(CMO) Hiện nay, bà con nông dân ở các xã vùng chuyển đổi sản xuất huyện Trần Văn Thời đang tập trung gieo mạ, rửa mặn, xổ phèn cải tạo đất để chuẩn bị sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Theo kế hoạch, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, huyện Trần Văn Thời sản xuất khoảng 2.000 ha, tập trung ở các xã: Khánh Bình, Khánh Bình Ðông, Lợi An và Phong Lạc. Do vụ mùa vừa qua tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, năng suất lúa đạt thấp, nên vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay nhiều người dân đã chủ động rửa mặn, xổ phèn từ rất sớm, khi nào độ mặn trong vuông đảm bảo sẽ tiến hành xuống giống.
Ông Trần Thanh Thoảng (ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình) có hơn 1 ha đất sản xuất, liên tiếp những vụ mùa vừa qua năm nào ông Thoảng cũng thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm với năng suất khá cao. Thời điểm này ông đã bơm nước, phơi đầm được hơn 10 ngày, mặt ruộng bắt đầu khô cứng. Ông Thoảng cho biết: “Lúc này trời ít mưa, tôi bơm nước ra hết, mới có mấy ngày là mặt đất đã khô. Hiện tại, một miếng tôi đã đưa máy cày chét vào trục cho hết rong nhớt và đã trang bằng mặt ruộng xong hết rồi; miếng còn lại tôi đang sên vét đất dưới mương đổ lên mấy chỗ trũng cho đồng đều, khi đất cứng thì trục liền. Sau đó, canh lúc trời mưa lớn xổ nước ra vài lần nữa là độ mặn giảm dần, đến khoảng đầu tháng 8 âm lịch thì ngâm giống sạ. Năm nay, tôi tiếp tục gieo sạ giống ST24, loại này khá phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, năm rồi làm hiệu quả lắm”.
Ông Trần Thanh Thoảng cải tạo đất chuẩn bị sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. |
Thời điểm này, ông Trần Hoàng Quận (ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình) cũng đang tập trung cải tạo đất, trang bằng mặt ruộng. Ông Quận chia sẻ: “Muốn sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt hiệu quả thì phải rửa mặn, xổ phèn thật tốt. Khi bắt đầu mùa mưa, tôi bơm nước trong vuông ra hết, rồi bí cống lại để hứng nước mưa. Ðến nay, tôi đã xả nước rửa mặn, xổ phèn được 3 lần, hiện tại mặt ruộng đã khô, chỗ nào còn trũng sẽ múc đất dưới mương lên trang cho bằng phẳng rồi tiếp tục canh nước để phơi đất, phơi cho đến khi mặt đất khô nứt nẻ mới đảm bảo cho việc xuống giống. Năm nay, chắc cỡ mùng 10 hoặc rằm tháng 8 âm lịch tôi mới bắt đầu gieo sạ”.
Cùng với việc rửa mặn, xổ phèn cải tạo đất, nông dân cũng tranh thủ làm đất, gieo mạ phục vụ sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. Ðến thời điểm này, bà con đã gieo được hơn 10 ha mạ trên mặt sân, bờ liếp, chủ yếu tập trung ở xã Khánh Bình Ðông và Lợi An.
Nhiều người dân cho biết, mặc dù những năm gần đây thời tiết diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm của bà con nông dân, tuy nhiên, thực tế đã qua cho thấy, nếu nơi nào có sản xuất lúa thì quá trình nuôi tôm sẽ đạt hiệu quả cao hơn, nên bà con quyết tâm duy trì sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm nhằm đảm bảo môi trường cho tôm nuôi phát triển tốt.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Dương Minh Sang cho biết: “Ðể đảm bảo sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt kết quả tốt, UBND xã kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện, các ngành chuyên môn tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất. Theo đó, Phòng NN&PTNT đã hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên UBND xã không tổ chức họp dân để triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm được và đã gửi văn bản hướng dẫn cải tạo đất đến từng hộ dân”.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, về cơ cấu giống đối với vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2021, người dân chỉ nên áp dụng biện pháp gieo sạ trên những chân ruộng bằng phẳng, cao, có điều kiện xổ mặn tốt; chọn các loại giống lúa nhóm “A” có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện đất nhiễm mặn như OM2017, OM6677, OM5451, ST5, ST20, ST24... Xuống giống bằng phương pháp cấy, áp dụng đối với những nơi đất thấp, trũng với các loại giống như Một bụi đỏ, Một bụi lùn, Một bụi bờ đìa…
Sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập mà còn tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi phát triển tốt. Các ngành chuyên môn cũng đã quy hoạch lại sản xuất và từng bước đầu tư hệ thống thuỷ lợi tại các vùng sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm, giúp bà con nông dân giảm bớt thiệt hại do thời tiết gây ra./.
Anh Quốc