ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 17:52:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nữ anh hùng hai mộ

Báo Cà Mau (CMO) “Đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) tuyến 1C quân số hơn 800, trong đó hai phần ba là nữ và có tới hơn 30 chị tên Hồng. Ðể tránh lẫn lộn, chúng tôi gọi biệt danh. Hồng Láng cũng là biệt danh, chứ tên gia đình đặt là Võ Thị Hồng. Nhưng ở đơn vị phải gọi Võ Thị Hồng Láng thì mọi người mới biết”, ông Tô Minh Thi, nguyên Chính trị viên Ðại đội TNXP Nguyễn Việt Khái II, nguyên Liên đội phó Liên đội I TNXP tuyến 1C (hiện ngụ tại Khóm 1, Phường 8, TP Cà Mau) phân trần. Và khi nhắc về Anh hùng LLVTND Võ Thị Hồng, ông rất tự hào, hết lời khen ngợi.

Khí tiết anh hùng

Vào buổi chiều ngày 25/3/1968, khoảng 1 đại đội TNXP tuyến 1C từ biên giới Kiên Giang đi qua Campuchia vận chuyển hàng chiến lược về Việt Nam. Khi băng qua đồi cát, cách kênh Vĩnh Tế khoảng 500 m thì bị phục kích. Họ đã chiến đấu dũng cảm để vượt khỏi vòng vây địch. Khi đó Tám Hoa và Hồng Láng (Ðại đội Nguyễn Việt Khái II, Cà Mau) bị thương. Bình tĩnh, mưu trí, Tám Hoa nép vào đám tràm bị bom na-pan đốt cháy, chị lấy tro tràm phủ lên khắp mình để nguỵ trang. Còn Hồng Láng bị thương nặng, gãy tay mặt và chân trái, trên mình thêm mấy vết thương, chị bất tỉnh, nên bọn chúng phát hiện được.

Bọn giặc yêu cầu người dân dùng xe bò kéo chị về đồn Vĩnh Ðiều (Kiên Giang). Tại đây, chúng từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn dã man hòng khai thác chị. Nhưng bọn chúng hoàn toàn thất vọng bởi chị không hé răng khai báo nửa lời. Và chị đã đập đầu tự tử để giữ tròn khí tiết. Năm đó chị tròn 18 tuổi.

Cái chết kiên cường của liệt sĩ Hồng Láng thì đã rõ, nhưng đằng sau đó, còn nhiều câu chuyện mà người dân Vĩnh Ðiều truyền tai nhau về sự kiên cường, dũng cảm của chị.

Bà Hồ Thanh Hồng (Hồng Cối), một đồng đội thân thiết, cùng quê với chị (ấp Ðất Cháy, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) kể: “Người dân ở đó nói lại, khi Hồng Láng bị bọn chúng đưa lên xe bò, bắt mấy ông già (ngay người cơ sở mình) đẩy đi, dọc đường, thấy cổ đau rên quá, mấy ông hồi hộp, lo sợ lắm. Sợ về đồn bị bọn nó tra tấn, chịu không nổi rồi khai ra là chết hết. Nhưng rồi Hồng Láng cắn răng chịu đau đớn, chấp nhận chọn cái chết để bảo vệ tuyến đường, bảo vệ hàng, bảo vệ đồng đội, bảo vệ cơ sở mình, nên bà con vô cùng thán phục”.

Chân dung Anh hùng LLVTND Võ Thị Hồng. (Ảnh chụp từ sách “Lịch sử xã Phong Lạc”).

Còn ông Cao Long Phiêu, một đồng đội khác của chị, trong một bài viết (sách "1C con đường huyền thoại") thì kể rằng: Ông Tám Xà Bam, một cơ sở ta ở đó kể, khi đưa Hồng Láng về, tên trung tá tâm lý chiến kêu tên y tá chích thuốc cầm máu và thuốc khoẻ cho chị để mong khai thác. Tên y tá chưa kịp rút hết ống thuốc thì Hồng Láng đã tống cho hắn một đạp vào hạ bộ, kim tiêm và thuốc văng tung toé, hắn chỉ biết ôm bụng kêu trời. Ðau, nhưng hắn vẫn vô cùng nể phục.

Cũng theo ông Cao Long Phiêu, người dân ở Tà Êm, Vĩnh Ðiều gọi Hồng Láng là “nữ thần”, vì nói chị linh lắm. Họ thường đốt nhang đèn, đặt lễ vật van vái, cầu nguyện chị phù hộ mỗi khi gặp điều trắc trở.

Ông Tô Minh Thi trầm ngâm: “Sau này, nghe một số anh em cơ sở ta báo cáo rằng, khi bọn chúng yêu cầu khai báo, Hồng Láng kêu mang giấy viết ra, bọn chúng mừng quá mang tới ngay. Khi đó có một tên Mỹ, Hồng Láng không những không ghi gì mà còn nhào tới cắn cổ tên Mỹ, mắng chửi mấy thằng sĩ quan và đám lính, trước khi đập đầu tự tử. Hồng Láng hy sinh vào khoảng 18 giờ 30 phút, mọi việc diễn ra từ lúc bị bắt tới lúc mất chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ. Chuyện cắn cổ thằng Mỹ thì không biết có đúng trăm phần trăm không, nhưng chắc chắn một điều là Hồng Láng không hề khai báo một lời nào. Vì vậy mà cơ sở ta từ kho tàng, bến bãi, căn cứ… vẫn an toàn tới ngày giải phóng”.

Ông Minh Thi còn hết sức trân trọng khi nói về cấp dưới của mình: “Hồng Láng lúc hy sinh là tiểu đội phó, sau đó được thăng lên tiểu đội trưởng. Quá trình công tác, chiến đấu, Hồng Láng luôn gan dạ, dũng cảm, kiên cường. Với anh em đồng đội thì dịu dàng, vui tươi, sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi riêng tư vì tổ chức, tập thể. Với công việc thì lanh lẹ, không nhiệm vụ nào giao phó mà nao núng, bê tha, không hoàn thành”.

Gia đình liệt sĩ Hồng Láng có 10 anh chị em. Chị là con thứ Tư. Ngoài chị, người anh thứ Hai, chị thứ Ba, người em thứ Năm, thứ Sáu đều tham gia cách mạng. Cha chị mất từ thời trẻ, hiện người mẹ và anh Hai, chị Ba và các người em thứ Bảy, Tám, Chín cũng đã mất.

Ký ức một lần nữa được khơi gợi lại từ những người trong gia đình. Bà Võ Thị Huệ (em thứ Năm, ngụ ấp Tân Tiến, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) không nén được xúc động nghẹn ngào khi nhắc về người chị kế cận: “Hai chị em hồi đó thương nhau lắm. Trước khi đi, hai chị em ra chòi, chế nói, thôi để chế đi rồi năm sau chế về rước em. Vậy mà chế đi rồi biệt tăm luôn…”. Lắng dòng xúc động, bà Huệ tiếp: “Lúc đó chúng tôi xé cái khăn ka-tê ra làm hai, mỗi đứa giữ một phần làm kỷ niệm. Ðâu kịp thêu thùa gì, chỉ luồn mấy cọng chỉ xanh đỏ vô 4 góc khăn. Nghe mấy anh chị đơn vị nói, chế luôn mang cái khăn đó theo bên mình… Chế đi mấy tháng có viết thư về. Trong thư chế nói chế nhớ em dữ lắm, nhớ gia đình dữ lắm. Chế kể ở đó toàn rừng núi, chỗ chế ở là khu rừng tràm, không có nhà dân. Chế nói khổ lắm, ăn uống cũng vất vả...”. Dòng ký ức vẫn miên man: “Hồi chế đi, chế đã là cô giáo dạy ở trường làng. Lúc đó có đợt mộ TNXP, chế xin đăng ký. Má cản, nói con gái mà đi gì, nhưng chế vẫn quyết đi...”.

Bà Huệ cũng cho biết thêm: “Chế rất gan lì, ở nhà hồi nhỏ chế làm trật chuyện gì, má hay anh Hai kêu cúi đánh là cúi. Ðánh không khóc. Mà chế siêng năng, giỏi giang, học cũng giỏi, uy tín với bà con lối xóm lắm. Còn dạy học thì học trò nghe răm rắp. Tôi ở nhà chỉ nhỏ hơn chế 1 tuổi, mà làm sai chuyện gì chế bắt cúi là không dám cãi. Mấy đứa cháu con anh Hai sai là chế phạt vẽ vòng bắt đứng, tụi nó riu ríu nghe theo... Chế đi được hơn 1 năm thì hy sinh. Nghe nói, chuyến đó đúng ra chế Thu đi, mà chế đi thế...”.

Còn người em thứ Sáu là Võ Văn Cường (ấp Tân Phong, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời) cũng thừa nhận: “Chế rất nóng tính và gan lì. Ở nhà chế giỏi giang, cực khổ lắm, chuyện trong nhà, làm ruộng, cấy lúa gì cũng giỏi”. Ông Cường cũng cho biết, trước đây mẹ và người em trai Út thờ liệt sĩ Võ Thị Hồng, nhưng sau khi bà mất và người em đi nơi khác làm ăn nên ông đảm nhận việc thờ cúng.

Năm 2008, đồng đội, quê hương và gia đình vinh dự, tự hào đón nhận tin vui: Liệt sĩ Võ Thị Hồng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Gian nan tìm hài cốt

“Ðơn vị nhiều Hồng, nghe nói chế hay sửa soạn, nên đặt Hồng Láng, là bóng láng”, ông Võ Văn Nhanh (hiện ở ấp Rạch Lăng, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời), người em thứ Mười của Anh hùng LLVTND Võ Thị Hồng, giải thích biệt danh “Hồng Láng”.

Chuyện về hài cốt liệt sĩ Võ Thị Hồng, ông Nhanh cho biết: Năm 2002, gia đình nhận được tin đồng đội đã tìm được hài cốt chị. Khi đó gia đình có đi cùng qua Kiên Giang nhận về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trần Văn Thời.

“Lúc đó mừng vui, cả nhà ai cũng khóc hết nước mắt. Huyện làm lễ truy điệu cũng lớn lắm. Hàng năm, cứ 24 Tết là gia đình tới viếng mộ chế. Nghĩa trang lúc đó rất đông, người dập dìu, tổ chức ca hát cả đêm, vui lắm. Gia đình cũng thấy ấm cúng”, ông Nhanh bày tỏ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nhanh, năm 2012, đồng đội lại cho hay, mộ lúc trước bốc là không đúng, đã tìm và bốc được chính xác mộ sau, đợi làm thủ tục mang về.

“Khi đó gia đình hết sức ngỡ ngàng. Nhưng rồi ông Tô Minh Thi là lãnh đạo chế hồi đó, cùng một số anh chị em đơn vị trình bày cặn kẽ nên má tôi bảo, tin hài cốt sau là đúng”, ông Nhanh bộc bạch.

Ngày 6/8/2012, các cựu TNXP Cà Mau đã tìm kiếm, cất bốc được hài cốt  Anh hùng LLVTND Võ Thị Hồng tại khu vực ấp Tà Êm, xã Vĩnh Ðiều (kênh Vĩnh Tế), huyện biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

(Ảnh chụp từ nguồn các cựu TNXP Cà Mau cung cấp).

Câu chuyện có tới 2 hài cốt cũng khá dài dòng. Có thể tóm tắt theo lời diễn giải của ông Tô Minh Thi (người trực tiếp tham gia tìm bốc hài cốt sau) như sau: Khi nghe một số anh chị em TNXP ở Cần Thơ (cùng chung Liên đội TNXP tuyến 1C ngày trước) bốc được mộ của liệt sĩ Hồng Láng, ông Minh Thi và một số đồng đội cựu TNXP Nguyễn Việt Khái II mới hỏi thăm địa điểm bốc. Khi nghe họ nói địa điểm, thì nhóm Cà Mau và một số đồng đội gần gũi Hồng Láng hồi ấy (ở Cà Mau và các tỉnh như Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ) cùng nhận định, mộ đã bốc không đúng chỗ hồi ấy chôn (cách tới 4-5 cây số), có lẽ đã nhầm lẫn một đồng đội khác. Sợ trí nhớ không còn minh mẫn, bà Ðoàn Ngọc Ánh (vợ ông Minh Thi, cũng là đồng đội) lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau nhờ tìm lại giấy báo tử. Và trong giấy ghi rõ ràng địa điểm hy sinh, nơi chôn ở Tà Êm.

Vậy là họ tập hợp nhau, lần theo trí nhớ hơn 40 năm, xác định lại vị trí. Rồi hơn 10 đồng đội cùng bỏ tiền túi ra làm lộ phí đi qua Hà Tiên đến Tà Êm (khu vực sông Vĩnh Tế, xã Vĩnh Ðiều, huyện biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) để tìm mộ.

“Khi chúng tôi qua hỏi thăm, tìm được nhà ông già anh Tư Kênh hồi trước là cơ sở ta và cũng là người chôn cất Hồng Láng. Anh Tư Kênh cho biết, khi còn sống, ba anh có chỉ khu vực chôn và dặn dò sau này có người tìm hài cốt thì chỉ. Khi chôn Hồng Láng, anh Tư độ 14-15 tuổi nên cũng biết”, bà Ánh kể.

Ði cùng có ông Cao Văn Hùng, là 1 trong 2 người ngày trước khi liệt sĩ Hồng Láng được người dân lấy xác chôn, mấy ngày sau có đến kiểm tra (đơn vị cử tới kiểm tra nếu chôn cạn thì chôn lại, nhưng khi đào lên thấy đã chôn sâu nên ông lấp đất lại). Ông Hùng nhớ, nơi đó hồi ấy là bờ tre, trước đó mấy hôm có chôn một đồng đội tên Cường.

Ông Minh Thi, bà Ngọc Ánh, bấm tay tính và cho biết, họ có tới 6 lần đi khảo sát và đào kiếm mới tìm được hài cốt. Trong đó, riêng đào kiếm 3 lần. Bà Ánh giải thích, trong điều kiện mấy chục năm, địa hình, địa vật có nhiều biến đổi, thì chuyện xác định được nơi chôn cất cho đúng đâu phải chuyện dễ. Thêm nữa, với liệt sĩ Hồng Láng đã một lần bốc mộ, khi khẳng định không chính xác thì phải có trách nhiệm tìm cho đúng, mang được hài cốt về cho gia đình, cũng là để nhóm anh chị em lấy hài cốt trước được yên tâm.

“Vùng đất chôn mộ ngày trước giờ dân khai phá để làm ruộng, vì biết nơi đó có mộ nên họ chừa ra một khoảnh gần 2 công. Ðất biên giới ở đó cứng lắm, 2 lần đầu chúng tôi không nhờ lực lượng hỗ trợ, đào tới 2 ngày mà không tìm thấy”, bà Ánh kể.

Lần đào kiếm cuối cùng có lẽ khó quên với họ. Ðó là vào ngày 6/8/2012, ngoài mấy chục cựu TNXP, còn có sự hỗ trợ của lực lượng quân sự huyện Giang Thành.

“Ðào xới tung hết từ sáng tới xế chiều mới tìm được hài cốt. Bà con địa phương lớp gánh nước, lớp mang cơm đến tiếp tế chuyện ăn uống, vui và cảm động lắm. Khi đó, đào sâu xuống khoảng hơn 1 m thì tới lớp đất đen, xốp, khác với đất bình thường nơi đó. Mấy anh em có kinh nghiệm, họ bốc lên ngửi và họ biết. Do còn trẻ, lại bó đệm khi chôn nên xương mục gần hết, còn một ít hoá thạch. Có 1 cục xương nhỏ, khi chúng tôi để lên bàn tay, lúc sau là tan biến. Vẫn còn sót vài sợi dây đệm”, nói rồi bà Ánh mang một số hình chụp khi ấy ra và chỉ từng phần xương cốt còn lại. Lần đó lấy được luôn mộ đồng chí Cường nằm cạnh.

Hài cốt liệt sĩ Hồng Láng sau đó được mang về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau (sau một thời gian gửi lại K92 - đội cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ của Tỉnh đội Kiên Giang - chờ tỉnh Cà Mau cho người sang xác minh tường tận).

Chiến tranh, ngoài chết chóc tang thương còn gây nhiều cảnh ngang trái đau lòng. Và đôi khi, không xử lý bằng cái tâm, cái tình và trách nhiệm, dễ dẫn đến có lỗi với vong linh người mất và làm tổn thương người còn sống. Vẫn vui vì những ứng xử hậu câu chuyện này. Ban đầu, khi biết mộ sau mới đúng của liệt sĩ Võ Thị Hồng, gia đình không hương khói mộ ở nghĩa trang huyện nữa. Nhưng sau nghĩ lại, gia đình đồng thời hương khói cả 2 ngôi mộ, 2 nơi. Bởi dẫu không phải ruột thịt thì cũng là đồng đội con em mình, là những người hy sinh vì đất nước, một nén nhang thắp ở mộ, cũng là thắp sáng đạo lý, tình người.

Một điều vinh dự cho gia đình, cho quê hương nữa là, năm 2010, tại ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, một ngôi trường cấp 3 sừng sững mọc lên. Ngôi trường mang tên người con anh hùng của quê hương xứ sở - Trường THPT Võ Thị Hồng./.

 

Huyền Anh

 

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.