(CMO) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Ðảng có vững cách mệnh mới thành công”. Sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, công tác xây dựng Ðảng luôn được Ðảng coi là tiền đề vững chắc, là yếu tố then chốt trong hoạt động và tổ chức của Ðảng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Ðảng, làm cho Ðảng ta đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh hơn.
Tranh: LÝ KIỀU LOAN |
Đảng ta khẳng định: “Ðảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[1]. Việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, góp phần xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Ðây là 4 trụ cột để xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh.
Thứ nhất, xây dựng Ðảng về chính trị. Nội dung xây dựng Ðảng về chính trị bao gồm: Xây dựng đường lối chính trị, bảo vệ chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị, củng cố lập trường chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị… Trong các nội dung trên, theo Hồ Chí Minh, đường lối chính trị là vấn đề cốt lõi trong sự tồn tại và phát triển của Ðảng. Người cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối chính trị gây hậu quả nghiêm trọng đối với vận mệnh của Tổ quốc, sinh mệnh chính trị của hàng triệu đảng viên và Nhân dân lao động. Ðảng cần phải giáo dục đường lối, chính sách của Ðảng, thông tin thời sự cho cán bộ, đảng viên để họ luôn luôn kiên định lập trường, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mọi hoàn cảnh. Các nghị quyết của Ðảng được xây dựng và tổ chức thắng lợi, sẽ ngày càng làm sáng tỏ những vấn đề mới trong thực tiễn, bổ sung và làm cho đường lối của Ðảng ngày càng thêm hoàn thiện.
Thứ hai, xây dựng Ðảng về tư tưởng, lý luận. Xây dựng Ðảng về tư tưởng là xây dựng nền tảng của Ðảng. Hồ Chí Minh yêu cầu Ðảng phải đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Ðảng về tư tưởng, giáo dục, rèn luyện đảng viên không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho toàn Ðảng và mỗi đảng viên của Ðảng không ngừng nâng cao ý chí phấn đấu, xây dựng niềm tin vững chắc vào con đường xã hội chủ nghĩa; nâng cao giác ngộ về giai cấp và dân tộc; đấu tranh không khoan nhượng với các luận điểm xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc đường lối, chính sách của Ðảng; luôn đề phòng và kịp thời khắc phục những lệch lạc, sai lầm, chống chủ nghĩa cơ hội, chống giáo điều, bảo thủ và dự báo được xu hướng phát triển của dân tộc, của thời đại.
Thứ ba, xây dựng Ðảng về tổ chức, cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh của Ðảng bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Ðảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao, sức mạnh của tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau, mỗi cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng. Xây dựng Ðảng về tổ chức gắn với xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng. Ðoàn kết thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh của toàn Ðảng, là vấn đề sống còn của cách mạng. Ðể thực hiện đoàn kết thống nhất trong Ðảng cần thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; kết hợp với nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh, tự giác, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng. Ngoài ra, cần phải chú trọng công tác cán bộ, vì đây là “cái gốc của mọi công việc”, là khâu “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Ðảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Ðảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.
Thứ tư, xây dựng Ðảng về đạo đức. Xây dựng Ðảng về đạo đức là xây dựng các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản và của tổ chức đảng chân chính cách mạng trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa đạo đức nhân loại. Ðạo đức cách mạng là nền đạo đức mang tính nhân văn và tiến bộ. Do đó, nếu xây dựng Ðảng mà chỉ quan tâm đến đạo đức của cá nhân cán bộ, đảng viên, bỏ qua đạo đức của tổ chức đảng sẽ là chưa toàn diện. Xây dựng Ðảng về đạo đức là xây dựng “nền gốc” tinh thần vững chắc của Ðảng, là xây dựng sức mạnh nội sinh của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của Nhân dân”[2].
Xây dựng Ðảng về đạo đức để Ðảng ta thật sự là đội tiên phong và đại biểu trung thành vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Ðảng và Nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng của người cách mạng, “đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng”[3]. Mục tiêu xây dựng Ðảng về đạo đức là xây dựng tổ chức đảng đoàn kết, có văn hoá, đội ngũ đảng viên trung thành với mục tiêu lý, tưởng của Ðảng, thực hiện đầy đủ, đúng đắn những quy định về tư cách của người đảng viên trong Ðiều lệ Ðảng và các quy định của Ðảng, góp phần xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh.
Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, đạo đức là các mặt có mối quan hệ mật thiết, gắn bó và có chung mục đích là làm cho Ðảng trở thành bộ tham mưu sáng suốt lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, đưa dân tộc ta đến thắng lợi ngày càng to lớn hơn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội./.
[1] Ðiều lệ Ðảng (do Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng thông qua).
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 15, tr. 622.
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11, tr. 606.
Phạm Cẩm Ðang