Góp phần nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động Trợ giúp pháp lý (TGPL) tại địa phương, Sở Tư pháp và Toà án Nhân dân tỉnh đã ký Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại toà. Đây là một trong nhiều giải pháp được đánh giá cao về tính hiệu quả, trọng tâm là đảm bảo tính kịp thời trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong năm 2024, trong hoạt động trợ giúp pháp lý, Cà Mau đã thực hiện hoàn thành được 1.238 vụ việc tăng 53 vụ so với năm 2023. Trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện được 1.066 vụ việc, luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý thực hiện được 172 vụ việc.
Việc phân công, bố trí viên chức thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý luôn được quan tâm, từ đó đội ngũ này ngày càng phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn, sở trường.
Ngoài ra, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Cà Mau thực hiện vụ việc TGPL hình thức tham gia tố tụng kết thúc là 512 vụ; tổ chức đánh giá được 362/512 vụ, chiếm 70,7%; vụ việc TGPL tham gia tố tụng được xác định thành công 189/362 vụ, chiếm 52,2%.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, những năm gần đây, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn đã có những bước phát triển tích cực. Kết quả này là sự tổng hợp của nhiều giải pháp bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương. Trong đó, nổi bật là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TGPL được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân.
Thông qua hoạt động truyền thông, người dân ngày càng hiểu hơn về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Việc phân công, bố trí viên chức phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn, sở trường; trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL có ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng tranh tụng được đảm bảo đã góp phần bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Trợ giúp viên pháp lý được điều động về các huyện phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ TGPL; luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL chủ động tham gia các hoạt động TGPL.
Một trong những giải pháp được đánh giá cao về tính hiệu quả là Sở Tư pháp và Toà án Nhân dân tỉnh đã ký Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp viên pháp lý trực tại toà. Mục đích của chương trình mang đến là tạo điều kiện để người được trợ giúp pháp lý thực hiện quyền yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí kịp thời trong tố tụng. Tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia các phiên toà, phiên họp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng. Cùng với đó, bảo đảm đối tượng thuộc diện TGPL trong các vụ việc mà Toà án Nhân dân thụ lý được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời, phù hợp với người dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác.
Khi cán bộ Toà án tiếp nhận đơn khởi kiện, qua nghiệp vụ, phát hiện đối tượng được trợ giúp pháp lý, sẽ có trách nhiệm giới thiệu gặp trực tiếp trợ giúp viên pháp lý đang trực. Hoặc trường hợp khi trợ giúp viên pháp lý không trực tiếp tại toà thì thông tin và cung cấp số điện thoại của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ ngay cho người trực. Đồng thời, hướng dẫn người thuộc diện được TGPL đến nơi niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực để liên hệ.
Bà Huỳnh Tú Trinh, Trợ giúp viên pháp lý phụ trách huyện Thới Bình (Trung Tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Cà Mau) cho biết: “Theo chương trình phối hợp, hằng ngày tại Toà án Nhân dân huyện có 1 trợ giúp viên trực để tiếp nhận những trường hợp thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong năm, toà án địa phương đã giới thiệu 24 vụ việc được trợ giúp pháp lý. Hoạt động này luôn nhận được sự hỗ trợ từ toà án, trong đó có vị trí làm việc, những nội dung thông tin, liên hệ với trợ giúp viên pháp lý được bố trí trực quan để người dân dễ tiếp cận.
“Việc có trợ giúp viên pháp lý trực tại toà hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động toà án. Trong đó có tuyên truyền, giải thích cho các đương sự hiểu về quyền và nghĩa vụ có liên quan, vì định biên của toà hạn chế, trong khi đó số lượng án khá nhiều. Yếu tố quan trọng là khi trực tại toà, trợ giúp viên pháp lý có thể tiếp cận đối tượng được trợ giúp kịp thời”, ông Nguyễn Việt Triều, Chánh an Toà án Nhân dân huyện Phú Tân, đánh giá.
Có thể thấy, chương trình phối hợp trợ giúp pháp lý tại toà là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý. Suốt quá trình phối hợp giữa cơ quan tố tụng với cơ quan trợ giúp pháp lý đã đạt nhiều kết quả cơ bản. Đặc biệt, số lượng vụ việc được trợ giúp pháp lý được cơ quan trợ giúp pháp lý tiếp cận nhanh hơn, trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc hỗ trợ cơ quan trợ giúp pháp lý trong xác định đối tượng cũng đạt được kết quả tốt hơn.
Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, cho biết: Hoạt động này cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là để đáp ứng yêu cầu của sự phối hợp, có nhiều điều kiện đặt ra, mà hoạt động trợ giúp pháp lý mặc dù đã cố gắng thực hiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể là nguồn lực đội ngũ cán bộ trợ giúp viên pháp lý, đội ngũ này phải có tính chuyên nghiệp cao hơn và nếu như chúng ta không đáp ứng được điều này sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng của hoạt động tố tụng.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, khó khăn lớn nhất là đối với những vụ án hình sự có sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý. Cụ thể là phải tham gia tố tụng từ đầu, đòi hỏi nhân viên trợ giúp pháp lý phải đáp ứng yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng trong tiến độ điều tra. Điều bắt buộc là người trợ giúp pháp lý phải có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là khi cơ quan điều tra làm việc với đương sự. Mà đương sự thì rất đa dạng, trong đó có trẻ em, người già. Có những vụ việc phải làm cả ban đêm. Trong khi đó nguồn nhân lực hạn chế nên việc thực hiện nhiệm vụ không gặp không ít khó khăn “Trực tại toà án là phương pháp làm mới, mục tiêu cuối cùng hướng đến là tất cả các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý đều được trợ giúp pháp lý một cách kịp thời, đầy đủ và toàn diện. Thời gian qua, mặc dù Cà Mau đã thực hiện khá tốt, nhưng vẫn còn khó khăn cần nhìn nhận là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý trực xuyên suốt tại toà khó đáp ứng do lực lượng này ở cơ sở còn khá mỏng. Kế đến là đội ngũ trợ giúp pháp lý không chỉ trực và làm nhiệm vụ chuyên môn mà còn phối hợp với cán bộ toà án hướng dẫn đối tượng, đương sự. Đội ngũ của của chúng ta hiện tại đủ năng lực để giải thích cho người dân hiểu và có chọn công cụ trợ giúp pháp lý hay không? Trên thực tế, người dân vẫn còn khá mơ hồ về vấn đề này, họ chưa thật sự hiểu và lựa chọn khi có những rủi ro liên quan đến pháp lý”, ông Phạm Quốc Sử chia sẻ.
Thông qua việc bố trợ giúp viên pháp lý trực tại toà, số lượng vụ việc được cơ quan trợ giúp pháp lý tiếp cận nhiều hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Thời gian qua, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh không những đảm bảo các quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí ở các đối tượng, mà thông qua công tác này đã góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý và Nhân dân tại địa phương. Rất nhiều giải pháp được triển khai thực hiện và việc bố trí trợ giúp viên pháp lý trực tại toà là một trong những giải pháp hiệu quả. Giải pháp này góp phần củng cố và nâng cao tính hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi phát sinh những rủi ro về pháp lý trong cuộc sống.
Văn Đum - Hoàng Vũ