(CMO) “Khi nào trúc ở Tân Bằng hết ai trồng thì khi đó việc xuất bán nhánh trúc để làm hàng thủ công mỹ nghệ ở xứ này mới ngơi”, đó là lời khẳng định của bà Mai Thị Ba, thương lái thu mua hàng trăm tấn trúc mỗi năm ở ấp Tấn Công, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình.
Câu khẳng định của bà Ba làm người nghe vừa vui mừng vì cây trúc quê nhà bao lâu nay là cây trồng thứ yếu, giờ trở mình thành “hàng hót”’, hàng thủ công mỹ nghệ đắt tiền để phục vụ nhu cầu trang trí ở nơi phồn hoa đô thị của không riêng xứ Việt mà đã có mặt nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng vừa cũng đượm buồn vì hay tin vùng “thủ phủ” trồng trúc ở Thới Bình giờ chỉ còn chưa đầy 10% so với trước. Giờ mỗi ký nhánh trúc tươi (sau khi cắt khúc) có giá từ 9.500-10.000 đồng.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Bằng Lê Tuấn An thông tin: “Hiện ở xã còn khoảng 75 ha trúc, tập trung nhiều ở ấp Tấn Công, tuyến Kinh 7 của xã. Vài năm gần đây, trúc nhánh (loại cắt để kết làm màn) được thương lái tìm mua với giá cao. Từng là phế phẩm bỏ đi, nay loại nhánh trúc này trở nên đắt giá. Giờ tính kỹ lại, trúc bán hết cả thân lẫn nhánh, chỉ có lá là không bán”.
Sản phẩm từ nhánh trúc giờ trở nên hái ra tiền ở Tân Bằng. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Giờ cây trúc trồng sau 2 năm được thương lái ngã giá mua hết với giá từ 20-25 triệu đồng/công. Nếu chủ vườn chăm sóc tốt, lượng thân cây nhiều ở mỗi bụi trúc thì thương lái sẵn sàng mua giá 30 triệu đồng/công. Với khoảng thu này, sau khi khấu trừ chi phí, đem so sánh với nuôi tôm, ruộng lúa, cũng không kém phần hấp dẫn.
Vài năm nay, ai cũng biết việc nhánh trúc tươi có giá nên tranh thủ nhàn rỗi là nhặt nhạnh nhánh trúc rồi cắt khúc theo kích cỡ thương lái cho sẵn, đem bán ở các vựa thu mua. “Cắt được bao nhiêu đem bán người ta cũng mua”, em Lê Hoàng Út, 12 tuổi, vừa khệ nệ kéo bao trúc 22 kg đến bàn cân vựa thu mua của chị Nguyễn Thị Ðiền, ấp Tấn Công, vừa hớn hở khoe.
Hơn 10 năm trước, trúc xứ này “bị tàn phá” để đào ao nuôi tôm sú. Có lúc người trồng đốt luôn vườn trúc để tiện việc đưa cơ giới vào san bằng, hạ độ cao của mặt liếp trúc xuống thành vuông tôm.
Chị Nguyễn Thị Ðiền, năm nay 45 tuổi, thương lái thu mua trúc lâu năm nhất ở xứ Tân Bằng, bộc bạch: “Tôi lớn lên ở đất này. Từng chứng kiến cảnh phá trúc để làm vuông tôm. Nhưng hơn 10 năm nay, tôi lại xắn tay vào nghề mua bán trúc. Nghề giúp tôi ăn nên làm ra như hiện nay. Giờ xứ này mà hết trúc bán, tôi cũng không biết phải sinh sống bằng phương kế nào nữa!”.
Trung bình, cứ mỗi ngày vựa thu mua nhà chị Ðiền thu vào khoảng 1 tấn trúc tươi. Lượng trúc này, chị sang lại cho thương lái ở Thới Bình để sơ chế xuất bán lên TP Hồ Chí Minh. Chị cho biết: “Họ dùng trúc để kết màn tạo ra hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Mỗi tấm màn xuất bán thị trường khoảng 1,5 triệu đồng, còn xuất khẩu thì giá cao hơn nhiều”.
Nhánh trúc cắt khúc, thương lái đặt hàng phải đảm bảo kích thước dài 5,8 cm, rộng bằng cỡ đầu đũa ăn cơm. Nhánh trúc sau khi được thu mua sẽ đưa vào máy sơ chế, quay tróc lớp vỏ bóng nhẵn bên ngoài rồi ngâm nước rửa sạch ruột, mang phơi hoặc sấy khô.
Chị Ðiền cho biết thêm: “Mỗi ký trúc sau khi sơ chế và phơi khô có giá bán vài chục ngàn đồng”. Và ở Tân Bằng giờ chỉ có vựa thu mua của bà Mai Thị Ba là mua giá cao nhất, từ trên 10.000 đồng/kg. Vì vựa của bà Ba vừa mua, vừa sơ chế và xuất bán thẳng lên cơ sở ở TP Hồ Chí Minh.
Bà Hồ Thị Hường, ấp Tấn Công, nay đã 66 tuổi, sức khoẻ có phần hạn chế, nhưng đôi tay chai sạm của bà điều kiển nhánh trúc, tay dao nhanh không thua gì tuổi thanh niên. Vừa cắt trúc, bà Hường vừa nói như khoe: “Nhờ trúc mà nhà tôi có sinh kế. Ông nhà thì quần quật làm thuê bằng việc tỉa thưa, dọn vườn. Tiền tỉa mỗi đám trúc (1 công) để gom nhánh cũng phải chi trả chủ vườn khoảng 7 triệu đồng”. Vậy là ông cứ gom nhánh, bà ở nhà cắt bán. Trung bình ngày rảnh việc, bà Hường cắt được khoảng 30 kg trúc.
Nhờ cắt nhánh trúc bán mà bà Hồ Thị Hường ổn định cuộc sống hơn 10 năm nay. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Lật lại sổ ghi chép mua bán, chị Ðiền nhẩm tính, mỗi năm cơ sở của chị thu mua khoảng 200 tấn trúc. Với giá hiện hữu 9.500 đồng/kg, mỗi năm “phế phẩm” của trúc chị đã dùng đến 1,9 tỷ đồng để mua lại trong người dân ở xứ Tân Bằng. Con số này càng nhân lên nhiều lần ở vựa thu mua của bà Ba, vì bà Ba mua giá cao hơn và xuất bán thẳng lên TP Hồ Chí Minh mà không qua trung gian.
Bà Mai Thị Ba trần tình: “Hồi đầu năm, thương lái nói năm nay rất hút hàng nên đề xuất cơ sở tôi ký hợp đồng cung ứng vài trăm tấn và bao tiêu hết, nhưng suy nghĩ lại, tôi không đồng ý. Vì nhỡ không gom đủ đơn hàng thì phiền. Do vậy, cứ thu gom rồi sơ chế, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Giờ mỗi chuyến xuất bán, cơ sở tôi không dưới chục tấn. Cứ mỗi tháng bán vài bận”.
Khi chúng tôi thắc mắc về thân trúc, thương lái thu mua với giá hàng 20-25 triệu đồng mỗi công để làm gì? Chị Ðiền cho biết: “Cây trúc, họ thu mua để trang trí nhà, hàng quán, để đan đát các mặt hàng mỹ nghệ dùng trong sinh hoạt gia đình và có cả mua để xuất bán đan mê bồ. Mê bồ xứ Thới Bình giờ đã xuất bán sang Campuchia hàng tháng”.
Dưới tác động của khoa học - công nghệ, việc ứng dụng các nguyên liệu thay thế hàng dân dụng, gia dụng bằng nhựa, kim loại vẫn không thể thay tính năng ưu việt, thân thiện môi trường của sản phẩm từ thiên nhiên. Thị trường chiếu trúc, chiếu tre, sản phẩm đan đát từ trúc, như rổ, thúng và cả mặt hàng thủ công mỹ nghệ như rèm sáo trúc, màn trúc vẫn còn vùng đất riêng để tồn tại.
Cây trúc, thân tre một thời gắn bó vùng đất phèn nghèo phù sa Thới Bình đã từng chủ động nhường vùng cho tôm sú, tôm càng xanh, rẫy mía, nay lại ấp ủ tương lai đầy triển vọng. Thực tế cho thấy, khoảng 5 năm gần đây, việc giảm diện tích trúc ở khu vực Tân Bằng, Trí Lực đang có chiều hướng chựng lại. Sự sôi động mang thương hiệu trúc đã và đang nung nấu hy vọng trụ vững đủ nguồn cung cho thị trường./.
Phong Phú