(CMO) Ngoảnh lại đã gần 50 cái Tết tôi xa nơi tuổi thanh xuân của mình và bao đồng đội đã gắn bó một thời đạn bom, xa những người đã cưu mang, đùm bọc chúng tôi mặc dù họ không cùng máu mủ, họ hàng. Nhờ tình yêu thương đó mà chúng tôi vượt qua bao khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó cho những người lính, được bà con gọi với cái tên trìu mến: Anh giải phóng quân!
Minh hoạ: Minh Tấn |
Năm nào cũng vậy, chúng tôi gồm những người lính già rủ nhau trở về nhà bác Chín bên dòng kênh hiền hoà ở vùng quê nằm về phía rừng U Minh Hạ. Nơi đó đã cất giữ biết bao kỷ niệm của tuổi trẻ bọn tôi và cũng là nơi để chúng tôi tri ân bà con bên dòng kênh thơ mộng này.
Sau hơn 40 năm, cảnh cũ đã đổi thay, người xưa không còn nữa, vậy mà mỗi lần trở lại mái nhà xưa thì ký ức cũng kéo nhau về. Nhà bác Chín bây giờ do người con trai út ở, cũng là nơi thờ tự hai người ơn của chúng tôi. Nhà được xây mới, khoảng sân rộng ngày xưa có tàn hai cây vú sữa che mát, nay là một vườn hoa kiểng. Tết đến, hoa mai chiếm phần chủ đạo với màu vàng rực rỡ, những loại hoa khác cũng chen nhau khoe sắc.
Mới bước tới hàng rào dâm bụt đã nghe tiếng Út Thêm đon đả:
- Ui trời! Năm nay mấy anh chị về sớm hen. Nhìn ai cũng khoẻ, em mừng hết sức!
Tôi lên tiếng trước:
- Mấy anh chị “quy định” đứa nào bệnh hoạn gì thì bệnh trước đi nghen, Tết phải khoẻ để về ăn Tết với bác Chín đó!
Tiếng cười rôm rả, tay bắt mặt mừng. Ðặt hoa quả lên bàn thờ hai bác, chúng tôi thắp hương thành kính tưởng niệm mà nghe trong lòng xúc động trào dâng. Rồi sau đó những câu chuyện nối tiếp nhau gần như không dứt, ai cũng nhớ về gia đình này với lòng thương yêu, kính trọng.
Bác Chín trai nguyên là vệ quốc đoàn, sau năm 1954 bác về công tác ở địa phương và lao động sản xuất tạo cuộc sống cho gia đình. Sáu người con lần lượt ra đời, lớn lên các anh chị cũng tham gia cách mạng và gia đình bác lại có thêm hai chàng rể là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Mỗi người công tác mỗi đơn vị khác nhau, ở nhà còn hai ông bà và cậu con trai út (tên Út Thêm gắn với ước nguyện của ông bà là có thêm của cải, thêm sức khoẻ để gia đình bớt vất vả khi phải vừa chạy giặc, vừa mưu sinh).
Tuy đơn chiếc là vậy nhưng nhà bác Chín luôn là điểm hẹn, nơi đây không chỉ là chỗ dừng chân của bộ đội, mà các cơ quan dân chính đảng từ tỉnh đến huyện cũng ghé mỗi khi có dịp đi ngang. Từng đoàn xuồng ba lá, hết đợt này đến đợt khác ghé vô. Bến đậu nhà bác Chín là con mương dài, rộng cặp hông nhà, dưới bóng dừa cao che mát, vừa ẩn được tầm nhìn từ máy bay của địch, vừa không cản trở việc đi lại trên dòng kênh. Vì sao anh em chúng tôi chọn nơi đây làm nơi tạm nghỉ? Trước hết là tình cảm của hai bác dành cho những người kháng chiến nói chung, bộ đội nói riêng. Mỗi lần ghé nhà bác Chín ai cũng cảm thấy ấm áp, gần gũi như chính ngôi nhà của mình và được ở bên cha mẹ vậy. Ðâu chỉ có gia đình bác Chín, bà con hai bên bờ kênh cũng sẵn lòng đón tiếp khi chúng tôi tá túc, nghỉ ngơi trên đường công tác.
Dịp Tết, anh em tôi nếu không tập trung vào chiến dịch thì nhất định phải có một ngày ăn Tết tại đây. Bác Chín gái nhanh nhẹn, vui vẻ lại rất khéo léo trong chuyện bếp núc, nhất là tài làm bánh. 25 âm lịch là ngày đưa ông bà, củi khô được chuẩn bị sẵn để luộc bánh tét, hấp bánh ít, bánh bò; còn than để nướng bánh bông lan, bánh kẹp… Vì vậy, mấy cái lò đất trong gian bếp nhà sau đâu được “ở không” ngày nào. Bác Chín gái còn làm các loại mứt từ “cây nhà lá vườn”, chuẩn bị luôn thức ăn truyền thống của quê hương nữa. Thương hơn là các chị, các cô láng giềng cũng tới phụ một tay để có đủ bánh mứt, món ngon, chờ đám con “người dưng” về đây ăn Tết. Bác còn nhớ cả món yêu thích của bọn tôi và nhớ luôn những khác biệt của vài đứa.
Trong câu chuyện ngày hôm nay, thỉnh thoảng anh Út Thêm chen vô một câu làm chúng tôi hồi tưởng rõ ràng về gương mặt, nụ cười của bác Chín. Út Thêm nhắc lại lời bác gái hay nói: "Thằng Quân nó thích mắm kho nhưng lại không ăn nước mắm biển, ăn cá nướng trui nó chấm muối ớt thôi! Thằng Hùng thì mê canh chua cơm mẻ nấu cá sặt với đọt choại. Riêng con Nga thì dị ứng với ong non, nó ăn gỏi ong là mề đay nổi đầy mình…".
Út Thêm nhắc đến đây, mắt tôi cay cay vì chợt nhớ Quân và Hùng, sau trận đánh vào thị trấn năm 1973, tụi nó không về nữa!
Nhớ ba thằng trên chiếc xuồng be bảy, thỉnh thoảng cười rộ lên bởi câu pha trò nào đó chọc ghẹo thằng Quân hôm nó tranh thủ gặp người yêu.
- Ê Quân! Tết năm sau mày nhớ mời tụi tao ăn thôi nôi thằng “lính con” của mày nghen!
- Coi chừng hổng phải một thằng, mà là nhiều thằng. Tao thấy nó quen mấy em lận đó!
Nói rồi còn ra dấu thể hiện tình cảm của hai người, làm cho chiếc xuồng be bảy tròng trành, xuýt bị vô nước. Thế là Quân phản pháo, khai tất tần tật thói hư tật xấu của hai đứa tôi để… trả thù!
Lính mà! Còn gặp nhau thì hãy cứ vui, vào trận địa thì nhắm thẳng quân thù mà bắn! Chúng tôi đã sống những năm tháng thật đẹp, thật hồn nhiên như thế. Dù Quân và Hùng đã hoà vào hồn thiêng sông núi nhưng mâm cơm Tết lúc nào cũng có sẵn chén, đũa và hai ly rượu dành cho tụi nó.
Nhớ lại mà thương cái tình của bác Chín, từ khi quen biết, bác luôn coi chúng tôi là con cháu của mình, nhà có gì ngon là bày ra biểu phải ăn cho no, đứa nào không về được thì bác gởi đi để anh em tôi ai cũng có Tết.
Mỗi lần chúng tôi ghé, bác Chín gái soạn hết ba lô coi quần áo đứa nào sứt chỉ, đứt nút, sứt lai để khâu vá lại, rồi bỏ theo chai dầu gió, vài cục pin đèn… có khác nào người mẹ lo cho con cái mình đâu!
Còn bác trai thì bẻ sẵn mấy buồng dừa, đốn thêm vài chục mía, bác giỏi việc chăn nuôi nên gà, vịt lúc nào cũng có. Ông còn nhắc: “Bà nhớ đem theo cho tụi nó mớ mứt gừng nghen bà! Gió bấc, trời lạnh uống trà với mứt gừng cho ấm”.
Cũng không thể nào quên không khí rộn ràng, hừng hực sức trẻ những buổi hành quân với hàng đoàn xuồng ba lá, đi qua con kênh này. Ban ngày hàng còng che mát, ban đêm đèn vó soi bóng xuống dòng sông lấp loáng theo từng lượn sóng khi xuồng lướt qua. Mái chèo khua nước rì rào, hoà với những bài ca vọng cổ của anh em chiến sĩ trên đường ra trận.
Những ngày cận Tết năm xưa, con kênh càng nhộn nhịp hơn vì lưu lượng xuồng ghe tăng lên nhiều lắm, bà con đem nông sản ra chợ bán, người đi chà gạo, nếp, xuồng giăng lưới, cắm câu xuôi ngược… Ngày nay, con kênh vẫn là nét đẹp của vùng quê này, nhưng hai bên bờ được khoác lên mình diện mạo mới, không còn những căn nhà lá tạm bợ, đường đất sình lầy lúc trời mưa, bởi điện đã thắp sáng từng căn nhà kiên cố, đường bê tông hình thành hàng chục năm qua. Ðời sống người dân khởi sắc từ vật chất đến tinh thần, các dịch vụ của thời công nghệ thông tin đã tiếp cận từng nhà…
Nếu không có những tấm lòng thấm đượm yêu thương như gia đình bác Chín ở khắp mọi miền Tổ quốc, thì chặng đường kháng chiến giải phóng dân tộc và bước chân của những người lính như chúng tôi sẽ dài hơn, gian khó, vất vả hơn.
Nếu không có hậu phương vững chắc như bà con ở con kênh thơ mộng nằm ven U Minh Hạ này thì mùa xuân đại thắng đâu đến sớm hơn kế hoạch như đã diễn ra.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, cũng ngần ấy thời gian chúng tôi mang theo niềm tự hào và lòng biết ơn của những người kháng chiến. Mỗi mùa xuân về lại nhắc nhở chúng tôi hãy trân trọng, giữ gìn chu đáo ký ức một thời, nhờ vậy mà hành trang mang theo từng năm tháng đã qua vẫn còn nguyên giá trị. Những thứ vô cùng quý giá đó là lòng yêu nước, tình đồng đội, nghĩa đồng bào, là hình bóng làng quê, là những mái chèo khua nước trong đêm chở theo cả bài vọng cổ như khúc quân hành, là ánh đèn vó trên dòng kênh quê hương... Tất cả vẫn tròn đầy trong lòng người lính./.
Lê Ngọc