(CMO) Tuyến đường kênh Tạm Cấp hướng về Vườn Sài, nối Ấp 5, xã Khánh Bình Ðông với các tuyến khác trong xã vừa hoàn thành tạo mối liên thông, hứa hẹn vực dậy vùng quê thuần nông. Từ Vườn Sài, qua ngã ba Tám Chánh về Rạch Nhum, những hàng rào bông trang thẳng tắp, bén rễ. Thoạt nhìn quang cảnh, ít ai nghĩ cách nay 3 tháng cả khu vực này chìm trong nước hơn 20 ngày ròng rã.
Đón khách lạ giữa trưa rằm tháng Chạp, anh Phạm Minh Chiếm (Ấp 4, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời) hồ hởi: “Nãy giờ trên đường vô đây, mấy chú thấy sao? Lúa phát mê hông?”. Rồi anh Chiếm như được “khai khẩu”, ảnh kể hết một lượt những người mà chúng tôi “phỏng vấn” trong vụ ngập úng hy hữu hồi nửa cuối tháng 9/2020.
Cả 8 hộ mà anh Chiếm liệt kê, thấy vụ mùa mới sau thiên tai ai cũng khởi sắc. Riêng chỉ buồn cho chị Phạm Thị Út, mảnh ruộng thuê liền kề bên ruộng anh Chiếm, sau lần lúa ngập và mọi nỗ lực “cứu lúa”, nhưng vụ mùa hè thu không vớt vát được phần nào. Chị đã cùng gia đình cả thảy 3 nhân khẩu đi lao động ngoài tỉnh.
Anh Chiếm thông tin: “Lúa nó suốt xong là kêu bán liền. Chưa kịp lấy tiền là nó đã đi. Bữa thương lái mang tiền đến trả, nó điện về biểu tui nhận giùm rồi gởi lên cho vợ chồng nó. "Dị" mới biết, cả vụ lúa mà vợ chồng nó dồn hết hy vọng giờ chỉ bán được 6 triệu đồng. Nó không đi “Bình Dương” thì khó mong trả hết nợ vật tư, nợ tiền thuê…”.
Ðể chuẩn bị cho vụ đông xuân, hòng tránh những tác hại của thiên tai, Nhà nước đã đưa cơ giới múc đất dưới lòng kênh rồi đắp kè ra hai bên mép đường thành một bờ ngăn nước cao hơn mực nước ngập vừa rồi. Anh Chiếm cho hay, riêng tuyến từ ngã ba Tám Chánh về Rạch Nhum hơn 2,5 km của Ấp 4 chi phí đào đắp trên 52 triệu đồng, chủ xáng cuốc đã mấy lần liên hệ để hoàn tất thủ tục và gom tiền thuê.
Vòng qua Rạch Nhum, xã Khánh Bình Ðông, men theo những con đường quê thông suốt về Kinh Hội, Chống Mỹ, xã Khánh Bình. Hai bên đường đi xanh ngắt màu lúa và thơm nức mùi đòng đòng. Không giấu được niềm vui, lão nông Phạm Văn Minh (Tám Minh), năm nay 73 tuổi, ở ấp Chống Mỹ, xã Khánh Bình đưa tay về phía cánh đồng sau nhà mà khề khà: “Lúa ST24 đó. Nó mới vừa trổ lác đác, nhìn mấy bông lúa non dài ngoằng mà phát ham. Cả cánh đồng mấy trăm công đất này năm nay ruộng nào cũng phơi phới”.
Anh Dương Minh Sang, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình, cho hay, vùng đất ở Kinh Hội, Chống Mỹ xưa là đất “nghèo” ở Khánh Bình, nhưng nay đã chuyển mình. Giờ cả vùng của 2 ấp Chống Mỹ và Kinh Hội đều không còn hộ nghèo. Và vụ lúa năm nay ai cũng phấn khởi.
Lúa tốt, trong lòng những người bám miết với cây lúa đang “phơi phới” đón chờ vụ thu hoạch ra Giêng. Nhưng niềm vui lớn nhất có lẽ là giá và các điều kiện thuận lợi khác đang diễn ra. Anh Chiếm nói như khoe: “Lúa mới trổ đòng mà đã có thương lái vào nhà gạ giá, đặt cọc. Có nhiều bà con xóm này nhận cọc với giá từ 6.000-7.500 đồng/kg, tuỳ theo giống lúa: 5451, Ðài thơm, Hương châu 6, ST24…”.
Trong câu chuyện của anh Chiếm, ông Tám Minh và những hộ nông dân trồng lúa ở khu vực Khánh Bình, Khánh Bình Ðông bừng lên niềm vui như để bù đắp những mất mát. “Chú thấy đó, tới giờ lúa đã 59 ngày tuổi, mừng lắm vì chưa phải phun thuốc trị bệnh”.
Niềm vui của lão điền Bảy Tòng và Tám Minh ở Khánh Bình. |
Chúng tôi rời Rạch Nhum, lần này không như tâm trạng của chuyến đi cách nay 3 tháng. Vậy là vụ mùa, mà theo kinh nghiệm của nông dân, "ăn chắc" đang dần thành hiện thực. Tính theo tuổi lúa, năm nay trà lúa khắp cánh đồng này sẽ vào đợt ngậm sữa ngay dịp Tết, báo hiệu một mùa xuân no ấm./.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa đông xuân năm nay, toàn tỉnh xuống giống trên 35.700 ha, trong đó huyện Trần Văn Thời gần 29.000 ha, đạt 98,9% kế hoạch so với cùng kỳ. Riêng ở TP Cà Mau đã có 40 ha thu hoạch, năng suất đạt trên 5,3 tấn/ha. Giá lúa tươi từ 6.500 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 1.000-1.500 đồng/kg. |
Phong Phú