(CMO) Chiều ngày 22/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến về Dự thảo Chương trình của Tỉnh uỷ và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Hội nghị do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì; tham dự có các chuyên gia khu vực ĐBSCL, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp của tỉnh.
Trong những năm qua, nông nghiệp Cà Mau đạt được nhiều thành tựu nổi bật, thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội; đặc biệt là trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, ngành Nông nghiệp đã phát huy vai trò “trụ đỡ”, là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì và báo cáo đề dẫn tại hội nghị. |
Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm (GRDP) khu vực ngư, nông, lâm nghiệp năm 2020 đạt khoảng 20.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 91 triệu đồng/ha/năm, tăng bình quân 4,2%/năm; thu nhập trên diện tích đất nông nghiệp đạt 33 triệu đồng/ha/năm, tăng bình quân 4%/năm; thu nhập lao động ngư, nông, lâm nghiệp đạt 40 triệu đồng/người, tăng bình quân 8,1%/năm.
Thuỷ sản tiếp tục khẳng định được vai trò mũi nhọn trong khu vực nông nghiệp. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tiếp tục tăng, vùng nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế tiếp tục mở rộng; nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu trong cả nước.
Bước đầu xây dựng được vùng sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ; phát triển mạnh diện tích sản xuất lúa chất lượng cao; năng suất, chất lượng lúa gạo hàng hoá ngày càng được đánh giá cao. Sản xuất giống và chăn nuôi heo tập trung bước đầu đã phát triển. Diện tích, giá trị rừng trồng thâm canh tăng nhanh; thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư và kinh tế của người dân vùng rừng U Minh phát triển ổn định.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị là chiến lược chung trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Cà Mau. |
Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp Cà Mau còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại (nếu giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng đạt 7,5%/năm thì giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 4,7%/năm); chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh; sản xuất ngư, nông nghiệp chưa bền vững.
Diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tập trung; năng suất nuôi tôm quảng canh cải tiến thấp, chậm được cải thiện, rủi ro ngày càng cao.
Sản lượng khai thác thuỷ sản tăng, nhưng hiệu quả ngày càng thấp; tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản ven biển, đặc biệt là nuôi xa bờ chưa được nghiên cứu khai thác. Công nghiệp chế biến thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không vượt qua được khó khăn của thị trường, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải thay đổi chủ sở hữu.
Hiệu quả sản xuất chuyên lúa không cao, hiệu quả sản xuất lúa - tôm không ổn định, diện tích trồng lúa còn phân tán, thiếu tập trung. Chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu quy mô hộ gia đình, phân tán, nhỏ lẻ; chăn nuôi tập trung chậm phát triển, sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Công nghiệp chế biến gỗ chậm phát triển, chủ yếu sản phẩm thô, chưa tạo ra được giá trị gia tăng để thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp.
Theo đó, Cà Mau xác định sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của địa phương là tôm; cấp tỉnh là cua biển, lúa gạo, chuối, gỗ và sản phẩm từ gỗ; cấp huyện gồm 12 sản phẩm chủ lực.
Tôm được xác định là mặt hàng chủ lực cấp quốc gia của Cà Mau trong chiến lược phát triển nông nghiệp định hướng đến năm 2025. |
Tại hội nghị, tỉnh đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn, gợi ý giải pháp cho những khó khăn của lĩnh vực nông nghiệp địa phương; có những phân tích, dự báo để nông nghiệp Cà Mau thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, các Dự thảo Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của UBND tỉnh định hướng đến năm 2050 đã bám sát thực tiễn, đề ra lộ trình và mục tiêu đúng đắn.
Một số ý kiến lưu ý rằng, Cà Mau cần phải tính toán đến những vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp như tài nguyên nước, vấn đề biến đổi khí hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phải biến những nguy cơ thành lợi thế, cơ hội để chuyển đổi nông nghiệp sang hướng hiện đại, sản xuất theo quy mô lớn, gia tăng giá trị mặt hàng nông sản. Phải tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích nguồn lực của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học khu vực ĐBSCL. |
Hội nghị tham vấn ý kiến tập trung góp ý Dự thảo Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, và Dự thảo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thực hiện Quyết định số 150 của Thủ tướng Chính phủ.
Những ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Cà Mau trong việc thực hiện chiến lược phát triển ngư, nông, lâm nghiệp và nông thôn, đồng thời xác định nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, chiến lược nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp Cà Mau nhanh, toàn diện và bền vững trong thời gian tới./.
Quốc Rin