(CMO) Từ khi Khu Di tích lịch sử văn hoá quốc gia hòn Ðá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) hoạt động trở lại đã tạo luồng sinh khí mới, lượng khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan rất đông. Bà con ở Ðá Bạc cũng phấn khởi hơn khi mọi hoạt động buôn bán đã trở lại sau thời gian nghỉ dịch. Không những thế, Ðá Bạc đang hoàn thiện các công trình, xứng đáng là khu vực đô thị loại V.
Từ đầu năm đến nay, du khách đến hòn Ðá Bạc tăng mạnh, theo ghi nhận, bình quân mỗi ngày nơi đây đón khoảng 200 lượt khách. Khu du lịch giờ đã sầm uất hơn trước, từng đoàn xe từ các tỉnh khác về đây tham quan. Việc khai thác và buôn bán thuỷ hải sản tươi sống của bà con nhộn nhịp hơn, đầu ra một số sản phẩm như cua đá, vòm xanh, mực… ổn định, giá cả tăng nhẹ trở lại; các mặt hàng khô biển cũng rất hút hàng vì độ tươi ngon và đậm đà hương vị biển.
Ðá Bạc giờ đây đã thay màu áo mới với một số công trình phụ trợ như nhà xe, nhà vệ sinh công cộng, sân bãi… để du khách đến đây được thoải mái hơn. Ðại uý Lý Phương Lam, cán bộ Ban Quản lý Khu di tích hòn Ðá Bạc, cho biết, cầu dẫn vào hòn được sửa chữa và xây mới 1 cây cầu dẫn, mở rộng một số đường hành lang đi bộ trong khu di tích.
Du khách từ nhiều nơi đến tham quan khu di tích hòn Ðá Bạc. |
Ông Nguyễn Quốc Ðoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, cho biết, Ðá Bạc trở thành khu đô thị và là điểm nhấn về tiềm năng du dịch của tỉnh Cà Mau.
“Hiện tại khu Kinh Hòn Bắc đã hoàn thiện tuyến đường và lắp hệ thống đèn chiếu sáng đấu nối với tuyến đê biển Tây (nối liền 2 ấp Kinh Hòn và Kinh Hòn Bắc), chiều ngang khoảng 7 m, thuận tiện cho khách đi xe du lịch đến tham quan. Bà con khu này ai nấy cũng phấn khởi”, ông Ðoàn thông tin.
Có đường, có cầu, có lộ, người dân ở “phố” Ðá Bạc giờ đã “lên đời” khi giấc mơ an cư thành hiện thực. Hơn 3 tháng nay, khu tái định cư xen ghép được xây dựng, đã có 18 hộ được di dời và còn hơn 100 hộ sẽ có chỗ ở ổn định trong thời gian tới.
Ông Dương Văn Tường, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hòn, cho biết: “Ðịa phương đang rà soát hoàn cảnh của người dân để có phương án di dời hợp lý. Một số hạng mục như cống thoát nước, mặt bằng tại khu tái định cư đang dần hoàn thiện”.
Ða số bà con ở vàm Ðá Bạc và người dân sống ở khu tái định cư đều làm nghề biển, chủ yếu làm ruốc, cá cơm, đánh bắt mực… với hơn 200 phương tiện khai thác nằm dọc ven đê biển Tây. Trước đây, khi chưa có chủ trương xây dựng khu tái định cư thì bà con sống trong lo âu mỗi khi mùa mưa bão đến.
Cửa biển Ðá Bạc có hơn 200 phương tiện khai thác. |
Chị Trịnh Kim The, ấp Kinh Hòn, tâm sự: “Hồi đó xuống đây làm thuê hơn 20 năm, ở trong cái chòi không đủ che mưa che nắng. Từ tháng 6 năm rồi, được Nhà nước cho cái nền, xây dựng nhà ở trong khu tái định cư thì mới yên tâm. Khi căn nhà hoàn thành, vợ chồng mừng rơi nước mắt, đêm không ngủ được”.
Còn chị Phan Thị Út, ấp Kinh Hòn trước đây phải di dời nhà nhiều lần vì mưa hay triều cường đều ngập, nay có căn nhà chị yên tâm cùng chồng làm nghề câu kiều để nuôi các con ăn học.
Dân ở xóm Kinh Hòn giờ đã được an cư, yên tâm bám biển. Mỗi nền trong khu tái định cư xen ghép của bà con có chiều ngang 5 m, chiều dài 20 m, đặc biệt là hành lang, con lộ phía trước nhà tạo điểm nhấn cho xóm Kinh Hòn. Ông Phan Văn Sồi (Hai Sồi) nói vui: “Giờ mỗi nhà có thêm chiếc xe hơi nữa là “êm” luôn”. Lời của ông Hai Sồi cũng là niềm tin của bao hộ dân nơi đây về tương lai tươi sáng hơn của nơi mà họ gắn bó.
Khi có cơ ngơi ổn định, vợ chồng ông Phan Văn Sồi yên tâm gắn bó với nghề khai thác cua đá. |
Các mặt hàng khô ở Ðá Bạc rất phong phú. |
Nhật Minh