Qua 10 năm triển khai thực hiện, Tết Quân - Dân đã trở thành mô hình dân vận khéo tiêu biểu của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Cà Mau. Mô hình thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, chung tay, hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Quả ngọt của mô hình là các công trình, phần việc, nguồn lực hỗ trợ thiết thực, đặc biệt là đối với những xã khó khăn về tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, thắt chặt tình cảm quân - dân ngày càng thắm thiết, tin cậy.
- Tết thắm tình quân dân
- Thắm tình Tết Quân dân
- Thắt chặt tình quân dân
- Biển có vững, bờ mới yên - Bài cuối: Quân - dân nghĩa tình
- Gắn kết quân - dân vùng biên giới
- Nỗ lực hoàn thành những công trình quân - dân
Kết quả lớn, ý nghĩa lan toả
Ông Tiêu Quang Khái, Phó chủ tịch UBND xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, tâm đắc: “Năm 2023, Tết Quân - Dân được tổ chức tại địa phương đậm ý nghĩa nhân văn. Với nguồn lực quý báu, gần 58,5 tỷ đồng từ cái Tết đặc biệt này, đã giúp địa phương bứt tốc và về đích xã NTM. Quả thật, Tết Quân - Dân đã mang NTM về với xã Ðông Hưng”.
Ðông Hưng bừng lên diện mạo tươi mới từ mô hình Tết Quân - Dân.
Thời điểm triển khai mô hình tại địa phương, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ðông Hưng đang dồn sức quyết liệt để thực hiện đạt các tiêu chí NTM. “Hạ tầng nông thôn, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, diện mạo nông thôn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Tất cả đã được Tết Quân - Dân tiếp sức, khơi dậy ý chí, sự chung sức, chung lòng, phải nói là đúng lúc, đúng thời điểm và đúng với ý Ðảng, lòng dân để Ðông Hưng hoàn thành trọn vẹn các tiêu chí trong khí thế hết sức phấn khởi”, ông Khái chia sẻ.
Ông Khái cho biết thêm: “Tết Quân - Dân tạo thêm lòng tin yêu của Nhân dân và cấp uỷ, chính quyền địa phương với quân đội, với LLVT tỉnh Cà Mau, góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng Nhân dân, xây dựng tình đoàn kết quân - dân ngày thêm bền chặt".
Những công trình, phần việc của Tết Quân - Dân không chỉ có ý nghĩa thời điểm, mà hiện tại còn giúp địa phương chủ động hơn, vững vàng hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Theo ông Khái, chính từ những căn nhà thắm tình quân - dân, đến nay hộ thuộc diện xoá nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương chỉ còn 27 hộ. “Nếu không có 41 căn nhà được xây mới hỗ trợ bà con, thì công việc xoá nhà tạm, nhà dột nát của địa phương sẽ còn bộn bề khó khăn”, ông Khái bộc bạch.
Nghĩa tình Quân - Dân thấm đượm
Về ấp Phong Lưu, những người được hỗ trợ nhà từ Tết Quân - Dân vẫn còn rộn niềm mừng vui. Ông Lý Hoàng Khởi, bộ đội xuất ngũ được nhận ngôi nhà “Tình đồng đội” với số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng để xây cất, xúc động: “Ngôi nhà mới là sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, của LLVT đối với những người đã từng gắn bó, cống hiến trong quân đội như chúng tôi. Hoàn cảnh của tôi khó khăn, bản thân bệnh tật, điều kiện kinh tế vất vả; có ngôi nhà, cuộc sống của gia đình nay đã ổn định hơn trước nhiều rồi”.
Nói theo cách của ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ấp Phong Lưu: “Tết này trăm năm mới có một”. Ðể giải đáp thắc mắc của người nghe, ông Hiền cười tươi giải thích: “Mỗi năm Tết Quân - Dân chỉ chọn một địa phương triển khai, mà tỉnh mình có cả trăm xã/phường, thì không phải trăm năm có một là gì nữa”. Vị trưởng ấp gan ruột cho biết, qua Tết Quân - Dân, diện mạo, đời sống của ấp, của xã đã thay đổi hết sức mau lẹ, bừng lên sức sống tươi mới, còn tình quân - dân thêm thắm thiết, tin cậy.
Là hộ thuộc đối tượng khó khăn, ít đất sản xuất, ông Phạm Hoàng Thám nhận ngôi nhà “Ðại đoàn kết” từ Tết Quân - Dân với sự mừng vui khó tả. “Có căn nhà đàng hoàng là ước mơ cả đời của tôi. Trước đây, tôi là bộ đội, từng tham gia chiến trường Tây Nam, vì điều kiện gia đình nên không thể tiếp tục cống hiến. Từ tận đáy lòng mình, tôi biết ơn và ủng hộ hết mình mô hình Tết Quân - Dân của LLVT vì mô hình đã lan toả, tô thắm thêm niềm tự hào và phát huy truyền thống, hình ảnh người lính Cụ Hồ trong đời sống hiện nay”.
Bên ngôi nhà “Ðại đoàn kết” được Tết Quân - Dân hỗ trợ gia đình ông Phạm Hoàng Thám, lãnh đạo UBND xã Ðông Hưng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và gợi mở hướng làm ăn, sản xuất cho gia đình.
Thời gian qua, LLVT tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều mô hình ý nghĩa như: “Mái ấm đồng đội”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Ấm tình hậu phương”... các hình thức tặng sổ tiết kiệm, chương trình "Mẹ đỡ đầu", hỗ trợ, giúp đỡ bộ đội phục viên, xuất ngũ có hoàn cảnh khó khăn... Riêng mô hình Tết Quân - Dân đã trở thành một điểm sáng ghi đậm dấu ấn tốt đẹp trong đời sống xã hội.
Tết Quân - Dân là mô hình dân vận hết sức đặc biệt và ý nghĩa. Qua 10 năm triển khai, có thể khẳng định mô hình này đã trở thành nét đẹp thể hiện tính nhân văn sâu sắc của quân đội nói chung, LLVT tỉnh nói riêng trong chung tay góp sức cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, chung tay vì người nghèo với thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Mô hình Tết Quân - Dân còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Gia đình ông Phạm Hoàng Thám, ấp Phong Lưu, từ khi nhận ngôi nhà “Ðại đoàn kết” của Tết Quân - Dân đã có điều kiện chăm lo phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống ngày càng ổn định.
Những mùa quả ngọt từ mô hình đặc biệt này đã, đang và sẽ tiếp tục được LLVT tỉnh nhà nối tiếp, nhân lên trên khắp quê hương.
Với tổng kinh phí gần 58,5 tỷ đồng từ các nguồn, Tết Quân - Dân tại xã Ðông Hưng đã giúp địa phương xây dựng mới, sửa chữa hơn 34 km lộ bê tông; xây dựng 41 căn nhà cho các đối tượng thụ hưởng; xây mới và sửa chữa 7 trụ sở sinh hoạt văn hoá ấp; xây dựng mới 16 cây cầu; 7 cổng chào và 70 khẩu hiệu tuyên truyền được xây dựng. Bên cạnh đó là các tuyến đường đèn năng lượng mặt trời; 2 đợt ra quân với gần 600 lực lượng tham gia hàng chục ngày công để chỉnh trang diện mạo nông thôn của địa phương...
Phạm Hải Nguyên