Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.
- Những địa chỉ thiêng liêng
- Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa
- Món quà nghĩa tình tri ân mẹ
- Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân
Hôm ấy, chú cháu tôi gặp cụ tại nhà ông Nguyễn Văn Long (63 tuổi, hàng xóm của cụ) ở Khóm 2, thị trấn Thới Bình. Nếu không được thông tin trước, tôi nghĩ ông cụ tuổi chỉ độ ngoài 70. Dáng ông nhanh nhẹn, giọng nói rất rõ ràng, mạch lạc. Ông giới thiệu tên mình là Huỳnh Văn Tứ (Bảy Tứ), sinh năm 1927. Tôi nhẩm tính rồi giật mình, thì ra cụ đã 97 tuổi.
Cụ Huỳnh Văn Tứ (bìa phải) kể về chuyện thảm sát ở Cái Sắn, cách nay gần 80 năm.
Quả đúng như lời ông Hai Quang, cụ nhớ rất nhiều chuyện xưa và kể làu làu mà không cần vỗ đầu, bóp trán lục tìm trong trí nhớ như nhiều người cùng độ tuổi (hiếm người còn sống và còn nhớ). Xin ghi lại dưới đây câu chuyện về vụ thảm sát ở Cái Sắn qua trí nhớ của cụ Huỳnh Văn Tứ:
“...Năm 1945, Pháp thua, Nhật bại, mình thành lập đơn vị Vệ quốc đoàn; một người tên Muốn chỉ huy đơn vị ở Thới Bình, hay gọi là “bộ đội anh Muốn”. Khi ghé nhà tôi, tôi nhìn tới nhìn lui không thấy cây súng nào, toàn nóp, giáo, xà beng... Tôi nghĩ trong bụng, Vệ quốc đoàn của Việt Minh mà không có súng rồi sao đánh giặc được”.
“Lúc đó tôi là thanh niên, chưa được 20 tuổi, nhà tôi ở Rạch Ông, cũng thuộc thị trấn Thới Bình hiện nay. Tính tôi hay tò mò, tìm hiểu chuyện này chuyện nọ nên biết và nhớ...”, ông phân trần, rồi kể tiếp:
“Năm 1946, Pháp trở lại đóng đồn ở Tân Bằng. Lúc này, theo tôi nghĩ, Pháp cũng kiệt quệ rồi. Ðồn ở Tân Bằng độ mười mấy thằng, đa số lính người dân tộc Khmer và người Việt, thằng sếp là người Pháp.
Bộ đội anh Muốn cũng đánh mưu đánh kế dữ lắm. Hồi đó có ông Mười Muối, gốc Ngã Năm - Phụng Hiệp, biết tiếng Pháp, được cài vô làm thông ngôn cho thằng sếp đồn Tân Bằng. Ông Mười Muối về báo cáo là thằng sếp này rất háo sắc.
Lúc bấy giờ ở Thới Bình có bà Trịnh Thị Hai rất đẹp, con ông Trịnh Văn Khiếm. Mình động viên bà và gia đình chấp nhận vì lợi ích chung mà hy sinh, cho bà vô đồn dùng mỹ nhân kế dụ thằng đồn trưởng để mình lấy súng trang bị cho bộ đội.
Cũng nói thêm, tôi với bà Trịnh Thị Hai là cô cậu ruột, bà già tôi thứ Tám, ông già bà Hai thứ Bảy.
Hôm ấy, bà Hai nói với thằng sếp bữa nay cho đám lính nhậu nhẹt một bữa, thấy tụi nó kham khổ quá. Và hắn đồng ý.
Kế đó, có mấy xuồng bơi từ trong rừng ra bán lươn, bán rau muống, mỗi xuồng hai người. Ðược cho phép, mấy thằng lính kêu xuồng ghé lại, rồi nạnh thằng nào thằng nấy xuống xuồng lựa bắt lươn. Lươn trơn, tụi nó bắt cứ bị tuột xuống sông nên mấy người bán kêu kéo xuồng lên ngang lộ cho dễ bắt. Xuồng kéo lên rồi, tụi nó xúm lại bắt tiếp. Lúc đó người mình lọt vô đồn hồi nào không biết, kết hợp với ông Mười Muối ở trỏng hô lên “Việt Minh tới”, rồi kêu mấy thằng lính đầu hàng, bắt trói lại. Một số thằng chạy lên lấy súng, nhưng ông Mười Muối đã đứng tại đó, cầm cây tiểu liên biểu giơ tay lên ngay. Vậy là trói hết bọn chúng. Thằng sếp thì bị bà Hai rút dao đâm chết tại chỗ.
Hôm sau, đồn Thới Bình hay, thông tin ra Cà Mau rồi kết hợp chạy thẳng vô đồn Tân Bằng. Ðồn bây giờ vắng tanh, tù binh bị bắt đi hết, thằng sếp cũng được kéo đi dập xác sau đồn. Dân ở chợ Tân Bằng và dọc dài theo khúc xóm đó di tản hết. Bọn chúng móc thây thằng Pháp chở về. Trên đường về, chạy ngang thấy ông già chở xuồng choại đi bán, bọn chúng rề tàu lại, bắn ông già chết ngay tại chỗ không cần hỏi gì.
Sau này nghe nói, khi bọn chúng tới đồn, thấy còn bó choại khô nên đoán là mình đã dùng dây choại để trói đám lính. Khi về gặp ông già với xuồng choại, nó nghi ông là người cung cấp dây choại nên xả súng bắn.
Trước đây ở rạch Cái Sắn, mỗi lần Pháp vô càn, nhà nào cũng đưa trẻ em, phụ nữ, thanh niên đi di tản, mỗi nhà chừa lại một người, thường là ông già hoặc đàn ông là chủ gia đình. Như vậy thì nó không bắt bớ, không đốt nhà, chỉ đốt những nhà không có người. Lần này mọi người nghĩ, đánh đồn trong Tân Bằng còn mình ở Cái Sắn cách xa, chắc không sao, nên cũng để một người đàn ông ở lại.
Nhưng không ngờ, trên đường chúng rút về Thới Bình, từ đầu kênh Số 6 về Cái Sắn khoảng 2 cây số, chúng càn quét, đốt nhà, xả súng bắn giết người hết sức dã man. Trận thảm sát này, cả thảy từ đầu đến cuối vàm Cái Sắn có 23 người chết. Ðau thương, tang tóc bao trùm làng xóm...”.
Từng chứng kiến bao mất mát của chiến tranh, nhưng có lẽ sự kiện này luôn làm ông Bảy Tứ ám ảnh, giọng ông cụ lặng đi và nỗi xót xa tràn dâng lên đôi mắt.
Ông cụ cũng cho biết, bà Trịnh Thị Hai về sau sinh sống ở Tây Ninh. Bà có 2 người con trai hy sinh, được truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Sau này bà có về làm báo công, ông chính là người hướng dẫn. Bà đã mất và chôn cất ở Tây Ninh.
Lật tìm lại lịch sử (Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Cà Mau; Lịch sử 30 năm kháng chiến của quân dân Cà Mau 1945-1975... và một số tài liệu), được biết thêm, sự kiện đánh đồn Tân Bằng diễn ra vào ngày 21/9/1946, còn vụ thảm sát ở Cái Sắn vào trưa ngày 23/9/1946 (sau đó 2 ngày).
Ðể đánh đồn Tân Bằng, Quân khu 9 chịu trách nhiệm về lực lượng, có sự chi viện trực tiếp của phân đội Vệ quốc đoàn; Chi bộ Thới Bình có nhiệm vụ xây dựng lực lượng cơ sở, đưa người vào đồn, gồm bà Trịnh Thị Hai và ông Mười Muối (Ðặng Kim Tòng).
Việc tiêu diệt đồn Tân Bằng không chỉ là chiến thắng mở màn trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp của tỉnh Bạc Liêu (nay là Cà Mau, Bạc Liêu) mà còn thu được vũ khí trang bị cho bộ đội (thu được 30 súng, hơn 5 ngàn viên đạn và lựu đạn). Với chiến thắng này, ta đã giải phóng tuyến Sông Trẹm từ Thới Bình ra đến biển, đồng thời nối liền vùng căn cứ U Minh Thượng với U Minh Hạ.
Ðịa điểm trận thảm sát của thực dân Pháp tại kênh Cái Sắn, hiện thuộc ấp Xóm Mới, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình. Ngày 7/11/2016, UBND tỉnh Cà Mau đã có quyết định xếp hạng nơi này là Di tích Lịch sử cấp tỉnh và xây dựng bia di tích.
Bia di tích địa điểm thảm sát Cái Sắn, ấp Xóm Mới, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình.
Trong các quyển lịch sử địa phương và các tài liệu, chưa thấy nêu chi tiết sự việc này. Câu chuyện kể từ cụ Huỳnh Văn Tứ thiết nghĩ cũng là nguồn tư liệu quý để tham khảo, nghiên cứu, hiểu thêm về sự kiện.
Với ông Huỳnh Văn Tứ, về sau tham gia công tác cách mạng, đảm nhận một số nhiệm vụ. Sau giải phóng ông về phát triển kinh tế gia đình, nhờ làm giỏi, tính toán hay, nhà ông mua được nhiều trâu, nhiều ruộng đất và thuộc hàng khá giả, nhiều người trọng nể.
Có lẽ ông trời đã phú cho ông trí nhớ tuyệt vời và một sức khoẻ dẻo dai. Ông Nguyễn Văn Long kể, vì ông nhớ rất nhiều chuyện, nên trước đây những cán bộ lãnh đạo ở huyện biết ông hay hỏi thăm ông về chuyện nọ chuyện kia thời trước đó. Ông cũng rành về nguồn gốc đất đai qua nhiều thời kỳ nên hay được mời làm chứng trong việc giải quyết các vụ tranh chấp đất đai.
“Cả năm nay, đêm nào tôi cũng ngồi uống trà cùng chú Bảy và nghe chú kể chuyện xưa, có đêm tới 1-2 giờ sáng. Nhờ đó mình biết được rất nhiều chuyện nơi mình đang sống mà trước giờ không nghe ai nói”, ông Nguyễn Văn Long tâm đắc.
Ông cụ thì phàn nàn, giới trẻ bây giờ ít chịu tìm hiểu chuyện xưa, gốc tích, ông sợ nhiều chuyện rồi sẽ mãi theo mình về với đất. Thế nên có người chịu nghe, ông rất hào hứng kể. Vậy là đêm đêm bên chung trà, một già một trẻ trở thành bạn tri kỷ và câu chuyện về đất, về người của quê hương xứ sở cứ thế nối dài...
Trang Thăm