ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 11-12-23 13:39:29

Văn hoá Bắc Bộ đậm nét trong "Người vợ cuối cùng"

Báo Cà Mau Sau hơn 10 ngày chính thức khởi chiếu, bộ phim "Người vợ cuối cùng" của Ðạo diễn Victor Vũ cán mốc doanh thu 70 tỷ đồng. Tác phẩm này được công bố sẽ phát hành tại Mỹ, Úc và New Zealand vào tháng 12.

Bức tranh thiên nhiên cổ kính, nên thơ

"Người vợ cuối cùng" lấy bối cảnh từ làng Cua Ngộp, một vùng quê ở Bắc Bộ xưa. Vốn nổi tiếng là phù thuỷ của hình ảnh qua hàng loạt phim điện ảnh như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Mắt biếc", "Thiên mệnh anh hùng"... nên Victor Vũ càng nhấn nhá và chăm chút để mang đến bức tranh thiên nhiên cổ kính nhưng vẫn hữu tình.

Phim vốn là thể loại chính kịch cổ trang và chú trọng vào yếu tố tâm lý, do đó bối cảnh phim là những lớp nền để giải thích cho sự phát triển của cảm xúc nhân vật là điều cần thiết. Ðạo diễn Victor Vũ và ê kíp đã cho thấy sự kỳ công trong việc tái hiện những hình ảnh ở miền Bắc thời phong kiến như mái đình, phủ quan, mâm cỗ, chợ quê... Từ tư tưởng trọng nam khinh nữ thời phong kiến, chuyện quan sai lộng quyền ức hiếp dân lành đến chuyện tình yêu thanh mai trúc mã của Linh và Nhân, cảnh Linh nặng nề lên xe hoa làm thiếp nhà quan... đều được Victor Vũ miêu tả kỹ lưỡng.

Chỉ là một cảnh trẻ con chơi trước sân nhà cũng được chỉn chu từng chi tiết.

Ngoài việc khắc hoạ bức tranh thiên nhiên ở vùng quê Bắc Bộ, "Người vợ cuối cùng" còn khắc hoạ đậm nét văn hoá và phong tục truyền thống của nơi đây qua trang phục và các phụ kiện đi kèm. Từ cây trâm cài, chiếc nhẫn, nếp áo của các nhân vật chính đến kiểu tóc, dáng đi, hành động của hơn 200 diễn viên quần chúng đều được ê kíp chăm chút tỉ mỉ. Thậm chí đến cả dụng cụ trong nhà ăn, đoàn phim cũng cố gắng vẽ tay trên từng cái chén, bình, đĩa... để mô phỏng hoa văn gốm sứ thời Nguyễn.

Các trang phục cho nam ở từng cấp bậc trong xã hội cũng được khắc hoạ rõ nét.

Ê kíp nỗ lực phục dựng và mang đến những hình ảnh tiệm cận thực tế nhất có thể, so với hình ảnh tư liệu. Sự sáng tạo này được đặt trong khuôn khổ đề cao nét đẹp truyền thống của cả 3 miền (tóc búi bánh lái hoặc tóc vấn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, chuỗi hạt đeo cổ, kiềng cổ...), song cũng đồng thời thể hiện được cá tính của từng nhân vật.

Ðạo diễn Victor Vũ phục dựng nhiều chi tiết dù nhỏ nhất để tạo nên bức tranh nông thôn Bắc Bộ xưa.

Nỗi đau người phụ nữ chịu đựng phong tục hà khắc

Mỗi tuyến nhân vật trong "Người vợ cuối cùng" xuất hiện đều có ý nghĩa và số phận riêng. 3 người vợ trong phủ quan dù khác nhau về xuất thân, tính cách, dù họ tự nguyện hay bị ép buộc... nhưng đều một nỗi đau là kiếp chồng chung, mang trên vai gánh nặng của những phong tục, định kiến cổ hủ phải sinh con trai nối dõi tông đường. Xã hội khi đó không cần biết người chồng bất lực hay vô sinh, chỉ cần nhà không có con trai là mọi trách nhiệm, tội lỗi đều đổ lên đầu người phụ nữ. Họ cố chống cự, cố tìm lối thoát nhưng cuối cùng chỉ là bi kịch nối tiếp bi kịch.

Nhân vật bà Cả, do NSƯT Kim Oanh thủ vai, là ví dụ điển hình cho hoàn cảnh "phụ nữ đối đầu" thời xưa. Không phải là họ không hiểu cho nỗi khổ của phận đàn bà con gái, nhưng sự sủng hạnh dành cho người này ắt hẳn là nỗi âu lo của người kia. Trang phục của nhân vật này là tông màu nóng, thường là đỏ hoặc nâu đậm trên nền vải đơn giản, kiệm hoa văn. Ðiều này thể hiện cá tính nghiêm khắc và có phần nóng nảy của nhân vật khi đây là "nữ chủ" của gia đình, suốt ngày phải bận tâm lo liệu việc trong, việc ngoài hơn là dành thời gian điệu đà váy áo.

Nhân vật bà Hai, được Ðinh Ngọc Diệp thể hiện, dù sắm cho mình một tính cách vô tư, nhưng nhiều khi cũng buộc phải nhắm mắt đưa chân theo những việc đã rồi. Những bộ trang phục của cô được thiết kế mang tông màu nóng lạnh xen lẫn, như xanh, hồng... nhưng không quá đậm, tạo cảm giác dễ chịu. Trên thân vải có nhiều hoa văn cầu kỳ, trang sức đi kèm, như nhẫn, trâm, vòng tay đa dạng và lộng lẫy. Ðiều này thể hiện cá tính thẳng thắn, vô tư, có thể nói đây là nhân vật đại diện cho tính trào phúng để cân bằng lại không khí ngột ngạt.

Nhân vật bà Ba, do Kaity Nguyễn thể hiện, đại diện cho những cô gái trẻ thời phong kiến, vì vô số quan niệm cổ hủ mà buộc phải trưởng thành sớm hơn tuổi thật. Linh đã hy sinh tuổi xuân và ước mơ riêng của mình để đổi lại sự yên bình cho gia đình. Cô chủ yếu chỉ diện trang phục màu nhã nhặn, từ áo ngũ thân đến chiếc trâm cài, đôi bông tai. Khi đặt cô đứng gần 2 người vợ trước, sự chênh lệch về màu sắc này sẽ tạo cảm giác đây là một người vợ lẽ nhạt nhoà, xuất thân thấp kém, luôn mang tâm trạng trầm buồn và u uất. Rõ ràng, Linh được gả vào phủ quan chỉ để sinh con trai chứ chưa bao giờ nhận được sự tôn trọng như cái danh xưng "mợ Ba" của mình.

Ðể đẩy cảm xúc cho khán giả trong mỗi tình tiết cao trào, Victor Vũ lựa chọn ca khúc "Bèo dạt mây trôi" làm chủ đạo. Ðây vốn là một bài hát dân ca Việt Nam với nội dung thể hiện nỗi nhớ người yêu ở phương xa. Anh muốn dùng lời bài hát này để ẩn dụ cho mối tình ngang trái giữa Linh (Kaity Nguyễn) và Nhân (Thuận Nguyễn). Dù cùng ngụ tại làng Cua Ngộp nhưng cả 2 sẽ khó lòng mà đến được với nhau khi giờ đây Linh đã là mợ Ba nhà hào môn. Giọng hát trong trẻo và giàu cảm xúc của nữ ca sĩ Thuỳ Chi khiến phiên bản "Bèo dạt mây trôi" mới của Victor Vũ mang thật nhiều nét vương vấn, khắc khoải của mối tình buồn và thân phận người phụ nữ như kiếp hoa trôi không có nơi bấu víu./.

 

Lam Khánh - (Ảnh: Ðoàn phim cung cấp)

 

Giọng của sắc màu

Lật giở từng trang sách ảnh “Giọng của sắc màu”, thưởng thức trọn vẹn mới thấy hết sự kỳ công qua từng tác phẩm. Ðó là tập hồi ký về một hành trình dài của sự sáng tạo, phải nhọc nhằn, bền bỉ và tinh tế lắm thì đôi vợ chồng Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trương Hoàng Thêm và Ðỗ Thuỳ Mai mới bắt được những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên, con người, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật chạm sâu cảm xúc.

Toả sáng nhiều tài năng tài tử, cải lương

Đêm chung kết xếp hạng và công diễn Hội thi Tài năng tài tử - cải lương tỉnh Cà Mau 2023 đã diễn ra sôi nổi vào tối 28/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Bản sắc vùng cao

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trần Ngọc Thắng sinh năm 1989, sinh hoạt tại Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Lai Châu.

Ðèn vẫn sáng trên sân khấu

Nằm cạnh Quảng trường Hùng Vương, Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu, luôn nhận được sự chú ý của nhiều người, nhất là vào buổi tối, khi thành phố lên đèn. Người ta quan tâm đến nhà hát không chỉ vì lối kiến trúc độc đáo (hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam), mà còn bởi những hoạt động đã và đang diễn ra ở đây.

Giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

Nằm trong các hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là (23/11/1963-23/11/2023), tối 21/11, tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, Đoàn Cải lương Hương Tràm phối hợp với Đoàn Văn công Quân khu 9 tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật phục vụ hơn 400 khán giả.

Văn hoá Bắc Bộ đậm nét trong "Người vợ cuối cùng"

Sau hơn 10 ngày chính thức khởi chiếu, bộ phim "Người vợ cuối cùng" của Ðạo diễn Victor Vũ cán mốc doanh thu 70 tỷ đồng. Tác phẩm này được công bố sẽ phát hành tại Mỹ, Úc và New Zealand vào tháng 12.

Lưu lại vẻ đẹp quê hương

Nguyễn Ðình Quang sinh năm 1978, tại tỉnh Bình Ðịnh, hiện là giảng viên Trường Ðại học Gia Ðịnh; sinh hoạt tại Chi hội Nhiếp ảnh Chân Trời Mới (TP Hồ Chí Minh).

Hơn 300 diễn viên, vận động viên tham gia Liên hoan Văn hoá - Thể thao 3 dân tộc

Từ ngày 10-12/11, tại huyện Đầm Dơi, Liên hoan Văn hoá - Thể thao 3 dân tộc Kinh – Hoa – Khmer tỉnh Cà Mau lần thứ V năm 2023 sẽ diễn ra với sự tham gia của trên 300 diễn viên, vận động viên.

Cảnh sắc vùng biên

Tác giả Lâm Trọng Tây sinh ra và lớn lên ở An Giang. Với công việc chính là kinh doanh, thường xuyên đi đây đó, anh bắt gặp nhiều cảnh đẹp, nét văn hoá tâm linh độc đáo cùng những khoảnh khắc đẹp của người dân trong lao động sản xuất miền biên viễn, nơi có dòng Sông Tiền, Sông Hậu chảy qua, rừng tràm Trà Sư xanh mát, cánh đồng lúa Tà Pạ mênh mông, Thất Sơn hùng vĩ, có lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, lễ hội đua bò Bảy Núi... Ðể lưu giữ lại những hình ảnh đó, ban đầu anh chụp bằng điện thoại, rồi dần dần thích thú, bén duyên với nhiếp ảnh vào khoảng năm 2015. Ðề tài chính là phong cảnh và đời thường, đa phần tác phẩm của anh thể hiện nét đẹp yên bình cảnh sắc vùng biên tỉnh An Giang.

Cần tiếp sức cho cải lương về sử Việt

Trước đây, cải lương tuồng cổ thường diễn các tuồng tích từ Trung Quốc (cải lương Hồ Quảng). Sau năm 1975, Ðoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ mới dàn dựng các vở diễn từ lịch sử Việt Nam như: "Tô Hiến Thành xử án", "Câu thơ yên ngựa", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Mặt trời đêm thế kỷ", "Bức ngôn đồ Ðại Việt"... càng khẳng định sức hút của cải lương tuồng cổ. Từ đó, hình tượng những nhân vật lừng lẫy trong lịch sử như: Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ... được khắc hoạ trên sân khấu, thổi hồn cho nhân vật gần gũi hơn với nhiều đối tượng khán giả.