(CMO) Vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau là vùng sản xuất đa hệ sinh thái, nơi bảo tồn nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm mang giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nơi đây còn là vùng ưu tiên phát triển sản xuất các ngành hàng chủ lực nằm trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp như lúa, cá, chuối, cây gỗ… Tuy nhiên, do hệ thống thuỷ lợi thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, hệ luỵ mặn, ngọt đan xen nên quy hoạch sản xuất vùng ngọt đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ.
Từ khô hạn đến ngập úng, từ sạt lở đất đến triều cường dâng cao… đó là những gì đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân. Từ những thiệt hại đó, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể, nhận diện rõ từng điểm mạnh, điểm yếu trong quy hoạch của ngành, của địa phương. Qua đó, đưa ra giải pháp đồng bộ về xây dựng hệ thống thuỷ lợi, chuyển đổi sản xuất để thích ứng hơn với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Thiếu vốn thực hiện quy hoạch
Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình thuỷ lợi đã sử dụng hết công suất các trạm bơm. |
Thực hiện chủ trương chuyển đổi một phần đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi tôm, tỉnh đã quy hoạch sản xuất thành 2 vùng, Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau, với 23 tiểu vùng. Trong đó, vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau có 5 tiểu vùng, với diện tích tự nhiên hơn 154.414 ha, bao gồm một phần diện tích huyện Thới Bình, phần lớn diện tích huyện Trần Văn Thời và toàn bộ diện tích huyện U Minh, sản xuất cây, con theo hệ sinh thái ngọt.
Quy hoạch là vậy, nhưng do nguồn kinh phí còn hạn chế nên đến nay chỉ có thể khép kín được 6 trong số 23 tiểu vùng và 2 tiểu vùng khép hở. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay sẽ hoàn thiện thêm các Tiểu vùng II, III của Cái Nước, Tiểu vùng V huyện Phú Tân. Hiện Bộ NN&PTNT đã đồng thuận cấp thêm cho tỉnh 500 tỷ đồng để hoàn thiện các tiểu vùng đang đầu tư dở dang trong giai đoạn 2015-2020 bằng nguồn vốn thuỷ lợi phí.
Vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời là nơi hệ thống thuỷ lợi khép kín được xem bài bản nhất. Nhưng nếu xét về hiệu quả thì chưa đạt như mong muốn, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất người dân đặt ra. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết: "Mưa nhiều, mực nước bên trong vùng ngọt dâng cao xảy ra ngập úng, bên ngoài các sông cũng đầy nước do thuỷ triều dâng cao. Từ đó, việc tiêu thoát nước qua các cửa cống rất hạn chế, còn các trạm bơm dù đã hoạt động hết công suất nhưng do số lượng ít, diện tích quá rộng nên việc bơm tát kém hiệu quả”.
Hơn 516 ha lúa hè thu bị ngập úng không còn khả năng thu hoạch. |
Cùng chung nhận định, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn cho biết, hệ thống cống được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên, hệ thống trạm bơm công suất chưa đảm bảo nên chưa đủ năng lực tiêu nước khi có ngập cục bộ. Mong muốn cuối cùng của việc khép kín tiểu vùng là để việc sản xuất được đồng loạt, giảm chi phí sản xuất cho người dân, hiệu quả sản xuất cũng cao hơn. Mong muốn ấy đã 20 năm rồi vẫn chưa thực hiện được vì thiếu vốn để hoàn thiện các công trình.
Theo ông Tô Quốc Nam, để sản xuất đạt hiệu quả cao phải đầu tư hệ thống đê bao ô thuỷ lợi cho các vùng đất trũng ngập sâu, quy mô khoảng 200-300 ha/ô, lắp đặt hệ thống trạm bơm lớn hỗ trợ bơm cấp và tháo nước phục vụ việc gieo sạ theo kế hoạch trong Tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau, chủ động thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Nguy cơ ngập úng kéo dài
Đứng ngồi không yên khi nhìn gần 2 ha lúa hè thu đã chín mà không thể thu hoạch do ngập nước, hạt lúa ngâm nước lâu ngày mọc mộng, ông Phan Văn Tre, Ấp 6, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Đây là trận mưa ngập lịch sử và kéo dài chưa từng thấy. Tình hình này sau khi trời có nắng lại, ít nhất 1 tuần mới có thể thu hoạch được lúa, mà chờ đến lúc đó thì lúa đã thiệt hại hoàn toàn".
Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở NN&PTNT Cà Mau Đoàn Văn Hiền nhận định, vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau tuy đã khép kín tiểu vùng nhưng hệ thống thuỷ lợi chưa được đồng bộ, nên các hoạt động sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Do vậy, tình trạng thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, dưới tác động của hiện tượng El Nino, hạn - mặn vào những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 rất nghiêm trọng, gây thiệt hại về kết cấu hạ tầng và sản xuất của người dân rất lớn.
Bước sang các tháng 8, 9 và 10, hiện tượng mưa dông cục bộ đã gây ngập úng trên diện rộng, thiệt hại sản xuất rất lớn, vẫn chưa thể thống kê hết. Đáng chú ý, trong tháng 11 và 12, lượng mưa được dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 50-70%, có thể gây khó khăn cho các vùng canh tác lúa đang trong giai đoạn cuối vụ. Vào các tháng cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, với tác động của triều cường kết hợp gió mùa đông bắc mạnh, mực nước trên các sông, rạch ở vùng ven biển sẽ dâng cao, gây ngập cục bộ ở các vùng trũng, thấp.
Phần lớn diện tích huyện Trần Văn Thời nằm trong vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau, nơi đầu tư khép kín tiểu vùng được cho là bài bản nhất. Nhưng đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh ghi nhận ngập lụt do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 6 và 7, làm sạt lở bờ biển chiều dài 4.585 m, 74 căn nhà sập và tốc mái, gần 21.000 ha lúa hè thu bị ngập và đổ ngã, 3.806 ha lúa - tôm chìm trong nước, 267 ha rau màu bị ngập úng. Tổng diện tích lúa hè thu bị ngập và đổ ngã trong 2 đợt mưa từ đầu tháng 10 là 16.127 ha, 66,3 ha hoa màu bị ngập úng cùng nhiều héc-ta nuôi tôm, cá bị tràn bờ, thiệt hại vẫn chưa thể thống kê hết.
Tại hội thảo đề xuất quy hoạch chuyển đổi sản xuất nông nghiệp vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau, vừa được UBND tỉnh tổ chức vào đầu tháng 10/2020, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cùng đưa ra nhận định: Quá trình chuyển đổi sản xuất của người dân quá nhanh, trong khi hạ tầng thuỷ lợi không theo kịp, từ đó thuỷ lợi luôn đi sau so với thực tế sản xuất. Hạ tầng thuỷ lợi không thể đáp ứng được nhu cầu, từ đó sản xuất từng lúc, từng nơi gặp không ít khó khăn, nhất là trước tác động ngày một rõ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi đáp ứng nhu cầu, điều kiện sản xuất mới có thể đảm bảo và hài hoà việc phát triển sản xuất nông nghiệp với các ngành kinh tế khác./.
Bài 2: NGUY CƠ PHÁ VỠ HỆ SINH THÁI NGỌT
Trung Đỉnh