Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.
Trong cảm xúc vừa bất ngờ, vừa bồi hồi, chúng tôi đứng quanh ngôi mộ, nhìn nhau không nói một câu nào. Bằng niềm biết ơn chân thành, mỗi người một việc, người lặng lẽ thắp hương, người lấy điện thoại chụp tấm ảnh lưu niệm, người thì ngồi trầm tư, đốt một điếu thuốc cắm lên lư hương mộ phần. Khung cảnh ấy ngỡ như một cuộc hội ngộ của những người đồng hương lâu ngày gặp lại dù đôi đường âm dương cách biệt.
Tuổi xuân gửi lại nơi chiến trường
Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh xuất thân từ gia đình nông dân yêu nước, là con trai một, căm hận trước cảnh giặc Pháp giết cha, chiến tranh loạn lạc, nợ nước thù nhà đã thôi thúc ông lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Theo lời gia đình kể lại, năm 1945, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Xinh dẫn theo 4 đứa con rời xa quê hương ra Thủ đô Hà Nội học tập, chiến đấu. Ban đầu, chuyến đi dự định chỉ 8 tháng sẽ về lại miền Nam, nơi quê nhà vợ ông cùng người con gái út mòn mỏi chờ đợi. Mãi đến năm 1975, chỉ còn 3 người con trở về, ông Xinh và người con trai thứ 4 đã ra đi mãi mãi.
Hơn 70 năm trôi qua, bà Nguyễn Kim Dung vẫn chưa một lần gặp mặt cha mình.
Hơn 30 năm, người chiến sĩ cách mạng ấy đã hoạt động khắp các chiến trường từ Nam chí Bắc; vào tháng 4/1975, trong không khí sục sôi khí thế thống nhất đất nước thì ông đã hy sinh tại Ðường 9 Nam Lào. Tiếp bước truyền thống cách mạng của gia đình, 4 người con theo ông (gồm 3 trai, 1 gái) tích cực tham gia kháng chiến. Trong đó, người con trai thứ 4 - Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Vinh cũng đã nằm lại nơi đất mẹ, được chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Cần Thơ.
Hạnh phúc khi cha nằm ở vùng đất thiêng
Khi biết tôi đã có dịp đến viếng mộ Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh tại Quảng Trị, bà Nguyễn Kim Dung (ngụ Ấp 8, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình), người con gái út trong gia đình, đã vô cùng mừng rỡ, liên tục hỏi tôi về nơi cha mình đã yên nghỉ ra sao. Sâu thẳm trong cõi lòng, khát khao lớn nhất của bà là được một lần thăm lại mộ phần của đấng sinh thành dù giờ đây mái tóc đã pha sương.
Mộ phần Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị).
“Năm cha đi, tôi vẫn còn trong bụng mẹ, những câu chuyện về cha cũng chỉ được nghe qua lời mẹ kể. Vì là gia đình cách mạng, thời điểm đó giặc vào nhà bắt bớ, bỏ tù mẹ tôi suốt 1 năm trời. Bọn chúng dùng nhiều cách tra tấn dã man nhằm để mẹ tôi thừa nhận là nhà có Việt cộng, nhưng bà nhất quyết không khai một lời. Ðường sá xa xôi cách trở, đến giờ tôi vẫn chưa một lần ra thăm mộ cha. Bây giờ tuổi cao sức yếu, nếu đi được tôi cũng không đi nổi nữa, nhưng gia đình cũng yên tâm khi ông được chôn cất ở nghĩa trang lớn của đất nước. Nhiều năm trước, có mấy anh cán bộ ở huyện Thới Bình đi ra ngoài đó cũng tới thắp hương, chụp hình kỷ niệm gửi cho gia đình xem”, bà Dung xúc động.
Theo bà Dung, những ngày ở mặt trận ông luôn gửi thư về nhà để hỏi thăm vợ con, nhưng rồi cuộc chiến càng ác liệt, những lá thư cứ thế càng ít đi, khi đất nước giải phóng gia đình nuốt nước mắt nhận được lá thư báo tử.
“Khi cha tôi hy sinh, do không có thân nhân nên khi chôn cất trên bia mộ ghi là Liệt sĩ Nguyễn Văn Xinh, nhưng tên thật của ông là Nguyễn Ngọc Xinh, nếu có thể sửa lại đúng tên thì gia đình mừng lắm. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chính quyền địa phương đều đến thăm hỏi, tặng quà gia đình”, bà Dung bày tỏ.
Căn nhà nhỏ nằm bên dòng kênh xanh thẳm của quê hương Tân Lộc, ở nơi đó hằng ngày các thế hệ con cháu vẫn hương khói ấm cúng cho 2 liệt sĩ và 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ghi nhận những đóng góp to lớn, hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mẹ Trần Kim Hoa (vợ Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2014.
Những hành trình dài hơn ngàn cây số dẫu không đến được, những cuộc đoàn tụ giờ chỉ còn là nỗi khát khao. Cất lại nỗi nhớ thương sâu trong trái tim, gia đình bà Dung cũng như hàng triệu gia đình có người thân đi kháng chiến trên dải đất hình chữ S vẫn luôn tự hào khi thế hệ cha, anh của mình đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và hậu thế mai sau vẫn mãi tưởng nhớ, tri ân công lao những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc./.
Hữu Nghĩa