ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 08:38:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Về Xẻo Ðước nhớ các anh

Báo Cà Mau (CMO) Mỗi lần về lại Di tích Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Ðước, tôi như được sống lại cảm giác ngày xưa, những ngày công tác tại Văn phòng Tỉnh uỷ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tham gia công tác Văn phòng Tỉnh uỷ thời ấy, chúng tôi như những hạt cát rất nhỏ. Nhưng đối với những người đã hy sinh, thì hạt cát đó lại là máu xương của họ.

Tượng đài Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Ðước.

1. Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến là anh Phạm Quang Long (Tư Vui), liệt sĩ đầu tiên của Văn phòng Tỉnh uỷ, là cán bộ mã thám, tai mắt không thể thiếu lúc bấy giờ. Trong chiến dịch đánh vào căn cứ của ta, được nguỵ trang tìm diệt giáo phái Bình Xuyên, ngày 25/8/1961, anh Quang Long đã hứng một loạt đạn trọng liên trên chiếc máy bay “cồng cộc” sát hông nhà chú Hai Hiền ở Rẫy Mới, cặp sông Mỹ Bình.

Lập gia đình đã mấy năm nhưng anh chưa có một mụn con. Trước đó mấy hôm, anh nhắn về chị Huỳnh Thị Mười (Tư Ðào), vợ anh (nhà cách khu căn cứ chừng vài trăm mét), rằm tháng Bảy nấu chè, anh sẽ về ăn. Nhưng chiều 14/7 anh đã hy sinh.

Tôi được lãnh đạo phân công từ Rẫy Mới về Xẻo Ðước đón chị Tư Ðào. Ðêm trăng lúc mờ lúc tỏ, có lẽ những cụm mây trong cơn mưa chiều chưa tan. Hai chị em hì hục đi, gặp sông nhờ xuồng, có lúc chị quỵ xuống nức nở, tôi đỡ chị lên rồi đi tiếp. Ðêm, mùi thuốc súng như chưa tan, dọc đường có nhà còn chong đèn leo lét, tiếng chó tru xa xa rất thảm.

Tôi không biết có cơ duyên nào, từ A trưởng đơn vị địa phương quân Cái Nước, với khẩu súng trường tự động Mỹ, rất hợp với sức vóc vạm vỡ và cái miệng rất duyên của anh, anh lại trở thành cán bộ mã thám đầu tiên của Văn phòng Tỉnh uỷ. Một đồng đội mãi mãi nằm xuống, một mối tình son tan vỡ.

2. Ðoàn Nghĩa Hiệp (Năm Nhựt), cũng là cán bộ mã thám, bộ ba với Phạm Thạnh Trị (Bảy Trị) và Tô Minh Thứa (Ba Ðức). Trong lần đi phục vụ Hội nghị An ninh mở rộng do Tỉnh uỷ tổ chức ở ngọn Bù Mắt (Năm Căn), bắt được tin địch ném bom, Nhựt nhanh chóng chèo xuồng báo cho lãnh đạo hay. Trên đường về, những chiếc máy bay phản lực đã lao xuống cắt bom. Nhựt ngã xuống, nằm úp mặt ở bìa rừng. Chiếc xuồng gác mỏ lên bến, cặp chèo buông xuôi sau lái như chờ người trở lại. Nhựt hy sinh trẻ quá, chưa có người yêu.

Căn nhà người chị ruột của Nhựt ở vàm Cái Tàu (xã Khánh An, huyện U Minh). Nhìn di ảnh của Nhựt, nhớ lại ngày 26/11/1967 định mệnh ấy.

Nhựt là em út trong gia đình có chín anh chị em. Ðang học đệ lục ở Cà Mau, tuổi cũng ngấp nghé quân dịch nên Nhựt được anh Ðoàn Quang Vũ (Năm Tân), đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 306, rút vô vùng giải phóng tham gia kháng chiến. Xế chiều ngày 4/7/1966, Nhựt mã hoá được điện của Ðặc khu Hải Yến - Bình Hưng xin Tiểu khu hành quân đánh phá căn cứ ta. Nắm rõ lực lượng, giờ giấc, điểm đến của địch, Tiểu đoàn U Minh II đã chọn Ðòn Dong - Tân Quảng làm nơi tử huyệt của chúng. Từ 11 giờ 45 phút đến 13 giờ, trận đánh đã kết thúc thắng lợi, giòn giã. Ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn Bảo an 470 và 1 trung đội thám báo khét tiếng gian ác, trong đó có 4 cố vấn Mỹ; bắt sống 24 tên (có 1 cố vấn Mỹ), thu toàn bộ vũ khí. Chiến công đó có đóng góp thầm lặng của người cán bộ mã thám Ðoàn Văn Hiệp.

Nỗi đau càng tăng thêm khi phần mộ anh Tư Vui và Năm Nhựt chôn cất ở nghĩa trang đầu kênh xáng Bà Kẹo bị địch đóng đồn sang bằng. Sau này, gia đình Năm Nhựt đã xây ngôi mộ gió ở Nghĩa trang huyện U Minh cho anh.

3.

Phạm Văn Bảo anh về với đất

Vàm Kinh Ba đỏ lửa đạn thù

Anh ngã xuống chưa kịp về với mẹ

Con khờ đầu trắng tang cha

Nhà anh Phạm Văn Bảo ở lung Trùm Mạnh (Hiệp Tùng, Năm Căn), chỉ cách nơi anh hy sinh chừng 1 km đường chim bay. Nhanh lẹ, luôn cười để lộ mấy cái răng khểnh, anh là cha của hai đứa con nhỏ. Anh là cán bộ mã thám thứ ba của Văn phòng Tỉnh uỷ hy sinh (vào đêm 10/10/1969).

Gia đình chú Sáu Nhựt, cán bộ căn cứ Tỉnh uỷ, là chỗ dựa của cánh văn phòng. Chú có một dọc bốn người con gái có tên là Trường, Sanh, Phước, Thọ thì cánh văn phòng cưới hết ba. Ba Bảo cưới chị Trường là con cả, Phạm Minh Ánh cưới chị Phước, Bảy Nghĩa cưới chị Thọ, còn lại chị Sanh lấy chồng bộ đội. Từ ngày Phạm Văn Bảo hy sinh, chị ở vậy nuôi con, lam lũ với ruộng đồng.

Bị phục kích, tài liệu lọt vào tay địch, toàn hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến từ tiểu khu đến các đồn bót thay đổi mã hoá, ta bị “nghẽn” một thời gian ngắn. Nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, đoán đúng quy luật, công việc “moi” tin trong lòng địch đã được khai thông.

4. Là người chỉ huy trực tiếp cao nhất của chúng tôi, anh Huỳnh Văn Nhụ (Tư Vững), Tỉnh uỷ viên, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ, giản dị, dễ gần, được anh em yêu thương, kính trọng. Anh quê tận Bến Tre, có đến bốn mặt con. Căn nhà của anh chị rất tạm bợ, nay chỗ này, mai chỗ khác. Chị là người phụ nữ chịu khó, tảo tần. Năm 1970, tình thế của cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn, đồn bót địch dày đặc, vùng giải phóng bị thu hẹp. Trong chuyến qua sông Ông Ðốc đêm 30/7/1970, anh đã trúng đạn từ chiếc máy bay OV-10, hy sinh.

Nhớ lần Văn phòng ở sau vườn nhà anh Tư Rơi, chiều đã muộn, anh Trương Minh Hứa (Bảy Kềm) và anh y sĩ Nguyễn Âu (Tám Giao) đang đánh cờ tướng. Bỏ viết, anh Tư Vững rề lại, bất ngờ chỉ cho anh Tám Giao “lụm” con xe bên kia. Anh Bảy Kềm trố mắt, giận lắm, chỉ biết cười trừ.

Trong niềm vui về Xẻo Ðước, bùi ngùi nhớ những cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ đã ngã xuống. Có thể nói, trong chiến tranh Văn phòng Tỉnh uỷ được coi là nơi an toàn nhất, nhưng chiến tranh đã len lỏi khắp mọi nơi, mọi thời khắc, chiến tranh ở đâu cũng là mặt trận, chiến trường.

Tôi ước gì trong khuôn viên di tích, có thể dành một không gian giản dị nhưng trang trọng, đặt một bát hương; để cho những người đến đó có cơ hội thắp nén tâm nhang tưởng nhớ hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất đất nước, trong đó có các anh là cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ./.

 

Nguyễn Thái Thuận

 

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.

Tri ân người mở cõi

Ðầu xuân năm nay tôi được dự lễ khánh thành khu mộ thân tộc ông bà Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu, tại ấp Bàu Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. Chung quanh khu nghĩa mộ có mấy công trình phụ nhưng ý nghĩa đáng để mọi người suy ngẫm. Ðó là hồ sen, tuy diện tích không lớn nhưng ông Liêm giải thích sen là “Quốc hoa” của dân tộc Việt Nam, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Phía tay phải là một hồ khác để nuôi cá các loại, chim le le và vịt trời. Phía sau công trình là một bờ cây đước xanh rờn, cao lớn.