(CMO) Lãnh đạo UBND huyện U Minh cho biết, việc 102 hộ dân tại Ấp 2 và Ấp 14, xã Khánh Hoà, đòi lại đất là không đúng thực tế và không phù hợp với quy định của pháp luật nên không có cơ sở để xem xét giải quyết.
Ông Võ Văn Lưỡng, một trong những người đại diện 102 hộ dân Ấp 2 và Ấp 14, xã Khánh Hoà, cho rằng: Một phần diện tích đất Lâm ngư trường 30/4 cũ (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ) có nguồn gốc là đất của ông bà, người thân của họ đã có công khai phá, canh tác, sử dụng từ trước năm 1975. Đến năm 1983-1984, khi Nhà nước đưa xáng múc vào làm đê bao bảo vệ rừng thì phần đất của họ nằm trong lâm phần.
Ông Lưỡng cũng cho rằng, khi đó, lãnh đạo Lâm ngư trường 30/4 phát biểu: "Bà con cứ để cho Nhà nước múc đê bao bảo vệ rừng, sau này Nhà nước giao lại đất đó cho người dân sử dụng". Nhưng sau khi làm đê bao bảo vệ rừng cho đến nay, các hộ dân không được giao đất, giao rừng hoặc hợp tác đầu tư. Vì vậy, các hộ dân này yêu cầu xin hợp đồng giao khoán đất hoặc hợp tác đầu tư; trả lại phần đất 300 m hậu (nằm trong đê bao Lâm ngư trường 30/4 bị cắt) hoặc kéo dài phần đất đủ 500 m từ mặt tiền cho đến mặt hậu.
Khai thác keo lai trồng thâm canh tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (ảnh minh hoạ).
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, việc người dân xin hợp đồng giao khoán đất hoặc hợp tác đầu tư là chưa phù hợp với chủ trương của tỉnh. Vì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đang sắp xếp lại doanh nghiệp trình Chính phủ phê duyệt. Do đó, không có phương án giao đất, giao rừng hoặc hợp tác đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt, không có cơ sở để giải quyết theo yêu cầu của người dân. Việc trả lại phần đất 300 m hậu hoặc kéo dài phần đất đủ 500 m từ mặt tiền cho đến hậu, vấn đề này chứng cứ của người dân cung cấp không có giá trị pháp lý để chứng minh trước thời điểm khoảng năm 1983-1984 khi Nhà nước khoanh đê bao bảo vệ rừng có đất nông nghiệp của bà con nằm phía bên trong đất rừng.
Cũng theo ông Lê Hồng Thịnh, kết quả phân tích đánh giá và xác minh của cơ quan chức năng, hiện trạng sử dụng đất trong khu vực công ty quản lý từ năm 1983-1990 gồm hiện trạng rừng và đất mặt nước, trong đó rừng chiếm chủ yếu trên 95% tổng diện tích, diện tích còn lại khoảng 5% mặt nước các kênh, mương. Còn hiện trạng sử dụng đất liền kề với ranh đất công ty đang quản lý gồm rừng, đất nông nghiệp và đất mặt nước; trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, tốc độ biến động hiện trạng ngày càng tăng. Qua kết quả phân tích đánh giá hiện trạng sử dụng đất và từ ảnh vệ tinh giai đoạn 1983-1990 cho thấy, khu vực công ty quản lý chủ yếu là rừng và kênh mương, không có diện tích đất nông nghiệp.
Qua đây cho thấy, tại thời điểm khoảng năm 1983-1984 Nhà nước khoanh đê bao, không có cắt đất nông nghiệp của bà con và cũng không ảnh hưởng gì đến đất nông nghiệp của bà con. Việc bà con đòi lại đất không đúng thực tế và không phù hợp với quy định của pháp luật nên không có cơ sở để xem xét giải quyết.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết, ngày 17/6 vừa qua, Huyện uỷ, UBND huyện U Minh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, cùng các ban, ngành, đoàn thể huyện và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ thành lập 2 tổ công tác tiếp xúc với các hộ dân Ấp 2 và Ấp 14, xã Khánh Hoà. Tại buổi tiếp xúc, các hộ dân cử 5 người đại diện, yêu cầu trả đất, giao đất 500 m hậu liền kề, hợp tác đầu tư và xử lý các sai phạm trong hợp tác đầu tư đã qua. Tại đây, các thành viên tổ công tác phân tích, giải thích và tuyên truyền, nhưng các hộ dân không lắng nghe, thách thức, tiếp tục vi phạm vào rừng và đất lâm nghiệp, sau đó người dân tự ý kéo nhau bỏ ra về, có ý xem thường pháp luật.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện U Minh, do không được giao đất, các hộ dân ngang nhiên vào khu vực đất rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ tại Tiểu khu 030, Liên tiểu khu 30.4 để cất chòi, đào bới đất trên lâm phần.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn hoả tốc chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện U Minh rà soát, củng cố hồ sơ pháp lý, thực hiện xử lý việc cất nhà trái phép, hành vi vi phạm pháp luật trên đất lâm nghiệp theo đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục quy định. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động để các hộ dân hiểu, nghiêm túc chấp hành pháp luật, không để tình trạng xây cất nhà trái phép trên đất lâm nghiệp tồn tại, kéo dài, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện U Minh khẩn trương điều tra, xác định người có hành vi lôi kéo, kích động, gây mất an ninh trật tự để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời theo dõi tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống phát sinh ngay từ đầu, không để trở thành điểm nóng, phức tạp. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND huyện U Minh kiểm tra các thông tin có liên quan trên mạng xã hội, rà soát đối chiếu với các quy định, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Trung Đỉnh