Công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề hệ trọng, được Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chăm lo từ thể chế đến chủ trương, chính sách. Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao; hoạt động tôn giáo ngày càng bình đẳng, ổn định, tự do trong khuôn khổ pháp luật. Những giá trị tốt đẹp của tôn giáo đã hoà quyện vào nền văn hoá truyền thống của dân tộc.
- 40 tác phẩm xuất sắc đạt giải Cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Phát huy hệ thống chính trị cơ sở bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư năm 2024
- Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại tỉnh Cà Mau
Quá trình phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, Ðảng ta xác định các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Ðây là vấn đề luôn mang tính thời sự, hệ trọng trong quyết tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Chùa Monivongsa Bopharam (Phường 1, TP Cà Mau) là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo đồng bào dân tộc Khmer.
Mối quan hệ khắng khít: Dân tộc - tôn giáo
Dân tộc và tôn giáo có mối quan hệ mật thiết, khắng khít với nhau. Ðể phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì phải đoàn kết tôn giáo. Giải quyết tốt vấn đề tôn giáo sẽ tạo tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ những ngày đầu thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhất là khi đất nước vừa mới khai sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về công tác dân tộc, tôn giáo vào điều kiện thực tế của đất nước ta. Người rất xem trọng công tác tôn giáo và cụ thể thành chính sách “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Trong thư gửi Ðại hội Các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu việt Nam, đều là anh em ruột thịt... Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta...”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong từng giai đoạn cách mạng, Ðảng ta vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy (khoá IX) của Ðảng đã khẳng định: “Các vấn đề dân tộc và tôn giáo được đặt ra và giải quyết trong tổng thể, theo phương hướng và nội dung cơ bản của nhiệm vụ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời hết sức chú ý đến tính đặc thù của từng vấn đề ấy”.
Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đã nêu rõ: “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”; “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Những vấn đề nổi lên
Những thành tựu về công tác tôn giáo mà Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân ta đạt được rất đáng trân trọng. Song, vẫn tồn tại những vấn đề đã và đang nổi lên, đó là:
Tư tưởng dân tộc lớn, tôn giáo lớn, dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc, tôn giáo đã và đang ảnh hưởng xấu đến quan hệ dân tộc, tôn giáo trong nước. Nhất là, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để đẩy mạnh các hoạt động chống phá Ðảng, Nhà nước ta.
Vùng dân tộc và vùng tập trung đồng bào theo tôn giáo nổi lên tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, như tranh chấp đất đai, mâu thuẫn dòng họ, tội phạm ma tuý, mua bán phụ nữ và trẻ em, xâm canh, xâm cư trái phép, khai thác lâm sản, thuỷ sản, thổ sản... ngày càng phức tạp.
Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo còn gặp những khó khăn khách quan; quy định của một số luật chuyên ngành còn thiếu và chưa đồng bộ đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nên trong quá trình tổ chức thực hiện có lúng túng, trong đó có Luật Ðất đai, Luật Xây dựng, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường... Vai trò của Mặt trận và tổ chức thành viên trong nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ chức tôn giáo từng lúc chưa sâu sát, bị động trong xử lý một số vấn đề phát sinh. Ðặc biệt, quan hệ quốc tế của các tôn giáo ngày càng phát triển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa nắm sâu chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, vận động hiệu quả, nhất là không biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” có nơi còn xuất hiện “lỗ hổng” về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, khi chưa phát huy đúng mức vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chính sách dân tộc, hoạt động tôn giáo từng lúc chưa kịp thời, chưa sâu sát. Ðã và đang tồn tại những vụ việc tranh chấp đất đai kéo dài giữa chính quyền và tổ chức tôn giáo, tiềm ẩn nguy cơ an ninh trật tự tại các địa phương.
Việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động “núp bóng” dân tộc, tôn giáo trên không gian mạng để chống phá Ðảng, chế độ ta từng lúc chưa kịp thời; tội phạm công nghệ cao đã và đang diễn biến phức tạp; khả năng làm chủ công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, nhất là khả năng tự phòng vệ trên không gian mạng để chặn, lọc, xoá, báo xấu... thông tin độc hại còn những mặt hạn chế.
Giải pháp phòng ngừa, ứng phó
Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Ðảng; sự quản lý, điều hành hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự giám sát và tham gia của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong hoạt động dân tộc, tôn giáo. Thực hiện song song công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo với vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chống phá Ðảng, Nhà nước ta.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện về hệ thống tư tưởng, quan điểm, cơ chế, chính sách đối với công tác dân tộc, tôn giáo. Ðặc biệt, tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc, tôn giáo. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về công tác dân tộc, tôn giáo hài hoà, phù hợp, hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, bỏ sót, mâu thuẫn... với các lĩnh vực khác.
Thứ ba, thực hiện quyết liệt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy dân tộc - tôn giáo các cấp. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tôn giáo của Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở vừa có tâm, vừa có tầm để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chính sách dân tộc, tôn giáo; nắm chắc tình hình dân tộc, tôn giáo để chủ động xây dựng phương án ứng phó với các mối đe doạ an ninh dân tộc và an ninh tôn giáo trên địa bàn. Ðặc biệt, kiểm tra, thanh tra, giám sát các vụ việc tranh chấp liên quan đến dân tộc, tôn giáo và xử lý dứt điểm để tránh tạo thành điểm nóng.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng mô hình hay, điển hình tốt phong trào “Dân vận khéo” trong đồng bào dân tộc, tôn giáo nói riêng và các tầng lớp Nhân dân nói chung. Phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, thu hút, tập hợp đông đảo người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo; nhất là phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, đạo lý “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Nhường cơm sẻ áo”, “Thương người như thể thương thân”... góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.
Thứ sáu, quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Ðầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ giữa các vùng, miền, rút ngắn dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
Thứ bảy, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về dân tộc, tôn giáo. Ðây là nhiệm vụ hệ trọng không chỉ của lực lượng quốc phòng - an ninh, mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động các ngành, các cấp, các lực lượng cùng tham gia.
Thứ tám, kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Ðảng và Nhà nước ta. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, gắn với đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ðào tạo đội ngũ cán bộ làm chủ khoa học - công nghệ song song với đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại để chống tội phạm công nghệ cao. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dân tộc, tôn giáo để vi phạm pháp luật./.
Đỗ Chí Công