(CMO) Ðược mệnh danh là “thành phố biển miền Tây”, kinh tế thuỷ sản tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, không ngừng phát triển, nhất là các dịch vụ hậu cần của nghề khai thác hải sản, trong đó có chế biến. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trong tạo đầu ra cho sản phẩm sau khai thác, giải quyết việc làm, đa dạng hàng hoá chế biến nhằm nâng cao giá trị hải sản… thì mặt trái là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, nhất là ô nhiễm về khói bụi trong quá trình chế biến hải sản.
Ô nhiễm khói tại đây chủ yếu là từ các nhà máy chế biến bột cá, gần đây có thêm nghề hấp cá cơm để làm khô. Hầu hết đều sử dụng công nghệ lò đốt trấu để vận hành chế biến nên sản sinh ra lượng khói, tro bụi rất lớn, phát tán trong không gian rộng, kể cả có mùi, đó là chưa kể một lượng lớn xỉ than hình thành sau đốt lò.
Lượng lớn khói thải ra qua quá trình đốt lò bằng tro trấu để vận hành hệ thống chế biến bột cá tại một nhà máy tại Khóm 12, thị trấn Sông Ðốc. |
Tại một nhà máy chế biến bột cá, đồng thời với tàu chở hải sản cập bến cũng là ghe cung cấp trấu và cột khói đậm đặc thải ra liên tục trong thời gian khá dài. |
Không chỉ có trên địa bàn thị trấn Sông Ðốc, vùng giáp ranh của xã Khánh Hải với thị trấn biển này cũng có khá nhiều nhà máy chế biến liên tục nhả khói trong nhiều năm nay. |
UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo cần cải tiến công nghệ đốt lò trong quy trình chế biến hải sản. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhiều lần cảnh báo về ô nhiễm môi trường khi khói, bụi phát tán do đốt tro trấu, tuy nhiên chưa có nhiều chuyển biến.
Trần Nguyên