ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 17-5-24 04:14:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vườn chôm chôm trên đất phèn U Minh Hạ

Báo Cà Mau (CMO) Chôm chôm vốn là loại cây ăn trái chỉ thích hợp với vùng đất ngọt phù sa, đất thịt pha cát hoặc đất đỏ bazan, có khả năng thoát nước tốt. Vậy mà ở xứ U Minh Hạ, lão nông Trần Thanh Sử (Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) đã đem loại cây này về trồng hơn 15 năm qua. Mặc dù được trồng trên vùng đất phèn, cây chôm chôm vẫn bén rễ, đơm hoa, kết trái mỗi khi đến vụ mùa.

Ghé vào vườn chôm chôm đang chín đỏ, cái sịa và cây bẹo bán chôm chôm để trước nhà, vừa bán xong cho mấy người khách, ông Sử cười: “Cũng may, đợt mưa gió vừa rồi vườn chôm chôm không bị ảnh hưởng gì. Trái chưa kịp chín là đã có người đặt chừa lại cho họ đãi đám rồi. Có bữa để sịa chôm chôm trước nhà, người ta đi qua đi lại không mà bán được cả trăm kí, chưa kể đi giao nữa, có mấy mối ngoài chợ dặn lấy sỉ mà mình không có số lượng nhiều”.   

Trên vùng đất phèn U Minh Hạ, vườn chôm chôm của ông Năm Sử vẫn cho trái hơn chục năm qua.

Ông Sử kể, từ năm 1993, ông về đây sinh sống. Lúc đó, cha ông đã trồng thử cây chôm chôm trên vùng đất này. Thấy cây vẫn sống và cho trái, vài năm sau, ông lên Bến Tre mua 40 gốc chôm chôm về trồng trên diện tích 2 ngàn mét vuông. Ông cũng học hỏi kỹ thuật trồng của nhà vườn để cây có thể sinh trưởng trên vùng đất nơi đây.

Ban đầu ông Sử cải tạo đất phèn, lên liếp cao khoảng 1 m để cây không bị ngập úng vào mùa mưa, khoảng cách giữa các cây từ 8-10 m. Sau 3 năm chăm sóc, cây bắt đầu cho trái. Mỗi vụ chôm chôm đạt năng suất từ 700 kg đến 1 tấn (tuỳ năm). Với giá bán từ 15-20 ngàn đồng/kg, mỗi năm ông thu về gần 20 triệu đồng. Ông Sử chia sẻ: “Mùa chôm chôm ở đây trễ hơn những vùng trên khoảng 1 tháng. Vài năm trở lại đây, mặc dù có giá nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, độ phèn cao, thiếu nước ngọt để tưới nên chôm chôm cho năng suất không cao như lúc trước. Vườn chôm chôm này cũng lâu năm rồi, muốn năng  suất cao mình phải tỉa lại cây, đầu tư hệ thống tưới, phải tốn chi phí hơn 100 triệu đồng”.

Chôm chôm sạch được người dân ưa chuộng, thậm chí không đủ bán.

U Minh Hạ là vùng sản xuất nông lâm kết hợp, chủ yếu trồng tràm và lúa. Tuy nhiên, nhiều năm nay, sản xuất lúa không hiệu quả do đất phèn nặng, thời tiết thất thường nên người dân chuyển dần sang trồng tràm và cây ăn trái. Vì vậy, đây được xem là vườn chôm chôm đầu tiên xuất hiện ở Cà Mau. Mặc dù khâu chăm sóc, điều kiện phát triển của cây không được thuận lợi, nhưng vườn chôm chôm của ông Sử không sử dụng phân thuốc hoá học nên chất lượng trái giòn ngọt, an toàn, được mọi người ưa chuộng, thậm chí không đủ để bán. Hiện tại, ông Sử đã san lấp đất, lên liếp để chuẩn bị mở rộng thêm diện tích trồng giống chôm chôm mới Tiến Cường cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, ông dự kiến trồng thêm sầu riêng và măng cụt, hướng tới phát triển du lịch nhà vườn.

Có thể nói, đây là tín hiệu vui mở hướng cho nông dân trên vùng đất phèn mặn này. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp giúp nông dân nâng cao hiệu quả, góp phần đa dạng mô hình kinh tế ở địa phương, nhất là khi loại hình du lịch sinh thái miệt vườn đang phát triển như hiện nay./.

Mơ Thảo - Nhật Minh

Những nông dân năng động làm giàu

Toàn tỉnh hiện có 10 câu lạc bộ (CLB) nông dân tỷ phú, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Các CLB đã kết nối nhiều ngành nghề, liên kết trong sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả mô hình; là điểm sáng trong phong trào thi đua sản xuất ở địa phương.

Cơ hội làm giàu bền vững cho nông dân

Trong năm 2023, nông dân huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả cao.

“Lên bờ, xuống ruộng”

Lúa lên bờ, hoa màu xuống ruộng; mô hình canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu, mà mọi người hay ví von là mô hình “lên bờ, xuống ruộng”, đã biến những mảnh đất hoang hoá thời kinh tế mới ngày nào của kênh So Ðũa, Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời trở nên trù phú, vạn người mê.

Khá giả nhờ sò huyết

Hiện nay, trên địa bàn xã Trần Thới (huyện Cái Nước) có 510 hộ nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm với hơn 1.000 ha. Trong bối cảnh giá tôm sụt giảm, con sò huyết trở thành vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân nơi đây vươn lên khá giả.

Làm giàu nhờ chuyển đổi sản xuất phù hợp

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn TP Cà Mau phát triển nhanh.

Ða canh phù hợp cho thu nhập cao

Với 10 công đất canh tác, ông Lê Hoàng Liêm, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Ấp 14, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, thực hiện nhiều mô hình kết hợp, tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Làm giàu ở quê mới

(CMO) Rời quê hương, lập nghiệp nơi đất khách quê người, với ý chí vượt khó vươn lên, ông Nguyễn Ðình Bộ (Ấp 5, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Ða canh làm giàu

(CMO) Từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện U Minh, xuất hiện nhiều nông dân có cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế tại hộ gia đình. Gia đình anh Trương Văn Thơi và chị Phạm Thị Cẩm Tú, Ấp 9, xã Khánh Thuận, là một điển hình.

Ða dạng cách làm giàu

(CMO) Phát huy thế mạnh và tiềm năng sẵn có của địa phương, những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, phát triển tích cực. Các mô hình kinh tế hiệu quả dần được nhân rộng trong hội viên, qua đó góp phần cải thiện đời sống kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.

Ông Giàu làm giàu từ vườn nhãn

(CMO) Tại ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, có vườn nhãn hơn 20 năm tuổi đang cho trái sum suê và trở thành điểm tham quan du lịch lý tưởng cho du khách gần xa.