ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 5-9-24 04:29:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân

Báo Cà Mau Ngoài đặc thù điều trị không dùng thuốc, tại Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cà Mau, việc góp phần phục hồi sức khoẻ bệnh nhân còn là sự kiên trì, nhẫn nại, thấu hiểu và chia sẻ của các bác sĩ, kỹ thuật viên.

Tại Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, lượng bệnh nhân rất đông, nhiều độ tuổi khác nhau. Các bệnh thường gặp là điều trị sau tai biến, sau tai nạn và các bệnh về xương khớp.

Khác với các khoa khác, điều trị tại Khoa Vật lý trị liệu sẽ không dùng thuốc, mà thay vào đó là những bài tập về cơ, xương, khớp và các bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ là người trực tiếp tập cho các bệnh nhân. Cũng vì không dùng thuốc nên bệnh nhân sẽ cảm nhận rõ từng cơn đau qua mỗi động tác tập luyện. Thêm vào đó, bệnh nhân khi tiếp nhận tập vật lý trị liệu thường sẽ phải trải qua nhiều đợt trị liệu, mất vài tháng thì mới có thể bình phục, nên phải ở lại bệnh viện trong khoảng thời gian dài, mang theo những lo lắng khi xa nhà, xa người thân, những vướng bận gia đình, lo lắng về bệnh tật.

Thấu hiểu được điều này, nên trong từng bài tập, ngoài thăm hỏi về tiến triển sức khoẻ sau mỗi đợt trị liệu, luôn là sự thấu hiểu và đồng cảm dành cho bệnh nhân. Ðối với các bác sĩ, kỹ thuật viên tại khoa, bệnh nhân như người thân trong gia đình, ghi nhớ đặc điểm của từng người, hiểu được bệnh nhân đang gặp những vấn đề gì, cả về tâm lý lẫn bệnh lý.

Song hành cùng các bài tập còn là sự thấu hiểu, chia sẻ của các bác sĩ, kỹ thuật viên ở Khoa Vật lý trị liệu dành cho bệnh nhân.

Kỹ thuật viên Nguyễn Hoàng Ân chia sẻ: “Tôi thường hỏi về sở thích cá nhân, hoàn cảnh gia đình bệnh nhân, biết họ đang vướng bận điều gì để có cách tiếp cận, điều trị riêng. Khi bệnh nhân tập tốt thì dành lời khen để họ có động lực tập tốt hơn, nhanh hồi phục hơn”.

Sự chia sẻ ấy, đôi khi là kể một vài câu chuyện bắt gặp trên đường; hỏi han về thân nhân, hoàn cảnh gia đình; lời khuyên, chia sẻ cùng nỗi lo âu mà người bệnh đang gặp phải; đôi khi là chuyện hài hước, để bệnh nhân tạm không tập trung vào cơn đau khi thực hiện các bài tập. Vì thế, bệnh nhân cảm thấy thoải mái, tinh thần lạc quan hơn và chính bệnh nhân cũng coi bác sĩ, kỹ thuật viên nơi đây như người thân, người bạn.

Anh Phạm Thanh Sang (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), đang điều trị tại Khoa Vật lý trị liệu, cho biết: “Tôi điều trị thoái hoá cột sống, thần kinh toạ ở đây đã 3 đợt, mỗi đợt kéo dài 3 tuần. Lúc mới vô đây, tôi không nhấc chân bước đi được, nhưng giờ khoẻ hẳn rồi. Ở đây, các bác sĩ, kỹ thuật viên ai cũng vui vẻ, nhiệt tình. Lúc tập hay trò chuyện, chia sẻ từ chuyện bệnh cho đến chuyện trong cuộc sống đời thường, làm tôi quên đi cơn đau nên khi tập cũng dễ dàng hơn”.

Thời gian tập kéo dài nhiều tháng, đôi khi sẽ có những bệnh nhân cảm thấy khó khăn, chán nản, các bác sĩ, kỹ thuật viên là những người chia sẻ, động viên, khích lệ để người bệnh vượt qua trở ngại tâm lý. Họ vừa là người điều trị bệnh, cũng là bạn đồng hành của bệnh nhân. Dù khối lượng công việc rất nhiều, lượng bệnh nhân đông, nhưng mỗi bác sĩ, kỹ thuật viên tại khoa đều luôn giữ được nụ cười trên môi, tinh thần hăng hái và năng lượng tích cực.

Thế nên, niềm hạnh phúc mà các bác sĩ, kỹ thuật viên ở khoa nhận được, không chỉ là việc bệnh nhân hồi phục, xuất viện, mà còn là tình cảm, tấm lòng của bệnh nhân dành cho họ.

Kỹ thuật viên Trần Lâm Bá bồi hồi kể lại kỷ niệm đẹp cùng bệnh nhân: “Tôi nhớ lúc trước có bà cụ 75 tuổi tới điều trị tại khoa, lúc mới đến, bà đi lại khó khăn, đau nhức lưng nhiều. Sau quá trình tập luyện, bà hồi phục, có thể tự sinh hoạt và xuất viện. Khoảng hơn 1 tháng sau, bà cụ tự trồng rau, đan đát quà lưu niệm và quay lại tặng tôi cùng các anh chị em trong khoa. Với chúng tôi, hạnh phúc là khi bệnh nhân phục hồi tốt”./.

 

V. Anh

 

Dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em

Một trong những trăn trở của các bà mẹ có con nhỏ hay trẻ trong độ tuổi ăn dặm chính là chế độ dinh dưỡng vừa đảm bảo sức khoẻ cho mẹ, vừa giúp bé phát triển tối ưu. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin chính xác, khoa học và dễ tiếp cận về dinh dưỡng là vô cùng quan trọng.

Sàng lọc trước sinh, sơ sinh

Hiện nay, phương pháp sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) là một trong những phương pháp kỹ thuật khoa học tiên tiến, hiện đại nhằm phát hiện những biểu hiện bệnh lý trong giai đoạn bào thai cũng như trong 48-120 giờ sau khi trẻ chào đời. Từ đó, sẽ có những can thiệp y học kịp thời, phù hợp cho cả mẹ và bé nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp dị tật, dị dạng, thiểu năng trí tuệ cũng như những bệnh lý di truyền...

Phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh ung thư vú

Bác sĩ CKII Châu Tấn Ðạt, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, cho biết: "Theo số liệu khảo sát mới nhất, trong 5 loại bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới thì ung thư vú (UTV) là loại ung thư đứng đầu về tỷ lệ mắc và đứng thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong, sau ung thư gan, phổi".

Phòng chống dịch sởi mùa tựu trường

Trước thềm năm học mới 2024-2025, với các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn tỉnh, bên cạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, trang trí không gian lớp học, nhà trường còn đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh.

Nỗi lòng người mắc bệnh K

Khi biết mình mắc bệnh K, phần lớn người bệnh đều khó chấp nhận được. Do đó, họ luôn cần có những người bạn, người thân trong gia đình biết lắng nghe để giải toả được những căn thẳng, lo âu.

Chọn lựa thực phẩm an toàn cho người cao tuổi

Khoa học đã chứng minh, thể trạng của người già và trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương về hệ tiêu hoá bởi sức đề kháng yếu. Nhất là đối với người cao tuổi, sự suy giảm của hệ miễn dịch càng làm cho họ có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh về đường tiêu hoá hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nếu chọn lựa thực phẩm không an toàn.

Bệnh tim đập chậm

Trái tim của người lớn khi nghỉ ngơi thường đập từ 60-100 lần/phút. Nhịp tim trên 100 lần/phút là nhịp tim nhanh, nếu mắc chứng nhịp tim chậm, số nhịp đập sẽ ít hơn 60 lần/phút.

Chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng

Ðể góp phần chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng theo hình thức lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế xã, phường nhằm phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, làm giảm hành vi gây rối, gây nguy hại, mãn tính, tàn phế cho bệnh nhân tâm thần phân liệt và bệnh động kinh, từ ngày 10/10/1998, Chính phủ đã quyết định đưa Chương trình Phòng chống tâm thần thành Chương trình Mục tiêu Y tế quốc gia bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng (Chương trình). Theo đó, những năm qua, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực. Bệnh nhân đến đăng ký điều trị ngày càng nhiều; tỷ lệ bỏ trị, bệnh nhân kích động, lang thang giảm hẳn.

Phòng chống bệnh truyền nhiễm trong cơ sở khám, điều trị

Hiện nay, các loại dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp ngoài cộng đồng, nhất là dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nhận định nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan và bùng phát trong các cơ sở khám, điều trị bệnh, Sở Y tế Cà Mau tổ chức các đoàn đến kiểm tra, đôn đốc việc tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và phòng lây nhiễm chéo.

Ðóng góp nhỏ, ý nghĩa lớn

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, phong trào hiến máu nhân đạo trên địa bàn huyện Trần Văn Thời nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua đó, giúp cho phong trào hiến máu tình nguyện của huyện phát triển sâu rộng, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng. Mỗi giọt máu trao đi là tình cảm yêu thương, trách nhiệm của mỗi người dân đối với xã hội.