Qua 5 năm triển khai cho thấy, Luật PCTN đã kế thừa những ưu điểm Luật PCTN năm 2005 và Luật PCTN sửa đổi, bổ sung các năm 2007 và 2012; tiếp thu, cụ thể hoá những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hoá chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng thành pháp luật. Các quy định của Luật đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh PCTN trong tình hình mới; công tác đấu tranh PCTN được thực hiện quyết liệt theo chủ trương “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Ngày 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Ông Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Internet
Cùng với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có thể khẳng định công tác PCTN không những không “chững lại” hay “chùn xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.
Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Về công tác thanh tra, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 37.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 935.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 658.000 tỷ đồng, hơn 28.300 ha đất, kiến nghị thu hồi gần 559.000 tỷ đồng và hơn 5.500 ha đất.
Ngành Thanh tra đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hơn 34.500 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, chuyển cơ quan điều tra 119 vụ, 355 đối tượng; khởi tố 76 vụ, 159 đối tượng. Cơ quan chức năng đã thụ lý điều tra 2.990 vụ án/7.562 bị can phạm tội về tham nhũng; tổng tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 553.587 tỷ đồng, 245.815 m² đất; thu hồi trên 418.950 tỷ đồng (đạt trên 75%), 34.802 m² đất.
Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý, kiểm sát giải quyết 3.510 nguồn tin về tham nhũng, chức vụ; đã giải quyết 3.309 nguồn tin. Đã thụ lý kiểm sát điều tra 4.146 vụ/10.862 bị can. Đã ban hành cáo trạng truy tố 2.649 vụ/7.621 bị can (đã xét xử 2.559 vụ/7005 bị cáo).
Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị tiếp tục được tăng cường thực hiện trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng của các bộ, ngành, địa phương về các thủ tục hành chính, các thông tin về dự toán ngân sách, mua sắm công, đầu tư xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai, theo dõi, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính; góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, tích cực chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh, có bước tiến mạnh, đột phá, các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian giám định, định giá tài sản; nhiều việc hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; chủ động, tập trung xác minh và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, việc thu hồi đạt tỷ lệ cao.
Các vụ án đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, không bỏ lọt tội phạm, được dư luận và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Các cơ quan truyền thông, báo chí quan tâm, thường xuyên tập trung tuyên truyền, nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN và kết quả phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong giáo dục, nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và toàn xã hội trong đấu tranh PCTN, tiêu cực.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác PCTN vẫn còn hạn chế nhất định. Đây cũng là những vấn đề mà các đại biểu quan tâm, dành thời lượng lớn trong phiên tham luận, thảo luận tại hội nghị.
Để công tác PCTN chuyển biến tích cực, đồng bộ, đạt hiệu quả cao, phải gắn công tác này với phòng chống lãng phí; phải đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống lãng phí với nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó, cần thống nhất nhận thức, xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với PCTN, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh theo đúng tỉnh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đấu tranh PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và lâu dài nên đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, mà trực tiếp thường xuyên là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo với phương châm PCTN, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Gắn PCTN, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá, đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; kết hợp với cải cách chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ để đội ngũ cán bộ, đảng viên không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực.
Kết hợp giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, xác định phòng ngừa là chính, cơ bản, có ý nghĩa lâu dài; phát hiện là cấp bách và xử lý nghiêm khắc là giải pháp hữu hiệu để trừng trị người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tải sản cho Nhà nước.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước và việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức nhằm kiểm soát quyền lực, hạn chế nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao địa vị pháp lý của các cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực; có cơ chế phù hợp để bảo đảm sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan này. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, tiêu cực. Trong đó, đặc biệt chú trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giám sát, phản biện xã hội; vai trò của báo chí trong việc phát hiện và tuyên truyền về công tác PCTN, tiêu cực. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, nhất là về công tác thu hồi tài sản tham nhũng và truy bắt người có hành vi tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài.
Quốc Rin