(CMO) Đã có khoảng 50 văn bản được UBND tỉnh ban hành kể từ ngày 23/10/2017 cho đến nay liên quan trên lĩnh vực khai thác thuỷ sản. Có thể nói, đây là lĩnh vực mà trong thời gian ngắn có số lượng văn bản được ban hành, chỉ đạo nhiều nhất. Từ kế hoạch, thông báo cho đến công văn, quyết định, chỉ thị, đều cho thấy quyết tâm cao của tỉnh trong việc tổ chức sắp xếp lại nghề khai thác theo hướng bền vững, an toàn và hiệu quả.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Thanh Triều cho biết, các ngành, các cấp đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản có liên quan đến xác định, công khai hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản; quy định tiêu chí đặc thù của địa phương và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển; kế hoạch hành động ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU của tỉnh đến năm 2025; quy định phối hợp khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá thuộc phạm vi quản lý của tỉnh và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành khác nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU…
Quá trình kiểm tra trên biển có sự phối hợp giữa các ngành chức năng và những đơn vị có liên quan. |
Mới đây, khi Bộ NN&PTNT có Công văn số 6838, ngày 1/10/2020, ngay lập tức đến ngày 8/10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 5907 chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tăng cường ngăn chặn, xử lý tình trạng sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và nghề, ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các Sở NN&PTNT, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, TP Cà Mau tăng cường ngăn chặn, xử lý tình trạng sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và nghề, ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản.
Ngoài ra, công văn còn nêu rõ, giao Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất cấm, chất độc, chất nổ, kíp nổ, xung điện, dòng điện, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính huỷ diệt, tận diệt để khai thác thuỷ sản, nghề lưới kéo khai thác ở vùng biển ven bờ theo quy định của pháp luật; hoàn thành, lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, trình UBND tỉnh trong tháng 10/2020 để xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đồng thời, các sở, ngành có liên quan phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện mô hình đồng quản lý của người dân, để người dân tham gia giám sát, kiểm tra… Qua đó rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình, tìm giải pháp hoạt động hiệu quả nhất. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, theo chức năng, nhiệm vụ chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt không sử dụng chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện và các phương pháp khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản và hệ sinh thái thuỷ sinh.
Với tinh thần chỉ đạo của công văn cũng như tất cả các văn bản trước cho thấy quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc khắc phục nhanh những hạn chế, vi phạm trong hoạt động khai thác thời gian qua, từng bước đưa nghề khai thác phát triển bền vững, hiệu quả và có trách nhiệm./.
Nguyễn Phú