Chiều 15/12, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo giới thiệu và khởi động Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cá nâu - Mũi Cà Mau”.
Đại biểu dự hội thảo.
Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp gia tăng và nâng cao giá trị, nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay cả nước có 129 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp. Trong đó, tỉnh Cà Mau có 2 sản phẩm cua và tôm sú được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Đối với con cá nâu, đây là loài thuỷ sản có khả năng sinh sống và tăng trưởng tốt ở vùng nước mặn, lợ, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau.
Mục tiêu bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá nâu là rất cần thiết, tạo cơ sở cho sản xuất bền vững, bảo vệ danh tiếng, giá trị sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ðây cũng là cơ sở để đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho con cá nâu tỉnh Cà Mau.
Việc triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cá nâu - Mũi Cà Mau” sẽ góp phần nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho người dân..
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đưa ra nhiều giải pháp xây dựng vùng nuôi, cách thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ loài thủy sản này./.
Trung Đỉnh