Ngót nghét 18 năm kể từ khi thị xã Cà Mau được nâng tầm lên đô thị loại 3 - TP Cà Mau. Và trong Nghị quyết Ðảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, TP Cà Mau sẽ được xây dựng đạt chuẩn đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Ðó là hành trình rất dài - hơn 20 năm để đạt chuẩn đô thị loại 1. Nhiều người đặt vấn đề, có quá chậm hay không trong lộ trình này?
Quay ngược về quá khứ để thấy, khi mới chia tách tỉnh đầu năm 1997, thị xã Cà Mau chỉ là đô thị yếu kém về nhiều mặt, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chẳng có gì đáng kể. Ðường bộ chỉ hơn 10 km Quốc lộ 1 từ Tắc Vân về đến trung tâm thị xã là hết, với đất đá lởm chởm và nhỏ hẹp. Ðường nội thị láng nhựa chỉ vài chục ki-lô-mét, đã bong tróc gần hết; không có trục đường bộ nào nối với các huyện khác trong tỉnh. Kể cả đường bộ đi các xã trực thuộc thành phố cũng không có. Và qua hơn 20 năm xây dựng kể từ giải phóng, cơn bão số 5 (11/1997) đi qua, thị xã Cà Mau trở nên ngổn ngang, phải dồn sức khắc phục hậu quả. Ðời sống người dân thị xã khi đó gặp nhiều khó khăn, chỉ một vài phường trung tâm là tạm ổn.
![]() |
Với sự phát triển toàn diện, TP Cà Mau đã trở thành một thành phố văn minh, hiện đại. Ảnh: PHẠM ÐỨC THỊNH |
“Thế nhưng, đến nay, TP Cà Mau có 3 trục đường chính nối với các tỉnh bạn là Quốc lộ 1, Quốc lộ 63 và Quản lộ Phụng Hiệp, một sân bay khai thác khá hiệu quả, từng bước đáp ứng năng lực vận tải không chỉ của thành phố mà của cả tỉnh. Tất cả các huyện đều có trục đường kết nối; hàng trăm ki-lô-mét đường nội thị láng nhựa bê-tông và hàng ngàn ki-lô-mét đường nông thôn, cả bê-tông và láng nhựa, nối liền tất cả khóm, ấp toàn thành phố. Nhà ở của dân được xây dựng kiên cố và bán kiên cố chiếm 88%, trong đó nhà kiên cố khu vực nội thành chiếm 43%. TP Cà Mau có 4/7 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt trung bình 15/19 tiêu chí NTM. Ðặc biệt, trong 10 phường thì có 2 phường trung tâm đạt chuẩn phường văn minh đô thị. Trong đó, riêng Phường 2 từ lâu không còn hộ nghèo nào và tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố theo chuẩn nghèo đa chiều còn 1,53%”, Chủ tịch UBND TP Cà Mau Hứa Minh Hữu chia sẻ.
- Thưa ông, trước tiên chúng ta nói về vị trí, vị thế, quy mô và tầm ảnh hưởng của thành phố. Có người cho rằng, không nhất thiết phải xây dựng TP Cà Mau thành thành phố trung tâm của tỉnh và khu vực, bởi những vị trí đắc địa khác như Ðất Mũi, Năm Căn hay Sông Ðốc có thể đảm nhận?
Ông Hứa Minh Hữu: Không còn nghi ngờ gì nữa về việc xây dựng TP Cà Mau trở thành đô thị trung tâm của tỉnh, đô thị động lực của vùng. Ðiều đó được thể hiện cốt lõi ở vị trí địa lý, năng lực vận hành, thực trạng hạ tầng và xu hướng đầu tư.
Ðể xây dựng được một đô thị động lực, đòi hỏi nó phải được kết nối thông thương và nhanh chóng đến các đô thị khác của vùng. Ðiều đó TP Cà Mau có vị trí đắc địa nhất.
TP Cà Mau có tiếng là đô thị khá sầm uất ở miền Tây. Nhiều người con xa quê khi trở về quê đều công nhận rằng, TP Cà Mau phát triển nhanh hơn những gì họ tưởng. Vì thế, làn sóng đầu tư đổ về TP Cà Mau khá lớn trong những năm qua. Thành phố cũng đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách một cách triệt để để đón nhận làn sóng đầu tư.
Thực trạng cho thấy, để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng phải cần nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, các đô thị khác vẫn còn khá sơ khai, trong khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn; nhà đầu tư chỉ thích đầu tư trên cái nền hạ tầng sẵn có và hoàn chỉnh. Vì thế, tốc độ phát triển của thành phố có thể thấp hơn các đô thị khác trong tỉnh nhưng quy mô phát triển sẽ lớn hơn rất nhiều. Và khi các đô thị khác nâng lên loại 3, loại 2, khi ấy TP Cà Mau đã rất sầm uất rồi!
- Trong tiến trình phát triển, TP Cà Mau nhiều lần được nhắc đến cái “nợ lên thành”. Tức là còn nhiều tiêu chí mà TP Cà Mau vẫn chưa đạt theo cấp chuẩn đô thị quy định. Trong đó gay gắt nhất là hạ tầng giao thông và nhà ở dân cư. Ðiều đó được thành phố giải quyết thế nào, thưa ông?
Ông Hứa Minh Hữu: Ðể trở thành một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá, quy mô dân số, chất lượng dân số và đời sống dân cư là một trong những quy chuẩn mang tính khắt khe.
Xuất phát điểm về hạ tầng rất kém, mức sống người dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; giáo dục, y tế chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân… Nay thì đã khác, hạ tầng giao thông đường bộ đã khá hoàn chỉnh, việc học hành, đi lại, chăm sóc y tế của người dân có nhiều lựa chọn hơn, chất lượng phục vụ cao hơn.
Có một điều đau đầu mà chúng tôi trăn trở là về hạ tầng dân cư nội thị, nay cũng cơ bản gỡ được nút thắt này. Dự án nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL - tiểu dự án TP Cà Mau (LIA - Cà Mau) có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, được triển khai trên địa bàn 8 phường và xã Tắc Vân với tổng số 18 khu dân cư thu nhập thấp. Tổng quy mô dự án trên 103 ha, số người hưởng lợi trực tiếp từ dự án trên 27.400 người và số người hưởng lợi gián tiếp trên 117.800 người.
Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân đô thị. Kết quả đầu tư từ dự án này từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, tạo điều kiện để TP Cà Mau hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 2, đồng thời từng bước góp phần cho thành phố phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2020.
- Như vậy chúng ta đã cơ bản giải quyết được vấn đề nội thị, còn vấn đề ngoại ô, định hướng của thành phố sẽ phát triển như thế nào, thưa ông?
Ông Hứa Minh Hữu: Trong định hướng chiến lược, việc phát triển thành phố không phải là bất chấp đánh đổi môi trường để lấy tốc độ và quy mô tăng trưởng. Mà là Cà Mau sẽ xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường.
Vì thế, ngoài cải tạo không gian và khoảng xanh nội thị, hạn chế ngành nghề sản xuất ô nhiễm, chúng tôi còn đang tiến hành xây dựng một vành đai xanh ở ngoại ô. Vành đai xanh đó không đơn thuần là cây cỏ, mà đó là vành đai kinh tế nông nghiệp, vận động, khuyến khích bà con đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ cao theo hướng sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; gắn chặt với chỉ đạo thực hiện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng các xã ngoại thành phát triển toàn diện, bền vững.
Có người thắc mắc, tại sao định hướng xây dựng một thành phố đạt chuẩn đô thị loại 1 mà cứ nhắc hoài vấn đề sản xuất nông nghiệp. Nó có lý do rất đặc biệt mà hợp lý: Vành đai nông nghiệp là lá phổi của thành phố và định hướng phát triển nông nghiệp trình độ cao, thân thiện môi trường để TP Cà Mau không những là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của tỉnh mà còn là trung tâm lương thực, thực phẩm sạch, chất lượng cao của tỉnh. Xây dựng thành công vấn đề này, thu nhập và đời sống nông dân sẽ không thua kém thương dân - điều kiện cơ bản rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo.
- Bất cứ một chủ trương, chính sách nào đưa ra, muốn thành công phải có sự đồng thuận cao. “Thiên thời”, “địa lợi”, TP Cà Mau đã hội đủ, còn vấn đề “nhân hoà” thì thế nào, thưa ông?
Ông Hứa Minh Hữu: Ðúng vậy! Xin đơn cử câu chuyện: Tuyến lộ Hẻm 43, thuộc Khóm 2, Phường 7 đã tồn tại mấy mươi năm nhưng chỉ rộng khoảng 1,6 m và thường xuyên bị ngập nước từ đầu đến cuối hẻm mỗi khi mưa lớn. Thế nhưng, giờ đây con hẻm này đã trở thành đường nhựa rộng 6 m phẳng phiu, vỉa hè lát gạch mỗi bên 3 m, cùng hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng và cây xanh…
Theo dự toán ban đầu, vốn nâng cấp và giải phóng mặt bằng Hẻm 43 khoảng 15,5 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp chỉ khoảng 5 tỷ đồng, vốn giải phóng mặt bằng hết 10,5 tỷ đồng. Do nguồn ngân sách khó khăn nên năm 2013 tỉnh chỉ ghi vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho thành phố hơn 30 tỷ đồng. Kinh phí nâng cấp Hẻm 43 đã tương đương 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản của năm đó nên không thể đầu tư theo kiểu này. Thế nhưng, sau khi vận động người dân đồng thuận hiến đất, góp đất nên công trình hoàn thiện chỉ mất khoảng 6 tỷ đồng.
Việc nâng cấp mở rộng Hẻm 43 thành công, nhiều nơi khác bà con cũng nộp đơn xin hiến đất, góp đất và tích cực tháo dỡ vật kiến trúc để mở đường, nâng lộ. Tiêu biểu như công trình nâng cấp đường Lý Văn Lâm, đoạn từ Bệnh viện Ðiều dưỡng đến Bến xếp dỡ, có đến 135 hộ dân hai bên đường hiến đất hoàn toàn và tháo dỡ vật kiến trúc. Sự ủng hộ của người dân đã tiết kiệm được kinh phí bồi hoàn thu hồi đất của Nhà nước riêng công trình này trên 25 tỷ đồng.
Ðó là câu chuyện nhỏ trong rất nhiều câu chuyện mà Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2015-2020 đang kế thừa và phát huy. Sự đồng thuận ấy không chỉ người dân mà trong nội bộ Ðảng bộ cũng được giữ gìn như lời dạy của Bác là “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bằng chứng là các chỉ tiêu nghị quyết đưa ra, nhờ sự đồng thuận cao nên năm 2016 vừa qua cơ bản thực hiện đạt và vượt. Kết quả này khẳng định quyết tâm chính trị xây dựng, phát triển thành phố trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh trong giai đoạn năm 2015-2020 là chủ trương đúng, được Ðảng bộ và các tầng lớp Nhân dân đồng thuận. Ðây là tiền đề vững chắc để TP Cà Mau hiện thực hoá mục tiêu mà Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI Ðảng bộ thành phố đề ra.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!./.
Châu Anh Dũng thực hiện