ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 09:41:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tướng Lắm quê tôi

Báo Cà Mau

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm. Ảnh: HUỲNH LÂM

Tôi biết Mười Lắm - Hồ Việt Lắm vào mùa khô năm 1969 ở đoạn Kinh Cũ, gần nền khu trù mật Quản Hảo, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Năm ấy, anh từ ấp Rạch Ruộng được rút lên làm Thư ký Văn phòng Xã uỷ Trần Hợi, đóng tại nhà bác Năm Móng. Tại đây, có một sự vụ mà trong đời Ba Thinh - cán bộ Ban An ninh (Công an) huyện Trần Văn Thời không sao quên được. Ðó là, sau khi đơn vị An ninh vũ trang huyện đột nhập xuống thị tứ Sông Ðốc bắt tên gián điệp giải về đây - nhà bác Năm. Tên này dáng cao to, lực lưỡng, thừa sơ hở nhào tới ôm vật Ba Thinh hòng giựt khẩu súng carbine… May nhờ Ba Thinh bình tĩnh, khôn khéo, vừa chống đỡ vừa tri hô sự tiếp ứng kịp thời mà thoát nạn…

Cũng tại nhà bác Năm, gánh Tuyên huấn xã Trần Hợi, tôi với anh Ba Hùng cũng tá túc ở đây một lúc lâu. Tôi nhớ trận giặc đổ quân bằng trực thăng xuống ngã tư Chín Rỗ, vừa giấu đồ đạc, tài liệu, tôi vừa gài trái lựu đạn bàn trên đám cỏ vườn chuối bên hông nhà bác Năm, rồi tản ra hậu đất… Bọn giặc đổ quân chỉ càn quét trong đó, không ra tới ngoài này. Chiều lại, tan giặc, tôi ra gỡ trái lựu đạn bàn. Nói thật, lúc gài thì dễ, khi gỡ mới thấy nhát tay!

Tôi cùng tốp anh chị em Ðoàn Văn công xã Trần Hợi ở phía bờ Nam Kinh Cũ bên này, đang tập dượt các tiết mục ca, múa tại nhà ông Hai Thông trước sân có cây me de tàn rộng… Một hôm, vào buổi trưa xế, Mười Lắm xuất hiện đi bộ qua đây. Tôi chợt nhớ hôm trước, tình cờ tôi được nhìn thấy cô em gái của Mười Lắm là Mười Cẩm vóc dáng xinh xắn… Tôi reo mừng, chào hỏi Mười Lắm một cách tự nhiên:

- Anh Mười. Khoẻ hả anh Mười!

Tôi nhìn Mười Lắm cười như thẹn làm sao ấy… Vui thật!

Vào những ngày đầu tháng 9/1969, Ðảng bộ xã Trần Hợi tập trung học tập chỉnh huấn Nghị quyết 9, điểm tại nhà ông Tư Năng ở góc kinh Chống Mỹ - Kinh Cũ. Chú Chín Rô (Phan Châu Sen), Thường vụ Huyện uỷ Trần Văn Thời xuống triển khai nghị quyết cho Ðảng bộ xã Trần Hợi. Cả trăm đảng viên ngồi tiếp thu Nghị quyết 9 với tinh thần lạc quan, tin tưởng… Có người nói:

- Nghị quyết 9 lần này sẽ giải phóng miền Nam luôn, chứ không có tới Nghị quyết 10 đâu!

Sang ngày thứ hai, toàn thể đại biểu đang ngồi làm việc, thì giặc đánh. Chiếc “đầm già” (L19) xuống quần đảo, phóng pháo chỉ điểm cho 2 chiếc phản lực F105 của Mỹ ném bom ầm ầm xuống đoạn kinh Cơi Ba; trực thăng “bù nóc” chỉ huy, 2 trực thăng vũ trang bắn phá dọn bãi cho một bầy trực thăng “cá nhái” chở quân đổ xuống ngã tư Chín Rỗ…

Ngày sau, giặc tiếp tục đánh phá, đổ quân xuống ngã tư Quản Hảo…

Lúc này, tôi ở căn nhà cất trên bờ dừa kế bên nhà anh Sáu Liên ở Kinh Cũ. Tan trận giặc đổ quân, tôi trở vô xóm lúc chạng vạng tối, tù mù ánh đèn dầu, vừa dứt đám mưa lạnh lẽo… Chiếc radio bên nhà anh Sáu Liên đang phát chương trình thời sự Ðài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội), chính tai tôi nghe rõ Thông cáo đặc biệt: Hồ Chủ tịch đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày 3/9/1969, thọ 79 tuổi…

Tình hình giặc hết sức căng thẳng. Tôi tranh thủ bơi xuồng về kinh Sáu Thước, tận mắt cảnh bà con lập bàn thờ tưởng niệm, khóc thương tiếc Bác Hồ… Mấy ngày sau, tôi trở về Văn phòng Xã uỷ Trần Hợi ở Kinh Cũ… Anh Mười Lắm, Thư ký Xã uỷ phổ biến: Chấp hành chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện uỷ, chuẩn bị triệu tập toàn Ðảng bộ tổ chức lễ truy điệu Hồ Chủ tịch. Thời gian và địa điểm còn bí mật… Tôi được giao nhiệm vụ viết tay mực phẩm tím, in bột Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội. Các văn bản này do trên chép tin đọc chậm từ Ðài Phát thanh Hà Nội, Giải Phóng gởi xuống kịp thời. Dù trong bom đạn khói lửa chiến tranh, giặc đổ quân càn quét, đánh phá, tôi vẫn phải tranh thủ ngồi viết tay bản cảo, in bột 2 văn bản lịch sử này.

Mấy ngày nay, toàn Ðảng bộ xã Trần Hợi đang tập trung quán triệt Nghị quyết 9, thì giặc liên tiếp đổ quân đánh phá ác liệt. Tin Bác Hồ mất trong lúc tình hình rất căng thẳng… Mười Lắm cho tôi biết: Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch được Xã uỷ Trần Hợi tổ chức trong rừng U Minh, từ kinh đê Dinh Ðiền vô khoảng 1.000 m và đi lên một đỗi, độn sậy làm nền trong cụm rừng tràm, che lều nguỵ trang kín đáo, diễn ra đúng ngày 9/9/1969, thống nhất cùng ngày với Trung ương ở Thủ đô Hà Nội…

Ngày ấy, tôi là một đoàn viên Ðoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam, “cánh tay đắc lực” duy nhất thời điểm này, được phân công làm nhiệm vụ hậu cần phục vụ cơm nước cho cuộc họp tiếp sau ở cánh ngoài, gồm các ấp ven bờ Sông Ðốc. Tôi cùng chú Ba “Bù Cào” giao liên xã Trần Hợi, chống xuồng ra miếng ruộng của dì Năm Phước ở góc kinh Cơi Ba - kinh Xóm Chùa, hái rau muống nhận một khạp dưa chua và giăng lưới bén bắt rọng một khạp cá đồng… Thời gian đến rồi nhưng chưa xuất phát. Ðịa điểm lộ chăng? Và, chỉ sau 5 ngày, tức 14/9/1969, được lệnh bí mật phân tán, di chuyển ngay lúc khuya sớm… Từ góc Xóm Chùa - Cơi Ba, chúng tôi chèo chống đi rất xa, qua Chín Rỗ, Quản Hảo, hậu Trảng Cò, kinh Chống Mỹ, qua Ðộc lập, đi thẳng ra, đến địa điểm tổ chức ở một vị trí hẻo lánh thuộc đất ông Năm Nhơn ở Ngọn Cái, Rạch Ruộng, đối diện Rạch Bần.

Cùng ngày giờ này, Ðảng bộ xã Phong Lạc tổ chức trọng thể Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch tại căn cứ Công Ðiền - căn cứ cũ của Tỉnh uỷ Cà Mau từ Xuân Mậu Thân 1968, đã bị địch “đánh hơi”, 2 chiếc OV-10 yểm trợ cho bọn giặc đóng ở thị tứ Sông Ðốc dùng tàu chở quân đưa lên vàm Bà Kẹo, biệt kích vào căn cứ gây tổn thất đáng tiếc! 9 đồng chí, trong đó có anh Hai Nhơn (Bí thư Xã uỷ), các anh Hai Mảnh, Tư Tuôi (người Bến Tre), anh Tư Phương (quê Ninh Bình)… đã hy sinh, máu thấm đỏ trên ngực mỗi người còn đang mang băng tang Hồ Chủ tịch…

Giặc tái chiếm chi khu Rạch Ráng, đánh phá ráo riết, không nơi nào ổn… Rạng sáng một ngày đầu tháng 10/1969, một trận bom B52 của Mỹ rải thảm đoạn trên ngã tư So Le, từ kinh Kiểu Mẫu dọc kinh Cơi Ba xuống tới kinh Bà Hai Cải; một chùm bom B52 rơi xuống Cơi Tư - dưới ngã tư Quản Hảo… Giặc đổ quân đánh phá xuống Nhà Máy, Cơi Ba… Ðang lúc nước sôi lửa bỏng này, tôi chấp nhận đứt liên lạc với tổ chức - Ban Tuyên huấn xã Trần Hợi, cụ thể là đứt liên lạc với anh Ba Hùng, chở một thương binh cụt bàn chân - là Dương Hồng Phấn ở kinh Sáu Thước, chạy đi tránh giặc, ra khỏi vùng này…

Sau hơn chục ngày tạm lánh xuống Lung Tràm, trở về, tôi sát cánh với Mười Lắm, lúc này Văn phòng Xã uỷ Trần Hợi chuyển xuống đóng tại nhà thím Tư Chờ, ở xóm gần cuối kinh Sáu Thước. Ngay nhà thím Tư đang ở là nền Trạm Y tế xã Trần Hợi vào năm 1965. Hoàn cảnh gia đình thím Tư lúc bấy giờ, chú Tư là Phó tư lệnh Quân khu 9, hy sinh trong trận đánh tàu giặc trên kinh xáng Xẽo Rô (Rạch Giá) ngày mùng 7/2/1969. Hai người con trai lớn của chú thím Tư là Hai Nhuận, Ba Phong đi bộ đội. Ở nhà chỉ Tư Minh là chị lớn với 3 đứa em, một gái là Bích Thuỷ, 2 trai là Biết và Út Tiến còn nhỏ… Các việc nặng nhọc, thím Tư đều gọi Mười Lắm, xem như con trong nhà. Tôi với Mười Lắm vác vá, xách dao ra hậu đất đào hầm tránh phi pháo trên bờ đìa chuối, trâm bầu, đắp nắp kỹ lưỡng… Kinh nghiệm xương máu thời chiến, hễ pháo chi khu giặc bắn, thì xuống hầm kiên cố trong nhà; còn nếu có “đầm già”, dấu hiệu có máy bay phản lực, thì phải tức tốc ra bờ vuông hoặc hậu đất, vì máy bay phản lực Mỹ ném bom chủ yếu rọc đường thẳng xóm nhà dọc theo dòng kinh…

Ðáng nhớ, thím Tư là người mẹ tuyệt vời, như ông tơ bà nguyệt xe duyên, định sẵn cho Mười Lắm với cô con gái Tư Minh (1954-2007) nên nghĩa vợ chồng. Ngày ấy cho dù Mười Lắm có muốn từ chối cũng không thể từ chối được… Ðó là một mối tình vừa thơ ngây vừa đẹp đẽ, tình yêu nẩy nở tự nhiên vào thời điểm khói lửa chiến tranh ác liệt lan tràn. Mấy đứa em ở nhà, Bích Thuỷ, Biết và Út Tiến luôn ủng hộ, thương mến anh Mười…

Vào một đêm tháng 10/1969, cụm pháo 105 ly từ chi khu Rạch Ráng bắn xuống kinh Sáu Thước, nổ gần bên chát chúa, giật đất… Tan trận pháo, nghe đằng căn nhà của anh Hai Nguyễn, cất trên bờ vuông ranh đất thím Tư Chờ - chú Bảy Ðực có tiếng la khóc, kêu réo inh ỏi, nghe kinh động, bàng hoàng… Tôi cùng Mười Lắm bước nhanh qua, xót xa, đau đớn. Trái pháo rớt mí ruộng lúa cấy chừng mươi ngày bên đất thím Tư, văng miểng lên chòi. Chị Hai bị miểng pháo như nhát dao chém vào ngực, máu tuôn xối xả, chết ngay!

Ðêm ấy, bà con xung quanh đến phụ lo đóng hàng rương, tẩn liệm chị Hai Nguyễn và sáng sớm đưa chị xuống chiếc xuồng be mười. Anh Hai Nguyễn đầu bịt khăn tang, ngồi xuồng gắn máy Koler 4 đưa vợ về quê an táng ở Tắc Thủ, Cà Mau.

Anh Hai Nguyễn là cán bộ đi tập kết trở về Nam chiến đấu ở đơn vị C8 - pháo binh của tỉnh, đến thời điểm này có điều kiện công khai đi thẳng ra vùng kềm…

*

Sau năm 1975, trên mặt trận an ninh, phòng chống gián điệp, bọn phản động nhập biên bằng đường biển phía Tây. Mười Lắm công tác ngành Công an huyện Trần Văn Thời, được tổ chức phân công bí mật cùng nhiều người nữa, trong đó có anh Trần Phương Thế (Tám Thậm) được cài cắm vào tổ chức phản động xâm nhập, nắm rõ ý đồ, đường đi nước bước của chúng… Các anh đầy bản lĩnh, mưu trí, linh hoạt mọi tình huống, cả những lúc hiểm nguy đến tính mạng… Ai cũng nêu cao tinh thần sẵn sàng hy sinh chiến đấu trên mặt trận thầm lặng vì sự bình yên của đất nước và dân tộc, ngay cả gia đình vợ con cũng không biết, không hay…

Có lần Mười Lắm kể, bọn giặc nhập biên tìm cách tuồn vũ khí vào nội địa ta, hòng lập mật cứ… Trong lúc di chuyển theo bọn chúng, có thằng giao cho anh mang vác một khối nặng, nhưng Mười Lắm từ chối. Anh nói: Phải khẩu AK thì được, đặng có khi cần mình khạc nó cho dễ…

Suốt 3 năm liền, các anh luôn dẫn dắt, đưa bọn giặc sa lưới, chui vào rọ, hoàn thành nhiệm vụ, lập nên chiến công lớn, góp phần thắng lợi Chuyên án CM12 ở Hòn Ðá Bạc năm 1984.

Mười Lắm về tỉnh, từ Thượng tá, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, rồi Ðại tá Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau… Cuộc đời hơn 30 năm gắn bó với ngành Công an, đúc kết cho anh bài học kinh nghiệm, thực tiễn:

Ðối với người cán bộ, chiến sĩ, không có gì hạnh phúc bằng niềm tin của người dân dành cho mình. Ðể dân tin, mỗi người cán bộ, chiến sĩ phải luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng của mình. Dân có ngàn con mắt, ngàn cái tai. Bất cứ việc làm gì, dù có che đậy kỹ đến đâu họ cũng biết được và nhận diện ra…

Anh là đại biểu Quốc hội khoá XI, được phong quân hàm Thiếu tướng năm 2004; Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 2018.

Người con trai lớn của Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, tiếp nối sự nghiệp cha ông, kinh qua nhiều năm đảm trách Trưởng Công an huyện Ngọc Hiển và TP Cà Mau, năm 2020 được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công an tỉnh và trong Ðại hội Ðảng bộ tỉnh khoá XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) được bầu vào Uỷ viên Ban chấp hành Ðảng bộ tỉnh, đó là Thượng tá Hồ Việt Triều. Dù sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở Cà Mau, nhưng khi công bố bổ nhiệm chức danh Phó giám đốc Công an tỉnh, giới thiệu quê quán đã theo quê cha, quê nội là Bến Tre.

Sau nghỉ hưu, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm nhiệt tình tham gia Ban Liên lạc đồng hương Cà Mau, Bạc Liêu tại TP Hồ Chí Minh, nhiều năm làm công tác vận động các tổ chức nhân đạo, từ thiện trong và ngoài nước, tạo nguồn giúp đỡ nhiều địa phương ở Cà Mau, Bạc Liêu có được những cây cầu bê-tông thay cầu khỉ; dành tình cảm cho một cây cầu ở Phước Tuy (Bến Tre) quê nhà và một cây cầu mang tên “Ông Tư Chờ” ở kinh Sáu Thước… Nhiều hộ dân nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hiếu học được giúp đỡ có cái ăn, cái mặc và phương tiện xe đạp đến trường…

Vừa qua, anh tiếp tục nhận được sự tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Liên lạc đồng hương Cà Mau, Bạc Liêu tại TP Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ mới…

Trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra nóng bỏng, quyết liệt hiện nay, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm cho biết, Ban Liên lạc với việc làm cụ thể, vận động, tiếp nhận và trao quà cho hàng trăm bà con đồng hương ở TP Hồ Chí Minh; sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ bà con muốn về quê, không để sót ai cả… đã làm ấm lòng bà con trong và ngoài tỉnh, giữa những ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch như chống giặc này…

Cái Nước, 19/8/2021

 

Nguyễn Minh Nổi

 

Vũ Minh Hiển: Sự chắt lọc từ trái tim

Vũ Minh Hiển sinh năm 1981, là nhiếp ảnh gia tự do tại Hà Nội. Mang trong mình niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai để theo đuổi tiếng gọi nghệ thuật.

Dịu dàng cảm xúc

Tác giả Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1963, công tác tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. Nghỉ hưu năm 2018, chị tham gia nhiếp ảnh, hiện sinh hoạt tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Nét đẹp Tây Nguyên

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hữu Hạt sinh năm 1955, tại Ðắk Lắk. Trước đây kinh doanh, khi đến tuổi được nghỉ ngơi, anh mua máy ảnh chụp lưu niệm trong những chuyến du lịch đó đây.

Xê dịch cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Anh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, thành viên Câu lạc bộ Ảnh Báo chí Hải Phòng, hội viên Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện anh công tác tại Công ty Cổ phần bia Tây Âu - Hải Phòng.

Cảm nhận cuộc sống tích cực hơn

Quê tỉnh Bình Ðịnh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh, nhưng do trước đây từng có thời gian dài công tác tại Ðà Nẵng, vì làm việc xa nên anh chọn nhiếp ảnh như một thú vui giúp khuây khoả nỗi nhớ nhà, giải toả căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống. Anh là NSNA Trần Hưng Ðạo, sinh năm 1988.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Quà tặng cuộc sống từ những chuyến đi

Theo nghề ảnh dịch vụ khoảng 20 năm, bước vào đam mê ANT với thể loại ảnh phong cảnh và đời thường từ năm 2016, sáng tác nhiều, nhưng tác giả Ðỗ Trường Vinh cho biết “vẫn chưa có tác phẩm tâm đắc, vì còn quá nhiều khoảnh khắc đẹp cho ngày mai bấm máy”.