(CMO) Những cơn mưa đầu mùa đến sớm, nối tiếp nhau, mực nước nơi các kênh, rạch dâng cao, niềm vui của bà con nông dân cũng đến sớm hơn. Mùa mưa, mùa nước về, mùa của làm ăn. Hoa màu, con cá có cơ hội sinh sôi, nảy nở và nhiều nghề cũng bước vào mùa sản xuất rộ.
Những ngày qua, xóm đan lờ dọc theo lung Xã Tiểu, ở Ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, rộn ràng lên hẳn. Nơi những căn nhà với những hộ làm nghề thâm niên, giữ nghề đến hôm nay, ai ai cũng tất bật, chăm chỉ ngồi đan từ sáng đến xế muộn. Bởi, mùa mưa, mùa cá đến là thời điểm thị trường cần mặt hàng lờ nhiều nhất, thương lái cần nguồn hàng nhanh để kịp cung ứng cho các mối tiêu thụ. Vì vậy, bà con nông dân làm xuyên suốt ngày đêm.
Tờ mờ sáng, anh Nguyễn Văn Chiếm đã tranh thủ ra đồng thăm lúa xem thế nào sau trận mưa lớn kéo dài đêm qua, rồi lật đật vào nhà ngồi đan lờ tiếp vợ. Anh bảo, đối với dân làm lờ, mưa đến sớm chừng nào mừng chừng nấy. Khi mưa xuống, các loại cá đồng sinh sản, phát triển nhiều hơn, cũng là thời điểm mùa lờ rộn ràng lên hẳn. Thật ra, nếu tính kỹ thì nghề làm lờ có thể làm được quanh năm, chỉ tạm nghỉ vài tháng. Bởi, bắt đầu tháng 2 âm lịch, dân làm nghề đã chuẩn bị sẵn tre, trúc phơi khô để khi bước vào mùa làm nghề sẽ tiện lợi và nhanh hơn.
Không phải là dân nghề gốc, vì nghề đan lờ này là anh Chiếm học được từ bên vợ. Nông dân mà, với anh làm gì cũng được, miễn là đồng tiền chân chính. Vậy là anh gia nhập vào xóm lờ này cũng đã 10 năm. Anh Chiếm tâm sự: “Tôi cũng từng thử làm một số nghề khác như mượn đất trồng trọt, nhưng rồi thấy làm nghề này là hợp với mình, vừa có thể ở nhà chăm nom ruộng đồng, vừa làm kiếm thêm thu nhập. Nếu mình thiếu vốn thì thương lái đầu tư, như hiện nay, lưới, dây gân họ đầu tư trước cho mình, vì vậy mình cũng tiện khi làm nghề”.
Là dân cố cựu trong nghề đan lờ, hơn 40 năm ròng, nghề đan lờ vẫn bền bỉ bên cạnh đời bà Nguyễn Thị Hồng dù lúc nghèo khó hay khi đã qua cơn bĩ cực. 67 tuổi rồi, tóc hoa râm, mắt kém, hàng ngày bà vẫn tỉ mẩn ngồi đan từng cái lờ nơi góc hiên nhà quen thuộc. Kiểm tra lại từng cái lờ hoàn chỉnh, bà Hồng bồi hồi nói về nghề của mình. Bà bảo, lờ đặt cá này hồi xưa mỗi nhà chỉ làm một ít. Về sau, mặt hàng bán được, rồi nhiều người làm theo, làm nhiều hơn. Lúc xưa, lờ đa phần làm từ tre, trúc thôi, như cái hom làm từ tre nhưng qua thời gian đã thay đổi, nhiều bộ phận được thay bằng lưới, vậy mà làm nhanh hơn.
67 tuổi, bà Nguyễn Thị Hồng vẫn tỉ mẩn đan từng cái lờ. |
Ða phần bà con ở xóm lờ này đều làm ruộng. Dù đất nhiều hay ít thì cây lúa vẫn là chính trong cuộc sống gia đình. Nhưng đối với bà con, nghề đan lờ góp phần không nhỏ để cuộc sống từ thiếu thốn đến đủ đầy, để trẻ thơ bao thế hệ không phải đói, phải dốt vì nghèo. Như lời bộc bạch của bà Hồng: “Nhờ có nghề này mà mình có thêm đồng ra đồng vô, lo cho con học hành. Con trai lớn của tôi học hành đàng hoàng, hiện đang công tác cho Nhà nước”.
Chị Nguyễn Thị Xuân, con gái út của bà Hồng, tiếp lời: “Tôi học nghề từ mẹ và làm nghề từ thời con gái đến khi có gia đình riêng. Nhờ có nghề này mà mình phụ giúp tiếp chồng lo cho cuộc sống, con cái, rồi tiện cho việc cơm nước, chăm sóc nhà cửa. Tuy một cái lờ trải qua nhiều công đoạn nhưng làm cũng mau. Hai vợ chồng tôi làm một ngày được 40 cái lờ hoàn chỉnh”.
Là dân làm nghề, khi thấy nghề làm ăn được, ông Nguyễn Trường Giang nhạy bén chuyển sang làm mối lái thu mua lờ và bán lại. Trên 20 năm làm mối lái thu mua lờ, ông Giang đã giúp cho bà con xóm lờ ở Ấp 7 và một số nơi lân cận có điều kiện làm nghề thuận tiện hơn khi được đầu tư trước nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Ông Giang kể lại, hồi trước chủ yếu là lờ nhỏ, những năm sau này thì làm nhiều loại lờ, lớn, trung bình, nhỏ đều có để đáp ứng nhu cầu sử dụng ở nhiều nơi khác nhau.
Nhiều năm trong nghề làm thương lái, 2 chiếc vỏ lãi của ông Giang không biết đã chạy bao nhiêu cây số, từ các dòng kênh, rạch ở các xã vùng ngọt của huyện nhà cho đến huyện U Minh, Thới Bình rồi qua cả địa phận Bạc Liêu. Ông Giang cho biết, ông vừa mới về sau chuyến chở lờ dọc theo các xã vùng ngọt trong huyện, ngót nghét cũng 500 cái. Từ nay cho đến tháng 8, 9 âm lịch là đi suốt.
Ngoài đan lờ, một số hộ ở xóm lờ chuyển sang, hay làm thêm nghề cần câu để cung cấp cho thị trường cần trong vài năm gần đây. Như gia đình ông Lê Văn Nhỏ, trước đây cũng chuyên làm lờ. Sau 20 năm vất vả bên đồng ruộng, tỉ mẩn ngồi đan từng cái lờ, tuổi già kéo đến, không còn sức như xưa, vợ chồng ông chuyển sang làm cần câu cắm. Nghề này đơn giản hơn nhiều so với đan lờ. Tre chặt khúc, vót, rồi ráp nỏ, dây nhợ, lưỡi câu vào, thế là xong một cần câu. Vợ chồng ông vừa làm, vừa lo việc nhà, bình quân mỗi ngày làm xong 250 cần câu, kiếm được 200.000 đồng.
Nói về thị trường của mặt hàng câu cắm này, ông Giang cho biết: “Trước, tôi chở câu cắm bỏ cho các mối bán thử. Thấy thị trường tiêu thụ được rồi mạnh dạn kêu bà con làm 6 năm nay, cũng được bao tiêu như lờ vậy. Sức tiêu thụ câu cắm này ghê gớm, không đủ nguồn cung. Nơi nào bỏ lờ bỏ câu cắm luôn. Nhưng so với lờ có thể làm quanh năm, câu cắm chỉ làm rộ vào mùa mưa. Một chuyến chở cũng vài thiên (1.000) câu”.
Người ta hay nói, chữ nghề đi đôi với chữ nghiệp, bởi vậy, với dân xóm lờ, dù cuộc sống khởi sắc hơn nhiều so với xưa, thế hệ con, cháu sau này cũng không còn cảnh lo ăn, lo mặc hay con chữ rơi dần nhưng hễ còn sức còn làm. Làm không chỉ kiếm đồng tiền mà còn để giữ nghề độc đáo, truyền thống tự hào bao đời của xứ sở. Và để mỗi khi nói về quê hương, thế hệ sau có cái để hồi nhớ. Và như lời ông Giang, người gắn bó và đưa lờ của xóm một thời khó khăn này đi xa: “Khi nào còn cá thì nghề vẫn còn”./.
Ngọc Minh