Mùa khô năm 2024-2025 được dự báo không nghiêm trọng, song tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn ở mức cao hơn trung bình và diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc chủ động xây dựng phương án ứng phó linh hoạt, sát thực tế là rất cần thiết, để nhiệm vụ phòng, chống đạt hiệu quả.
- Chủ động phòng, chống cháy nổ mùa khô
- Đốt sậy, rác mùa khô lợi bất cập hại
- Bảo vệ hoa màu mùa khô hạn
- Chủ động trước mùa khô hạn
Theo thông tin dự báo xu thế thiên tai tại vùng đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 12/2024 - 5/2025 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 tuy không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, nhưng vẫn ở mức cao hơn trung bình.
Cụ thể, những tháng đầu năm 2025 có thể xảy ra hạn hán, tại đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðặc biệt là bắt đầu từ tháng 3/2025, mặn có xu hướng tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng, ranh mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu 45-60 km.
Không để người dân thiếu nước sinh hoạt
Ðể chủ động ứng phó, ngày 8/12, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 128/CÐ-TTg về việc chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, gởi các bộ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó nhấn mạnh ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Trên địa bàn tỉnh, để chủ động ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra trong mùa khô năm 2024-2025, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được triển khai quyết liệt.
Như tại xã Khánh An, huyện U Minh, đây là địa phương không chỉ có địa bàn rộng với khoảng 20 ngàn hộ sống trải dài 18 ấp mà xã còn hiện hữu song song 2 hệ sinh thái là mặn và ngọt. Các ấp vùng mặn canh tác theo mô hình lúa - tôm, còn vùng ngọt hoá là một phần của rừng U Minh Hạ... Ðặc điểm tự nhiên này đã tạo ra không ít khó khăn trong nhiệm vụ ngăn mặn, bảo vệ vùng ngọt và cả việc đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) khi vào mùa khô.
Ngoài đường bộ, nhân viên Vườn Quốc gia U Minh Hạ thường xuyên tổ chức tuần tra bằng đường thuỷ. (Ảnh chụp tháng 3/2024).
Ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết, với sự hỗ trợ của nhiều cấp, nhiều ngành và cả các tổ chức, mạnh thường quân, hiện người dân trên địa bàn xã đã cơ bản được trang bị đầy đủ dụng cụ trữ nước, đảm bảo sinh hoạt trong mùa khô.
“4 tại chỗ” PCCCR
Không chỉ xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt... mà công tác PCCCR cũng là áp lực lớn cho chính quyền các cấp và người dân, chủ rừng mỗi khi bước vào mùa khô. Cà Mau là tỉnh có diện tích rừng ngập ngọt lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với khoảng 45.600 ha. Theo đó, hiện nay rừng tràm U Minh Hạ và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh đang được triển khai các phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”.
Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ PCCCR mùa khô 2024-2025, tỉnh xác định những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Trong đó, tiến hành rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện trực PCCCR; ứng phó kịp thời, có hiệu quả khi có tình huống cháy rừng. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư vùng rừng và toàn xã hội thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR; đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc; theo dõi và thông tin kịp thời, chính xác cấp dự báo cháy rừng trong từng thời điểm để chủ động ứng phó. Tiến hành nạo vét kênh mương, gia cố, đắp đập trữ nước; sửa chữa, xây dựng chòi quan sát lửa; mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ PCCCR.
Nhân viên Vườn Quốc gia U Minh Hạ thường xuyên tuần tra để phát hiện và ngăn chặn kịp thời trường hợp người dân vào rừng trái phép, góp phần bảo vệ nguồn lợi, triệt tiêu nguy cơ cháy rừng vào mùa khô. (Ảnh chụp tháng 3/2024).
Tăng cường kiểm tra các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ rừng trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về PCCCR; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng làm nhiệm vụ PCCCR của các địa phương, đơn vị chủ rừng và huy động các lực lượng khác, để tham gia hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn trên địa bàn. Bố trí sẵn sàng các trang thiết bị cần thiết và tổ chức xây dựng lực lượng PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh những phương án PCCCR mỗi khi vào mùa khô, nhiệm vụ bảo vệ rừng còn được tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong suốt thời gian qua, nhất là giải pháp về hạ tầng giao thông. Hiện nay, hầu như tại các xã trong lâm phần thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời, giao thông trên địa bàn đảm bảo xe 4 bánh có thể lưu thông thuận tiện.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, ngoài hạ tầng giao thông, lực lượng, chòi canh lửa, phương tiện máy móc, thời gian qua, đơn vị còn trang bị công nghệ hiện đại là camera giám sát lửa chuyên dụng. Thiết bị này không chỉ có thể cảnh báo sớm lửa mà còn có thể giúp phát hiện tình trạng người dân xâm nhập vào rừng trái phép, để có biện pháp ngăn chặn kịp thời...
Ðể hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 13/12, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2439/QÐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ PCCCR mùa khô 2024-2025 tỉnh Cà Mau. Kế hoạch này đặt mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp PCCCR, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học khu vực rừng U Minh Hạ và rừng các cụm đảo. |
Nguyễn Phú