹ nối kinh Ba Xuyên với kinh Năm Công, từ đầm Thị Tường đi Sông Ðốc. Như vậy, từ căn cứ Tỉnh uỷ bên Xẻo Ðước, chỉ cần đi bằng kinh Chống Mỹ là qua được bên kia Sông Ðốc hay ra hướng Cà Mau”.
Khắp nơi đào kinh "chống Mỹ"
Thi đua với xã Hưng Mỹ và Phong Lạc, xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước), xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời) cũng đào các con kinh chống Mỹ phía sau bờ Sông Ðốc từ Phát Thạnh, Rạch Muỗi, Cỏ Xước tiếp giáp với Giao Vàm, sát thị xã Cà Mau. Bên bờ Nam sông Ðốc cũng khẩn trương để hoàn thành kinh Chống Mỹ từ kinh Hội Ðồng Thành qua Ông Bích, Rạch Bàu, Rạch Cui, So Le, Kiểu Mẫu về Kinh Ðứng, Ðá Bạc. Hai bên bờ kinh bây giờ chạy qua nhiều ấp của các xã: Khánh Bình, Khánh Bình Ðông, Trần Hợi, Khánh Hưng và Khánh Bình Tây.
Như để nhớ một thời gian lao của Nhân dân vùng này mà cái tên “Chống Mỹ” còn giữ nguyên để đặt cho một ấp thuộc xã Khánh Bình. Các bác: Tư Húa, Sáu Ðâu, Sáu Núi, Hai Xía, Bảy Thơm, nay tuổi ngoài 80, là những người đã từng tham gia đào kinh Chống Mỹ nơi đây, ký ức về một thời xông xáo đào kinh để chống Mỹ thật khó phai mờ trong mỗi người.
Trên địa bàn xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, hiện cũng có con kinh mang tên Chống Mỹ. Ông Võ Văn Công, năm nay đã 89 tuổi, nhưng nhớ một cách “có đầu, có đuôi” về việc đào kinh Chống Mỹ này: “Huyện Thới Bình hồi đó có mật danh Mười Cư. Mặt bên kia sông Trẹm và kinh Chắc Băng là căn cứ của Huyện uỷ. Bên này sông là Quốc lộ 63 đến Chợ Hội, Huyện Sử do giặc kiểm soát bằng đường xe và các đồn chốt chặn. Ðường sông từ sông Trẹm và kinh Chắc Băng thì Chi khu Thới Bình và đồn Huyện Sử kiểm soát. Ðể đi tắt ngang từ lộ qua sông (nơi căn cứ của ta) được đảm bảo bí mật, tránh sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, chỉ có con đường đi tắt từ sông Cái Nai (giáp Quốc lộ 63) qua Ðồng Sậy, qua kinh Chắc Băng. Chính yêu cầu như vậy, huyện chỉ đạo xã Tân Lộc và các xã lân cận huy động lực lượng dân, quân thực hiện việc đào kinh”.
Hồi ấy, ông Võ Văn Công là đội viên du kích xã. Ông vừa làm nhiệm vụ cùng lực vũ trang xã đánh chặn những đợt càn của địch vào nơi đào kinh, khi địch rút lui thì cùng tham gia đào kinh với anh em. “Cấp trên yêu cầu đào xong trong năm, nhưng phải đến mùa khô năm sau mới rồi. Ðào kinh qua đồng trũng phải chờ đến mùa hạn và đào cả ban đêm. Lúc đó đào kinh gian nan lắm, ban ngày bị địch càn quét, ban đêm bị pháo kích. Một số người đã hy sinh trong lúc đào kinh”, ông Công hồi tưởng.
Cũng là những con kinh được thực hiện bằng sức lực của quân và dân để phục vụ kháng chiến, sao có lúc, có nơi gọi bằng tên kinh “Chống Mỹ”, có nơi gọi là kinh “Dân Quân”? Tìm hiểu qua những người trong cuộc mới biết cách đặt tên này. Những con kinh mang tên “Chống Mỹ” là sự ghi dấu sức đóng góp chủ yếu của người dân trong xã mà con kinh đi qua, hay huy động sức dân các xã lân cận tham gia. Những con kinh phải thi công qua những cánh đồng hoang hay những cánh rừng, ít dân cư tại chỗ, điều kiện đi lại khó khăn nên phải huy động lực lượng dân công hoả tuyến, du kích các xã, lực lượng địa phương quân tham gia, vì vậy mà cái tên kinh “Dân Quân” ra đời.
Trong năm 1963-1964, một số con kinh Dân Quân được đào như: kinh từ Kiểu Mẫu (xã Khánh Bình Ðông) qua Cơi Năm (xã Khánh Hưng) nối kinh Kiểm Lâm (xã Khánh Lâm); kinh từ Khánh Lâm qua Khánh Tiến, Khánh Thuận (huyện U Minh) nối với rạch Tiểu Dừa (giáp địa phận tỉnh Kiên Giang)...
Dù là những dòng kinh mang tên “Chống Mỹ” hay “Dân Quân”, thì đều quy tụ sức đóng góp bằng mồ hôi và xương máu của quân và dân Cà Mau với mục tiêu cao cả góp phần cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vẫn chưa có công trình sử học hay cuốn sách, thước phim nào nói về những con kinh - con đường kỳ diệu này. Nhưng qua ký ức của những người tham gia khơi mở những dòng kinh và trong tiềm thức những người đang sống hôm nay thì những dòng kinh ấy có ý nghĩa to lớn góp phần cho kháng chiến thắng lợi./.
Với tầm nhìn chiến lược của Tỉnh uỷ, bằng sức lao động và ý chí quyết giành thắng lợi của quân và dân ta, chỉ chưa đầy 5 năm (từ 1961-1965) đã vẽ thêm trên bản đồ của địa phận Cà Mau một hệ thống kinh “Chống Mỹ” dài hàng trăm cây số, chạy từ phía Bắc xuống phía Nam. Mỹ - nguỵ có thừa xe tăng, tàu chiến và bom đạn nhưng không ngăn chặn được sự lưu thông của những dòng kinh “Chống Mỹ", để những dòng kinh này làm tròn nhiệm vụ “đưa tài, chuyển cán”, cùng góp phần cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
Chung Thanh Thuỷ