ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 9-7-24 04:09:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Viết tiếp trang sử quê hương

Báo Cà Mau Ðầm Dơi, Cái Nước, Chà Là - những địa danh được tạc vào lịch sử bằng chuỗi chiến thắng liên hoàn tại Chi khu Ðầm Dơi - Cái Nước và cứ điểm Chà Là năm 1963. Tiếp nối truyền thống cách mạng, bao lớp người con vùng đất này quả cảm tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, góp máu xương cho ngày giải phóng. Hoà bình, thống nhất, những người lính ấy tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sống gương mẫu, nỗ lực phát triển kinh tế, hết lòng vì cộng đồng, chung tay xây dựng quê hương đổi mới.

Không khuất phục nghèo khó

Nhắc đến gia đình cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hồng (Ba Hồng), ở ấp Thị Tường B, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, người dân nơi đây đều bày tỏ thán phục, quý mến. Cha ông Hồng là liệt sĩ, mẹ là thương binh và 4 anh em ông đều là CCB. Năm 1965, ông Hồng 16 tuổi, tiếp bước cha anh tham gia kháng chiến ở Tiểu đoàn 306. Ðây là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ công tập kích tiêu diệt Chi khu Cái Nước, Chi khu Ðầm Dơi năm 1963.

Kể về đời binh nghiệp, mắt người thương binh Ba Hồng ánh lên niềm tự hào khi được góp sức vào trang sử quê hương. Ông không nhớ rõ mình cầm súng chiến đấu bao nhiêu trận, nhưng ác liệt nhất là năm 1969, suýt nữa là hy sinh. “Ðó là trận đánh đồn Phong Lạc, tôi bị trúng miểng đạn giữa trán xuống sống mũi, đang dưỡng thương ở căn cứ thì bị địch biệt kích, trúng thêm viên đạn ở đùi phải, tôi không còn sức chống trả, ngất trong rừng sậy, cũng may được quân y phát hiện, cứu chữa kịp thời”, ông Hồng nhớ lại. Sau đó ông Ba Hồng tham gia địa phương quân huyện Trần Văn Thời cho đến ngày giải phóng.

CCB Nguyễn Văn Hồng thường xuyên theo dõi tình trạng phát triển của ốc, để kịp thời xử lý nguồn nước, thức ăn hợp lý.

Không khuất phục nghèo khó, cùng với chuyên canh tôm - lúa, nhiều năm qua, ông Hồng còn kết hợp nuôi tôm càng xanh, nuôi cá kèo, mang lại giá trị kinh tế cao. Gần đây, người CCB này còn thử nghiệm nuôi và nhân giống thành công ốc bươu đen. Lúc đầu, ông Hồng chọn mua con giống từ môi trường tự nhiên ở các vùng ngọt hoá trong tỉnh. Sau 5 tháng nuôi, ông xuất bán một ít, phần giữ lại để cho ốc sinh sản. Khi ốc đẻ trứng, ông cho vào thùng xốp, đảm bảo độ ẩm cho trứng nở, tiếp tục cho vào dèo nuôi, bán ốc con tuỳ kích cỡ, giá từ 300-1.000 đồng/con.

CCB Ba Hồng chia sẻ, gần đây bà con đến mua ốc con về nuôi rất nhiều. Mô hình thích hợp nhân rộng, nhất là đối với những hộ có diện tích đất sản xuất nhỏ bởi chi phí đầu tư thấp, bà con có thể tận dụng mương vườn nhà, nguồn thức ăn dễ tìm là bèo cám, các loại lá cây, rau, củ, quả, đầu ra lại ổn định.

Hết lòng vì quê hương

Trên diện tích hơn 4 ha, CCB Lý Hoàng Phải ở ấp Kinh Lách, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, thực hiện mô hình tôm - lúa; quanh nhà thả nuôi le le, trích cồ, chim trĩ; đầu tư máy ấp trứng để nhân giống bán le le con, mang đến nguồn thu nhập khá.

CCB Lý Hoàng Phải cho biết: “Nuôi le le ít tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn có thể tận dụng lúa, cá, tép... Việc nhân giống cũng dễ dàng, tỷ lệ hao hụt thấp, giá trị kinh tế cao. Trên thị trường, le le giống (khoảng 2 tháng tuổi) có giá bán 1,5 triệu đồng/cặp, le le thịt 400 ngàn đồng/con”.

CCB Lý Hoàng Phải đầu tư máy ấp trứng, nhân giống le le bán với giá 1,5 triệu đồng/cặp.

CCB Lý Hoàng Phải từng tham gia du kích xã Hưng Mỹ. Sau năm 1975, ông kinh qua nhiều vị trí như Xã đội trưởng, Trưởng công an xã, Phó chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã, Chủ tịch Hội CCB xã. Ðến tháng 4/2022, CCB Lý Hoàng Phải được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ ấp Kinh Lách cho tới nay.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp, CCB Lý Hoàng Phải luôn tận tâm, gương mẫu, trách nhiệm, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể từng đảng viên để huy động sức mạnh toàn dân. Ông sâu sát địa bàn, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Ấp Kinh Lách có 228 hộ, đến nay chỉ còn 1 hộ nghèo, gia đình văn hoá đạt gần 94%, tạo không khí hoà thuận ở khu dân cư.

Ở huyện Ðầm Dơi, câu chuyện về người CCB bán từng ký ổi, mớ rau dành dụm tiền để mua đèn năng lượng treo ở các tuyến lộ nông thôn, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Ông là CCB Hồ Văn Thắng ở ấp Tân An Ninh A, xã Tạ An Khương Nam.

Ông Thắng từng tham gia du kích xã Ngọc Chánh. Về quê lập nghiệp từ gian khó, chắt chiu nuôi 5 người con học hành thành đạt. Nhiều năm qua, vợ chồng ông Thắng tích cực tham gia công tác an sinh xã hội ở địa phương, thường xuyên tặng quà Tết cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Gần đây, nhận thấy hiệu quả của mô hình ánh sáng đường quê, vợ chồng người CCB này bàn với nhau hỗ trợ đèn năng lượng, đến nay đã lắp được 62 cây (mỗi cây giá 2,2 triệu đồng). Bên cạnh đó, gia đình ông còn góp vốn đối ứng hơn 30 triệu đồng để xây cầu, xuất tiền phát quang cây cỏ mọc lấn lộ...

Vợ chồng CCB Hồ Văn Thắng chăm sóc vườn cây, tới mùa bán dành dụm tiền mua đèn năng lượng thắp sáng các tuyến lộ nông thôn.

Chia sẻ về việc làm của mình, CCB Hồ Văn Thắng bộc bạch: “Thấy bà con lưu thông thuận tiện, rủ nhau đi bộ rèn luyện sức khoẻ, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, vợ chồng tôi rất phấn khởi. Gia đình tôi bàn với nhau bán vài vụ ổi, sẽ lắp thêm đèn, để đường quê được thắp sáng”.

CCB Hồ Văn Thắng giữ nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, còn vợ ông, bà Trần Kim Nương, là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp hơn 20 năm qua. Ông bà luôn sâu sát nắm bắt hoàn cảnh hội viên, quan tâm giúp đỡ; đổi mới nội dung sinh hoạt chi hội, vận động xây dựng quỹ hội để giúp nhau giảm nghèo. Bằng uy tín, sự tận tâm, vợ chồng ông Thắng luôn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm từ Nhân dân, mọi phong trào đều được cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực, hiệu quả.

Với bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, hội viên CCB luôn hăng hái thi đua lao động sản xuất để tăng thu nhập; đồng thời tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Ðảng, chính quyền, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo./.

 

Mộng Thường

 

Thu nhập cao từ nuôi dúi

Là loài gặm nhấm, dễ nuôi, dễ chăm sóc, cho thu nhập ổn định, thời gian gần đây, mô hình nuôi dúi bắt đầu phát triển trên địa bàn tỉnh. Anh Phạm Ga Băng, ấp Công Ðiền, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời, đã và đang thành công với mô hình này.

Tín hiệu tích cực từ thu ngân sách

Mặc dù đối mặt không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, triển khai các giải pháp hiệu quả, kịp thời, công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tăng khá so với cùng kỳ.

Công cụ hiệu quả trong giảm nghèo và phát triển kinh tế

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển tín dụng chính sách tại Việt Nam. Sau 10 năm thực hiện, cùng với Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Xã khó khăn nỗ lực giảm nghèo

Nguyễn Phích là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hơn 8,3%. Nhằm nâng cao đời sống cho người dân, xã đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo.

Cần đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng ĐBSCL

“An ninh nguồn nước là vấn đề cấp bách, cần có giải pháp chủ động thông qua các giải pháp công trình, phi công trình, thích ứng biến đổi khí hậu, khi tình hình hạn hán trong thời gian qua đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt tại các tỉnh ĐBSCL, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, tiến độ phát triển của ĐBSCL”, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định tại Hội nghị điều phối vùng ĐBSCL lần thứ tư, tổ chức vào chiều 1/7 tại Cà Mau.

Ngư dân đồng hành bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Phần lớn ngư dân đánh bắt ven bờ ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, đã chuyển sang nghề khác để chung tay ngăn khai thác huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản (NLTS).

Chi hội trưởng tiêu biểu

Trong 13 năm gắn bó với công tác hội, chị Ðoàn Oanh Muội, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh, được đánh giá là cán bộ hội gương mẫu, tận tuỵ. Ngoài ra, chị còn là tấm gương về sự cần cù, siêng năng lao động sản xuất.

Ðịnh hình diện mạo cầu Gành Hào

Cầu Gành Hào (địa bàn xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi) là công trình quan trọng, điểm nhấn cuối trong trục hành lang kinh tế Ðông - Tây, từ Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) xuyên qua Phú Tân, Cái Nước, kéo dài đến Ðầm Dơi và sang thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu). Công trình trọng điểm này được tỉnh chọn là công trình chào mừng Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVII.

Người dân, doanh nghiệp cần chung lòng với chính quyền cải thiện chỉ số PCI, PGI

Các đơn vị, sở, ngành, địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị. Phải làm sâu rộng, quyết liệt hơn nữa, làm đến nơi đến chốn các giải pháp cải thiện chỉ số PCI, PGI. Đó là nhấn mạnh của ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, PGI) năm 2024 vào sáng 28/6.

Nuôi tôm bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Nêu lên hàng loạt những khó khăn thách thức ảnh hưởng đến nghề nuôi tôm tại địa phương và khu vực ĐBSCL, như: quy hoạch phát triển ngành tôm còn chậm, hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng nhu cầu; môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm…, tại Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi tôm bền vững giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Cà Mau vào sáng 28/6, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, cho rằng chính những tồn tại trên đã dẫn đến khả năng cạnh tranh của ngành tôm thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.