(CMO) Những cơn mưa lớn cuối mùa trong những ngày qua làm gần 2.000 ha lúa thơm đặc sản ST24, ST25 sản xuất trên đất nuôi tôm của huyện Thới Bình bị đổ ngã, ngấm nước. Nông dân và chính quyền địa phương thiếu chủ động trong công tác chuẩn bị điều kiện cho thu hoạch khi gặp mưa, thêm tình trạng thiếu nhân công thu hoạch, phương tiện phơi sấy, gây thiệt hại khoảng 500 tấn lúa bị mọc mộng, ẩm bốc, dẫn dến tiêu thụ giá thấp.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thông tin: Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, toàn tỉnh xuống giống trên 37.738 ha, trong đó huyện Thới Bình 18.978 ha, huyện U Minh 15.460 ha, huyện Trần Văn Thời 2.320 ha, huyện Cái Nước 445,7 ha và TP Cà Mau 535 ha. Cơ cấu giống gồm: Nhóm giống lúa mùa (Một bụi đỏ, Một bụi lùn, Lùn Mẵn) diện tích 18.858 ha, chiếm 50%; nhóm giống lúa thơm đặc sản (ST24 và ST25) diện tích 11.399 ha, chiếm 30,5%; nhóm lúa chất lượng cao, trung bình (OM5451, OM 2517, BTE...) diện tích 7.471 ha, chiếm 19,5%.
Trên 80% diện tích phải thu hoạch thủ công
Dự kiến thời gian thu hoạch đợt 1 từ ngày 30/11 đến ngày 15/12/2022 với diện tích 22.873,5 ha, sản lượng 102.928 tấn. Thu hoạch đợt 2 từ ngày 25/12/2022 đến ngày 15/1/2023 với diện tích 14.865,2 ha, sản lượng 66.892 tấn.
Tính đến ngày 30/11, toàn tỉnh đã thu hoạch được 1.975 ha, năng suất bình quân 5 tấn/ha, chiếm 5,23 % diện tích, gồm tại huyện Thới Bình 1.910 ha, TP Cà Mau 40 ha, huyện Trần Văn Thời 19 ha, huyện Cái Nước 6 ha. Diện tích giai đoạn trổ - chín 20.898,5 ha, giai đoạn làm đòng - trổ 14.685,2 ha. Giá lúa dao động từ 5.500-7.000 đồng/kg (tùy thuộc vào độ ẩm), riêng lúa cắt bằng máy giá 8.000 đồng/kg.
Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, toàn tỉnh xuống giống trên 37.700 ha.
Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại huyện Thới Bình có một số diện tích (khoảng gần 2.000 ha) lúa ST24, ST25 xuống giống sớm hơn lịch thời vụ khuyến cáo của Sở NN&PTNT, lúa đã chín sớm hơn lịch dự kiến 10-15 ngày nên khi thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn do những cơn mưa lớn cuối mùa làm lúa bị đổ ngã, ngấm nước, ảnh hưởng năng suất và chất lượng nông sản sau thu hoạch. Đặc biệt, những ngày gần đây xảy ra vụ việc một công ty vốn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã từ chối thu mua lúa của bà con nông dân tại huyện Thới Bình với lý do đưa ra là lúa không đủ chuẩn, dù vụ việc đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết và công ty này tiếp tục thu mua lúa theo hợp đồng đã ký kết, song bước đầu cũng đã gây thiệt hại cho nông dân do khâu bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế.
Ông Thức thông tin thêm: “Mùa vụ năm nay, cơ cấu giống lúa thơm đặc sản phát triển quá nhanh, diện tích canh tác giống lúa ST24, ST25 là 11.399 ha, chiếm 30,5%, trong đó diện tích liên kết bao tiêu khoảng 5.000 ha, chiếm khoảng 50%, còn lại diện tích chưa có liên kết bao tiêu; thêm nữa, các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh diện tích canh tác lúa ST24, ST25 tăng cao, nên việc tiêu thụ rất khó khăn. Bên cạnh đó, giống lúa ST24, ST25 là các giống lúa có yêu cầu nghiêm ngặt trong khâu thu hoạch hơn các giống khác: bảo đảm rút nước trước thu hoạch và phải được phơi sấy trong vòng 24 giờ sau khi thu hoạch”.
Ông Thức lý giải, việc áp dụng cơ giới trong thu hoạch lúa tôm còn nhiều khó khăn, diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp rất ít, chỉ chiếm 18% diện tích; trên 80% diện tích còn lại là thu hoạch thủ công bằng tay nên tiến độ thu hoạch bị chậm, không bảo đảm chất lượng hạt lúa sau khi thu hoạch (nhất là giống lúa thơm ST24, ST25). Đặc biệt, khâu vận chuyển lúa hầu hết bằng đường thủy, một số ít đường bộ bị hẹp, cầu trọng tải thấp, hệ thống kinh rạch nhiều, độ thông thuyền thấp, các phương tiện vận tải lớn thu mua không di chuyển được (chỉ có ghe 20-30 tấn) nên làm phát sinh chi phí và thời vận chuyển kéo dài.
“Mặt khác, năng lực quản lý, tổ chức sản xuất của các HTX còn hạn chế, nhất là sắp xếp việc thu hoạch tiêu thụ lúa chưa chặt chẽ, chưa huy động được nhân công, máy suốt chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng lúa hàng hóa đối với doanh nghiệp liên kết tiêu thụ số lượng lớn; việc liên kết của HTX với hộ sản xuất bên ngoài HTX có những vấn đề chưa được thống nhất, chưa có sự chia sẻ khó khăn, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong khâu tiêu thụ, gây nhiều thiệt hại cho người dân”, ông Thức phân tích thêm.
Sản xuất lúa - tôm là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, đã chứng minh tính hiệu quả bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tập trung máy móc, nhân lực hỗ trợ nông dân
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương xuống cơ sở tổ chức sắp xếp việc thu hoạch, tập trung máy móc, nhân lực thu hoạch nhanh diện tích lúa tôm đã chín. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, HTX khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển lúa tôm đảm bảo chất lượng, hạn chế thiệt hại do thời tiết. Theo dõi, cập nhật kịp thời tình hình thời tiết và thông báo, hướng dẫn nông dân để chủ động cho khâu thu hoạch lúa tôm.
Với những địa bàn có điều kiện cắt lúa bằng máy, phối hợp với các dịch vụ thu hoạch lúa điều chuyển máy gặt đập liên hợp từ các vùng khác (vùng chuyên lúa huyện Trần văn Thời, TP Cà Mau) để hỗ trợ thu hoạch ngay diện tích lúa chín. Đối những vùng chỉ thu hoạch bằng thủ công (cắt tay), huy động lực lượng nhân công lao động địa phương đẩy nhanh thu hoạch khi thời tiết nắng thuận lợi. Đồng thời, rà soát toàn bộ lượng máy suốt, điều tiết ưu tiên cho những vùng thu hoạch trước. Cho nông dân đăng ký để lập lịch điều hành phương tiện cắt, suốt, bảo quản trong thời gian ngắn nhất để tránh tình trạng lúa bị ẩm, giảm chất lượng. Rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở xay xát, phơi sấy lúa trong địa bàn tỉnh tăng công suất sấy lúa. Kết nối các thương lái, doanh nghiệp thu mua đến cơ sở sấy lúa để khắc phục lúa bị ướt, độ ẩm cao.
Đồng thời, tiếp tục mời gọi thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến thu mua lúa cho nông dân ở các địa phương, đặc biệt những vùng lúa được thu hoạch sớm. Tập trung chỉ đạo khâu liên kết tiêu thụ lúa ở các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thương lái và nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thương lái tiếp cận địa bàn thu mua; kiểm soát việc mua bán một cách khách quan, tránh tình trạng canh tranh không lành mạnh.
“Về lâu dài, tổ chức lại sản xuất các vùng canh tác lúa tôm, quy hoạch, phân vùng xác định những vùng đủ điều kiện bố trí tổ chức sản xuất tốt nhất từ khâu bố trí mùa vụ sản xuất, cơ cấu giống lúa, thu hoạch đến hệ thống thủy lợi, giao thông đảm bảo. Đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ gắn với hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo sản xuất lúa tôm an toàn, đạt kết quả, tránh rủi ro, hạn chế thiệt hại do thời tiết. Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa đồng ruộng, đặc biệt nghiên cứu ứng dụng máy gặt đập liên hợp cho các vùng khó khăn (vùng đất trũng, mềm yếu, cắt lúa bằng tay) để giải quyết thiếu nhân công lao động nông thôn, giảm chi phí sản xuất; hỗ trợ xây dựng các lò sấy nhỏ đạt tiêu chuẩn, khắc phục tình trạng bất lợi của thời tiết, giúp nông dân chủ động phơi sấy, nâng cao được chất lượng lúa tôm”, ông Quân nói./.
Trung Đỉnh