(CMO) Năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó, xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.
Thông tin được nêu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành công thương, do Bộ Công thương tổ chức sáng ngày 9/1. Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau. |
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2021, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng; cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Cơ cấu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo trong xuất khẩu tiếp tục tăng từ 85,19% năm 2020 lên 86,24% năm 2021, hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại địch, phát triển công nghiệp. Có 48 địa phương có chỉ số IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): chỉ tiêu đánh giá tốc độ phát triển sản xuất ngành công nghiệp hàng tháng, quý, năm) tăng, chỉ có 15 địa phương có chỉ số IIP giảm so với năm 2020.
Trong điều kiện khó khăn, nhiều ngành đã nhanh chóng thích nghi với các điều kiện thị trường, đảm bảo duy trì sản xuất, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động. Cụ thể như ngành dệt may năm 2021 có kim ngạnh xuất khẩu toàn ngành ước đạt 32,74 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2020; ngành da-giày xuất khẩu có sự cải thiện so với năm 2020 khi kim ngạch xuất khẩu đạt 17,65 tỷ USD, tăng 4,9%.
Bộ Công thương nhận định, năm 2022, sản xuất công nghiệp sẽ gặp khó hơn nhiều so với năm 2021 do dịch Covid-19 đã lây lan, xâm nhập các khu công nghiệp, khu chế xuất đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Mục tiêu ngành công thương năm 2022 là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Một số chỉ tiêu cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; tổng kim nghạch xuất khẩu từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dung tăng khoảng 7-8% so với năm 2021…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của ngành công thương, nhấn mạnh ngành công nghiệp đã đạt nhiều kết quả quan trọng, thực hiện thành công "mục tiêu kép" mà Chính phủ đưa ra. Điển hình, ngành điện đã cung cấp đủ điện và đảm bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh của toàn ngành kinh tế; ngành dầu khí đã vượt khó thực hiện trọn vẹn mục tiêu phát triển sản xuất và chống dịch. Đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước với 75.400 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020…
Đặng Duẩn