ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 29-1-25 05:54:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tự hào Thanh niên xung phong

Báo Cà Mau Năm 1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược, tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc. Chúng tăng cường lực lượng quyết tâm thôn tính miền Nam, với ý đồ lập ấp chiến lược kìm kẹp Nhân dân, thực hiện triệt để chính sách chia cắt, ngăn chặn lực lượng cách mạng trong vùng giải phóng. Ở miền Bắc, không lực Hoa Kỳ thực hiện cuộc đánh phá miền Bắc bằng máy bay, tàu chiến, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Ðảng đã chỉ đạo củng cố, bổ sung thành lập quân đội vững mạnh và lực lượng phục vụ chiến đấu, “trọng yếu là lực lượng nam, nữ thanh niên” nhằm hỗ trợ, phục vụ cho các đơn vị chủ lực, sẵn sàng đương đầu với địch trong mọi tình huống.

Thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Ðảng, ngày 26/3/1965, Ðại hội Ðoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam lần thứ I diễn ra tại Tây Ninh đã phát động phong trào “5 xung phong chống Mỹ cứu nước” cho lực lượng thanh niên miền Nam. Sau đại hội, đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) giải phóng miền Nam đầu tiên được thành lập tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tân Biên - Tây Ninh), đồng thời thành lập Tổng Ðội TNXP trực thuộc Trung ương Cục miền Nam phụ trách phong trào thanh niên xung phong trên toàn khu vực miền Nam. Theo sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, 11 đơn vị TNXP lần lượt thành lập ở các tỉnh miền Nam, trong đó có lực lượng TNXP tỉnh Cà Mau.

Lực lượng TNXP tỉnh Cà Mau do Tỉnh đoàn phụ trách, đơn vị đầu tiên được mang tên Ðại đội TNXP Nguyễn Việt Khái I, thành lập ngày 20/4/1966, gồm 106 người (có 53 nữ), do đồng chí Lê Minh Hoà làm Ðại đội trưởng, đồng chí Trần Văn Hữu (Tư Thắng) làm Chính trị viên. Ðịa điểm thành lập là xã Phú Hưng, huyện Cái Nước.

So với các địa bàn khác, xã Phú Hưng là địa điểm có nhiều lợi thế, đáp ứng được các yêu cầu hoạt động và phát triển của lực lượng TNXP trong những ngày mới thành lập. Ðây là vùng tiếp giáp các xã vùng căn cứ kháng chiến, có hệ thống sông, rạch chằng chịt, thông với các khu căn cứ cách mạng, đặc biệt nằm lân cận Khu căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Ðước. Từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, do có địa hình an toàn, những đồng chí lãnh đạo Ðảng và các cơ quan lãnh đạo đoàn thể đã đóng quân ở đây. Phú Hưng cũng là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng, nhiều cán bộ trung kiên đã trưởng thành từ mảnh đất này và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Lực lượng TNXP Nguyễn Việt Khái I sau khi thành lập được tập hợp và đóng quân tại kênh Phát Thạnh, xã Phú Hưng. Hơn 1 tuần lễ sau, đơn vị di chuyển đến khu vực ấp Lộ Xe. Hoạt động chủ yếu của đơn vị trong giai đoạn này là tập dượt tác phong, rèn luyện sức khoẻ, luyện hành quân, bồi dưỡng chính trị, đào tạo các kỹ năng như: kỹ năng quân sự, kỹ năng phục vụ chiến trường, kỹ năng chiến đấu trực diện với địch...

Ðại đội TNXP Nguyễn Việt Khái I thồ hàng phục vụ chiến dịch Ðường 9 Nam Lào. (Ảnh tư liệu, Ban Liên lạc TNXP giải phóng miền Nam cung cấp).

Tuổi đời còn rất trẻ, không ngại khó, với tinh thần “5 xung phong”, quyết tâm vượt qua mọi thách thức, được sự đùm bọc, tiếp tế, ủng hộ từ Nhân dân và huấn luyện kỹ càng từ cấp trên, đơn vị TNXP Nguyễn Việt Khái I sau 2 tháng thành lập đã tiến bộ rất nhanh, đáp ứng các yêu cầu phục vụ chiến trường, luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Ngày 13/5/1966, Ðại đội Nguyễn Việt Khái I hành quân 79 ngày đêm về R (Trung ương Cục miền Nam), thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và tham gia trực tiếp chiến đấu cho chiến trường miền Ðông Nam Bộ.

Lực lượng TNXP Nguyễn Việt Khái I là đơn vị thoát ly chiến đấu đầu tiên của Cà Mau bổ sung về Trung ương Cục. Sau khi được luyện quân ở Tổng đội, làm lễ xuất quân tại Bãi Bầu, đơn vị chính thức làm nhiệm vụ của TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trực tiếp phục vụ cho Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 ở miền Ðông.

Năm 1967, đơn vị được bổ sung thêm 294 đồng chí, nâng lực lượng TNXP Nguyễn Việt Khái I lên tổng số 400 người. Trong thời gian làm nhiệm vụ của TNXP giải phóng miền Nam trên các chiến trường, TNXP Nguyễn Việt Khái I đã phục vụ hàng trăm trận đánh; làm nhiệm vụ vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, tải thương, chăm sóc thương binh chiến trường, phục vụ xây dựng các bệnh viện; làm thông suốt các tuyến đường vận chuyển, cùng tổng đội nuôi dưỡng hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được địch trao trả trong các hiệp định hoà bình... Ngoài ra, đơn vị còn tham gia trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường... Trong gần 10 năm phục vụ và chiến đấu, TNXP  Nguyễn Việt Khái I  đã có 58 đồng chí anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Ðông Nam Bộ.

Giai đoạn khi chính thức chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, địch tăng cường kiểm soát, phong toả gắt gao, nên việc vận chuyển chi viện cho Khu 9 bằng đường biển gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đường Hồ Chí Minh trên bộ (đường Trường Sơn) vận chuyển vũ khí và phương tiện chiến tranh chi viện cho miền Nam đã đến miền Ðông Nam Bộ. Việc nối liền đường vận chuyển từ miền Ðông về miền Tây Nam Bộ để tiếp nhận hàng chi viện là một vấn đề cấp thiết. Từ nhu cầu đó, Ðường 1C ra đời, Ðường 1C là tuyến đường nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên bộ, từ Tây Ninh, đi trên đất bạn Campuchia, qua biên giới Việt Nam tại Vĩnh Ðiều, băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kênh Tám Ngàn, Mốp Giăng, qua lộ Cái Sắn... về đến Cái Nứa, Ba Ðình (U Minh Thượng). Trung ương Ðảng đã giao nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển trên tuyến đường này là lực lượng TNXP do Khu đoàn Khu 9 tổ chức, tập hợp từ các đơn vị TNXP cơ sở của các tỉnh.

Giữa năm 1967, lực lượng TNXP Cà Mau thành lập thêm 2 đơn vị Ðại đội TNXP Nguyễn Việt Khái II và Ðại đội TNXP Nguyễn Việt Khái III, tổng quân số là 240 đồng chí (có 175 nữ), là lực lượng nòng cốt trong Liên đội I, bổ sung quân cho Quân khu 9. Ðây là lực lượng phục vụ chiến đấu ở tuyến Ðường 1C và kênh Vĩnh Tế. Quá trình vận chuyển trên Ðường 1C vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Ðịch thường xuyên đánh phá ác liệt để ngăn chặn chi viện của ta. Chúng cho rằng, muốn bình định miền Tây Nam Bộ phải cắt đứt bằng được con đường này. Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm lượt máy bay ném bom bắn phá, kể cả B52 ném bom rải thảm, pháo bầy cày nát địa hình. Trên các tuyến kênh, tàu địch thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát ngày đêm. Ðồng thời, chúng thường xuyên tổ chức hành quân càn quét, tung biệt kích rình rập đánh phá. Lực lượng vận chuyển phải chiến đấu quyết liệt với địch để mở đường mà đi, bảo vệ người, bảo vệ hàng, quyết tâm bám trụ giữ vững Ðường 1C thông suốt. Ngày lo trú ẩn và đánh địch, đêm đến 1 xuồng 1-2 người vận chuyển suốt đêm.

Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên tuyến Ðường 1C-3150. Ảnh tư liệu

Cùng với các lực lượng TNXP cơ sở khác, lực lượng TNXP Nguyễn Việt Khái II, III đã vận chuyển gần 15 ngàn tấn vũ khí, tài vật quan trọng, đưa rước hơn 30 ngàn lượt cán bộ, bộ đội, văn công. Kết hợp với bộ đội chủ lực và địa phương quân pháo kích, tập kích, chống càn hơn 200 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2 ngàn tên địch; bắn rơi nhiều máy bay các loại; bắn cháy, làm hỏng trên 20 xe bọc thép, bắn chìm hàng chục tàu trên kênh Vĩnh Tế...

Ngoài lực lượng TNXP thoát ly mang tên Nguyễn Việt Khái I, II, III, lực lượng TNXP tỉnh Cà Mau còn thành lập đơn vị TNXP bán thoát ly hoạt động tại địa bàn tỉnh Cà Mau và chiến trường Tây Nam Bộ. Lực lượng này được thành lập gồm 3 đại đội mang phiên hiệu Quyết Thắng I, II, III, quân số là 240 đồng chí. Các đơn vị Quyết Thắng làm nhiệm vụ liên hệ, phối hợp cùng lực lượng TNXP Cà Mau tại tuyến Ðường 1C, vận chuyển vũ khí, tài liệu từ Campuchia đưa về chiến trường miền Tây. Hoạt động ở địa bàn sông nước Cà Mau, đơn vị phải khéo léo vận dụng địa hình để vận chuyển vũ khí đi xuyên đêm bằng xuồng qua các sông Cửa Lớn, Năm Căn, Tam Giang, Bảy Háp, Ông Ðốc... đến các sông Cái Lớn - Ba Ðình  (U Minh Thượng) ở tuyến Ðường 1C. Trong suốt thời gian hoạt động, TNXP Quyết Thắng đã vận chuyển trên 2.000 tấn vũ khí từ kho trung chuyển của tuyến 1C (Ba Ðình) và B4 của Ðoàn 962 phục vụ các đơn vị chủ lực miền Tây (Trung đoàn II - Lộc Ninh và Trung đoàn X - Sông Hương, Trung đoàn 1 - U Minh...). Ðơn vị đã trực tiếp chiến đấu gần 20 trận, diệt và làm bị thương nhiều sinh lực địch; không ngại khó, khắc phục mọi địa hình đào công sự, làm chiến hào ở miền Ðông... Cũng như các đại đội TNXP Nguyễn Việt Khái, TNXP Quyết Thắng sẵn sàng tuyển lực lượng trong đội để bổ sung cho các đơn vị chiến đấu cấp trên.

Theo thống kê, sau 10 năm hoạt động, lực lượng TNXP Cà Mau có gần 300 người hy sinh và hàng trăm người sống đời tàn tật, nhiều người đã để lại một phần thân thể trên các chiến trường miền Nam. Chính họ là đại diện tiêu biểu cho tuổi trẻ yêu nước của vùng đất Cà Mau trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nêu cao tinh thần xung kích, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Ðảng đã giao phó. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, lực lượng TNXP tỉnh Cà Mau được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân theo Quyết định số 163/QÐ-CTN, ngày 30/1/2011. Và địa điểm thành lập đơn vị TNXP đầu tiên tại xã Phú Hưng, huyện Cái Nước được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh, tại Quyết định số 1689/QÐ-UBND, ngày 21/9/2023./.

 

Lê Văn Dưỡng tổng hợp

 

Những lá thư còn lại

Tự nhận mình có viết thư, biết cảm nhận cái nghĩa, cái tình qua những bức thư ấy, một thời là công cụ giao lưu tình cảm gia đình, đồng đội, bạn bè, có khi là cánh én báo hiệu tình yêu nảy nở. Còn vì một tiếc nuối khác, chiến tranh đã kết thúc 50 năm, sứ mệnh của những lá thư đó cũng đã chấm dứt vai trò cầu nối của mình, những lá thư còn được giữ lại như một kỷ vật quý báu, nếu được xếp ở một góc nhỏ trong bảo tàng, chỉ những chữ đề “Con gái thương yêu của mẹ"; "Anh Chín kính mến"; "Em thân yêu...” người xem dễ chạm vào xúc động, bâng khuâng.

Ăn Tết ở làng rừng

Tôi đang mở trường tư thục, dạy trên 150 học trò. Bí thư Chi bộ xã Lương Hoà là đồng chí Tư Tài, đem nghị quyết Tỉnh uỷ Bến Tre rút tôi về Ban Văn nghệ tỉnh. Chưa kịp thu xếp đi, thì má tôi (bà Hồ Thị Luỹ) ở Cà Mau qua tới. Má tôi chẻ trái chuối xiêm ra, đưa cho tôi lá thư ngắn của anh Hai Thống (Trần Hữu Vịnh, Bí thư xã Khánh Bình Tây, sau này là Phó bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải) kèm theo mấy lời chú Chín Thép, Uỷ viên Thường vụ xã (viết chung ý là “Đám giỗ làm lớn cúng ông bà, chú phải về quê nhà để cúng ông bà báo hiếu”).

Về địa chỉ đỏ...

Những ngày giáp Tết, lực lượng đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh Cà Mau có chuyến về nguồn thăm các di tích lịch sử tiêu biểu

Miền nhớ thiêng liêng

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra trang trọng, ý nghĩa trên đất Cà Mau. Ngược miền ký ức, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam như được sống lại giai đoạn thiêng liêng của cuộc chuyển quân lịch sử. Họ gặp lại nhau, cảm xúc dâng trào, bao câu chuyện về những ngày chiến đấu, lao động, học tập nối mạch ùa về...

Ðại tá từ du kích

Trong các bạn bè, đồng đội cùng hàm, trên dưới tuổi tám mươi, Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình) có lẽ là người đậm chất từ du kích, tên ông gắn liền với du kích Thạnh Phú một thời lẫy lừng chốt chặn phía Nam tỉnh lỵ An Xuyên, bảo vệ vùng giải phóng Nhà Phấn, Rạch Mũi trong tầm đại bác của địch.

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.