(CMO) Những năm trước đây, ngay sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, nông dân ở những vùng sản xuất 2 vụ lúa đã bắt tay ngay vào cày ải, phơi đất, chuẩn bị cho vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, năm nay thời tiết diễn biến bất thường, xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa, mặt đất ruộng còn mềm nên tiến độ cày ải, phơi đất của bà con chậm hơn so với mọi năm.
Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 35.270 ha; tập trung chủ yếu ở huyện Trần Văn Thời gần 29.000 ha, huyện U Minh 3.219 ha, Thới Bình 530 ha và TP Cà Mau 2.570 ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các cơn mưa trái mùa liên tiếp đã làm chậm tiến độ cày ải, phơi đất.
Theo báo cáo nhanh từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến nay, toàn tỉnh chỉ mới cày ải phơi đất được 21.107 ha, trong đó cày ải 21.062 ha, cày giòn 45 ha. Hiện nhiều diện tích đất của người dân vẫn chưa cày ải, trong khi đó mùa vụ gieo sạ đã bắt đầu.
Bà con nông dân huyện U Minh đang tích cực cày ải chuẩn bị cho vụ lúa hè thu. Ảnh: TRẦN THỂ |
Vào thời điểm này của những năm trước, ông Hồ Văn Thanh, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời đã tiến hành cày ải, phơi đất xong, chuẩn bị hoàn tất các công đoạn tiếp theo cho việc xuống giống vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, năm nay đến thời điểm này 1,5 ha đất của ông vẫn chưa cày ải được.
Ðể hạn chế rủi ro về dịch bệnh và thời tiết đến mức thấp nhất, Sở NN&PTNT hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa cho vụ lúa hè thu. Theo đó, thời gian gieo sạ đợt 1 từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 4 dương lịch, bằng phương pháp sạ khô, ở vùng đất gò cao, bằng hạt giống không ngâm ủ; hoặc sạ gát cải tiến, hạt giống chỉ ngâm ủ 1 đêm, chỉ nứt nanh.
Xuống giống đợt 2 từ đầu đến giữa tháng 5 dương lịch, bằng hạt giống ngâm ủ bình thường, nhưng phải bơm tát khô nước trên ruộng trước khi sạ ở những vùng đất còn lại. Cơ cấu các giống lúa nhóm A, đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, cứng cây, ít đổ ngã, có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu được nhiều loại sâu bệnh, năng suất cao, lúa đạt chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, đáp ứng thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. Nhóm lúa chất lượng cao như: ST24, ST25, Ðài Thơm 8... bố trí gieo sạ khoảng 10-15% diện tích, còn lại các giống OM5451, OM6162, OM18... bố trí sản xuất diện rộng khoảng 70-75% diện tích.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Việc cày ải, phơi đất sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp nông dân diệt được cỏ dại, làm đất tơi xốp, tăng độ màu mỡ, giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Ðặc biệt, tiêu diệt mầm bệnh gây hại cho cây lúa đang còn lưu truyền trong đất. Chính vì thế, chi cục đang tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân cày ải phơi đất ở những nơi có điều kiện. Những nơi không cày ải được chuyển sang cày giòn, cày nước và dọn vệ sinh đồng ruộng thật tốt trước khi gieo sạ".
Ðể kịp thời phục vụ cho bà con sản xuất vụ mùa, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã cung ứng 36,9 tấn lúa giống và hiện còn dự trữ gần 54 tấn để tiếp tục cung ứng bà con nông dân khi cần.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức cho biết thêm: "Nông dân trong tỉnh đã thu hoạch dứt điểm trà lúa đông xuân 35.244 ha, năng suất 6,24 tấn/ha, so với cùng kỳ cao hơn 0,09 tấn/ha. Với giá lúa tươi: ST24, ST25 từ 7.000-7.200 đồng/kg; các giống OM18, Ðài Thơm 8, OM5451 giá 6.100-6.700 đồng/kg cao hơn 900-1.100 đồng/kg so cùng kỳ, nông dân có lãi lớn nên phấn khởi bước vào vụ mùa mới./.
Trung Ðỉnh