(CMO) Không khí lao động ở vùng quê sôi động hẳn lên. Nhà nhà, người người tất bật nhổ mạ, vận chuyển ra vuông, rồi thảy mạ đều từng khu vực. Trên đồng đất, tiếng cười nói rôm rả, bà con trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tin tưởng một năm trúng mùa, được giá.
Người dân tận dụng diện tích đất ven lộ, sân vườn gieo mạ, khoảng 15-17 ngày, mạ được nhổ lên vận chuyển ra vuông. |
Cùng với nông dân các vùng lúa - tôm trong tỉnh, nông dân xã Trí Lực, huyện Thới Bình, phấn khởi vì năm nay mưa sớm, thuận lợi trong khâu xổ phèn, rửa mặn và cho sự phát triển của lúa.
Ðang loay hoay chuyển mạ ra ruộng, anh Nguyễn Tý Em, Ấp 7, phấn khởi cho biết, kinh nghiệm làm lúa nhiều năm cho thấy rằng thời tiết năm nay bà con sẽ trúng mùa. Nhà anh vụ nào cũng duy trì cấy 3 công, khoảng cuối tháng 11 âm lịch là thu hoạch, anh chừa lúa đủ ăn trong năm, còn lại bán cho thương lái, có tiền mua sắm Tết, nên vụ lúa trên đất nuôi tôm còn được bà con gọi là vụ mùa ăn Tết.
Anh Nguyễn Tý Em sắp xếp các bó mạ khắp ruộng, sau 2 ngày, khi mạ phát triển rễ, sẽ tiến hành cấy ném. |
Vào vụ lúa trên đất nuôi tôm, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt. Mấy nhà lân cận chia ngày làm vần công, vừa nhanh vừa đỡ vất vả. Trên đất của anh Trường Hai ở Ấp 5 có gần chục người đứng thành hàng ngang, vung tay thảy mạ.
Anh Trường Hai bộc bạch: “Mùa cấy và mùa gặt xứ này vui lắm. Nếu 3 công đất này, chỉ vợ chồng tôi cấy thì mất cả ngày mới xong, nhưng có chòm xóm phụ giúp, chỉ hơn 1 tiếng đã hoàn thành. Hôm sau, vợ chồng tôi đi tiếp cấy cho nhà khác, cứ thế luân phiên nhau, không ai là chủ, cũng không ai là người làm thuê. Xong việc, mọi người cùng xúm xít ăn cơm dưới gốc cây hay trên bờ vuông, cười nói quên mệt nhọc”.
Nhiều năm qua, nông dân xã Trí Lực áp dụng phương pháp cấy ném, đỡ tốn công sức mà lúa lại nhanh tạo rễ, phát triển tốt. |
Lúa - tôm là mô hình được đông đảo nhà nông ở Cà Mau áp dụng trong gần 20 năm qua tại những vùng thuỷ lợi chưa khép kín, nước ngoài kênh rạch mặn, ngọt theo mùa. Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích lúa - tôm khoảng 45.000 ha. Ðây được xem là mô hình sản xuất “thuận thiên”.
Mùa hạn, nông dân bơm nước mặn từ kênh thuỷ lợi vào đồng để nuôi tôm, cua; khi mưa đến, bơm nước mặn ra sông, tận dụng nước trời để rửa mặn, phục vụ cho vụ lúa, kết hợp nuôi tôm càng xanh. Nhờ thức ăn từ ruộng lúa nên tôm, cua lớn nhanh. Cây lúa không sử dụng thuốc hoá học nên đảm bảo sản phẩm lúa sạch. Sau khi lúa được thu hoạch, nông dân tiếp tục lấy nước vào để nuôi tiếp vụ tôm.
Ðể chủ động mùa vụ sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, hạn chế rủi ro do diễn biến thời tiết và dịch bệnh trong sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn lịch xuống giống và cơ cấu giống lúa năm 2022.
Theo đó, tỉnh ưu tiên chọn các giống lúa cao sản đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, giống thích ứng với điều kiện phèn mặn, năng suất cao, chất lượng, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu: OM5451, OM18, BTE1… bố trí 30-40% diện tích. Ðối với nhóm giống lúa thơm đặc sản gồm: ST24, ST25, Ðài thơm 8... bố trí khoảng 30-40% diện tích. Nhóm giống lúa chất lượng trung bình OM2517, OM576 (hầm trâu, siêu hầm trâu)... bố trí sản xuất diện tích hẹp, khoảng 15-20%./.
Mộng Thường thực hiện