ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 00:21:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xót xa cảnh cầm cố sổ trợ cấp

Báo Cà Mau Ông Trương Văn Lẻo và con trai Trương Văn Luỹ đang mong được hỗ trợ để chuộc lại sổ trợ cấp.

157 gia đình chính sách, người có công (đối tượng nhận trợ cấp hằng tháng) trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đem cầm sổ trợ cấp với mức lãi suất tự thoả thuận để nhận khoản tiền xoay xở lúc khó khăn. Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản trong cách giải quyết, xử lý và hỗ trợ của địa phương các cấp, tuy nhiên, đến nay phương án hỗ trợ chuộc sổ khả thi nhất vẫn chưa được thực hiện.

Có dịp gặp và trao đổi cụ thể từng hộ gia đình mới cảm nhận được nỗi lo toan của họ. Ðem sổ trợ cấp đi cầm là biện pháp “cuối cùng” của đa số gia đình chính sách trong những lúc gặp khó khăn về tiền bạc.

Cám cảnh vay lãi nhập vốn

Trước năm 1999, để có chi phí sản xuất, cải tạo ruộng, rẫy, ông Ðoàn Văn Thắng (thương binh 3/4, ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) làm thủ tục vay 30 triệu đồng. “Hồi đó vay về để lên liếp trồng mía”, ông Thắng nói.

Ông Trương Văn Lẻo và con trai Trương Văn Luỹ đang mong được hỗ trợ để chuộc lại sổ trợ cấp.

Liên tục những năm sau đó, ảnh hưởng từ nuôi tôm tự phát, bà con trong vùng tự chuyển dịch sản xuất, cộng thêm đầu ra của cây mía bấp bênh nên việc lên liếp trồng mía mấy năm trước không mang lại hiệu quả. Ông lại tiếp tục phá liếp mía để nuôi tôm. Cái vòng luẩn quẩn này khiến bao nhiêu vốn liếng gia đình đều đổ vào sản xuất. Nợ ngân hàng, lãi ngân hàng cứ xoay dần và tăng mức vay hằng năm.

“Mới đầu vay 30 triệu đồng, vì không tiền đóng lãi, đến đáo hạn vay, ngân hàng nhập nợ lãi vào nợ gốc và tăng mức cho vay. Sau khi hoàn tất thủ tục vay, nhận tiền thì ngân hàng khấu trừ phần chênh lệch, mình chỉ nhận khoản dôi dư vài ba triệu đồng. Cứ thế, nợ lãi nhập nợ gốc, đến nay tôi đã nợ Ngân hàng Nông nghiệp 140 triệu đồng. Bây giờ chỉ còn nước bán đất trả nợ”, ông Thắng cho biết.

Cùng cảnh ngộ với ông Thắng, gia đình ông Trương Văn Lẻo, 81 tuổi, ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng cũng ôm khoản nợ 99 triệu đồng. Ông Lẻo và con trai là nạn nhân chất độc hoá học, được hưởng trợ cấp hằng tháng. Ðể có vốn sản xuất, ông cũng vay Ngân hàng Nông nghiệp và nợ 99 triệu đồng sau hơn 10 năm vay.

Ông Lẻo than: “Lúc đầu vay 20 triệu đồng để sản xuất. Vì còn phải bươn chải cho cuộc sống gia đình và các con nên không đủ tiền trả lãi. Với hình thức cho vay tăng dần và nhập lãi vào nợ gốc, cuối cùng tôi phải nợ 99 triệu đồng. Mấy năm trước, vì sợ nợ nên đã bán 5 công đất trả ngân hàng, giờ nghe nhắc tới vay ngân hàng là sợ ớn da gà”.

Từ gia đình chính sách có mức sống và điều kiện kinh tế khấm khá, nay ông Lẻo cũng như ông Thắng đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Ðem sổ trợ cấp đi cầm

 Ông Ðoàn Văn Thắng giọng run run như nghẹn lại vì xúc động khi nhắc đến chế độ chính sách của Nhà nước cấp cho ông. Canh tác bấp bênh, sức lao động ngày một giảm trong khi gánh nặng mưu sinh trong gia đình đòi hỏi ngày càng nhiều khoản chi tiêu, nhất là việc lo cho con cái học hành và các khoản bệnh tật là nguyên nhân cầm cố cuốn sổ lĩnh tiền trợ cấp thương binh 3/4 của ông. Ðã 17 năm qua ông chưa một lần được nhận tiền, bởi số tiền hằng tháng ông nhận được khoảng 2 triệu đồng chỉ đủ trả lãi khoản nợ cầm cố từ trước năm 1997.

Ông Thắng kể: "Năm đó (1997), 2 con trai lớn trong gia đình bị bệnh nặng, chi phí điều trị tăng nhiều vì phải đi tận TP Hồ Chí Minh. Vợ chồng bàn bạc đem sổ lĩnh tiền trợ cấp thương binh đi cầm 2 cây vàng và 19 triệu đồng. Lãi suất hằng tháng người bỏ tiền ra cầm sổ lãnh hết theo mức trợ cấp được nhận".

Ðể chữa bệnh teo chân cho con trai, vợ chồng ông Lẻo phải đem sổ lĩnh trợ cấp hằng tháng đi cầm với số tiền 24 triệu đồng, lãi suất 6%/tháng. Nhờ vay ít, tiền trợ cấp tháng nhiều nên sau khi trừ lãi ông còn dư khoảng 2 triệu đồng để xoay xở (mỗi tháng ông Lẻo nhận trợ cấp 4.984.000 đồng), nhưng cũng hơn 3 năm đem sổ đi cầm, ông vẫn chưa chuộc lại được.

Con trai út của ông Lẻo là Trương Văn Luỹ, nạn nhân chất độc hoá học, cũng đem sổ trợ cấp đi cầm 13 triệu đồng, mức lãi suất 6%/tháng. Nhiều năm rồi anh Luỹ vẫn chưa chuộc lại được sổ.

Trưởng Phòng LÐ-TB&XH huyện U Minh  Ngô Thị Bình chia sẻ: “Việc cầm cố sổ trợ cấp trên địa bàn huyện có diễn ra, nhưng với số lượng ít. Ðã qua, khi phát hiện trường hợp này, phòng đã hỗ trợ bằng cách cho những hộ đem sổ cầm cố tạm ứng khoản tiền để chuộc sổ. Sau đó, mỗi tháng nhận trợ cấp, những hộ này cam kết trích trả dần lại. Như thế, sau khoảng thời gian, họ sẽ trả hết nợ cầm cố và nhận sổ về nhà”.

Rà soát mới nhất của UBND xã Tân Bằng, đến tháng 5/2016, xã có 35 hộ gia đình chính sách, người có công nhận trợ cấp hằng tháng, vì hoàn cảnh khó khăn nên đã đem sổ đi cầm cố.

Chủ tịch UBND xã Tân Bằng Lê Hoàng Phương cho biết: “Sau khi nắm được thông tin có gia đình chính sách ở xã cầm cố sổ lĩnh trợ cấp, UBND xã đã thông báo bà con đến gặp cán bộ xã kê khai. Ðồng thời, xã cũng làm việc với những người bỏ tiền ra cầm cố sổ, yêu cầu họ áp mức lãi suất phù hợp với quy định hiện hành. Sau đó, lãi suất cho vay được giảm xuống từ mức dưới 5%/tháng. UBND xã đã trình báo UBND huyện, Phòng LÐ-TB&XH huyện để có hướng xử lý”.

Trao đổi với phóng viên Báo Cà Mau về vấn đề gia đình chính sách đem sổ trợ cấp đi cầm cố, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Võ Hoàng Hiệp thông tin: “Ðến cuối tháng 5, toàn tỉnh ghi nhận 157 trường hợp cầm sổ trợ cấp ở 7/9 huyện, thành phố với số tiền cầm cố gần 2,5 tỷ đồng. Thới Bình là địa phương có nhiều hộ cầm cố nhất, 93 trường hợp”. Sở chỉ đạo các phòng LÐ-TB&XH xem xét kỹ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bước đầu ghi nhận một vài nguyên nhân cơ bản như: thiếu vốn đầu tư sản xuất, cần chi phí chữa bệnh…

"Trước mắt, chúng tôi đề nghị các địa phương phân tích, giải thích cho những hộ cầm cố sổ hiểu rõ và có phương án hỗ trợ họ chuộc lại sổ. Với những hộ chưa vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội thì tạo điều kiện cho vay, những hộ đã vay thì nghiên cứu cho tăng mức vay. Vẫn còn phương án tối ưu khác là trích từ nguồn vốn quỹ việc làm của tỉnh. Tuy nhiên, nguồn vốn này không nhiều lắm”, ông Hiệp cho biết thêm.

Trong khi ngành lao động, thương binh và xã hội, các địa phương đang tìm nguyên nhân và lựa chọn phương án giúp gia đình chính sách (những hộ đã cầm cố sổ) chuộc lại sổ, thì hằng tháng số tiền trợ cấp vẫn đang đóng vai trò “nợ lãi” chảy vào túi những hộ nhận cầm sổ./.

Ðiều tra của Phong Phú

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).