(CMO) Gần đây, tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thuỷ sản trái phép giảm nhiều so với trước. Có được kết quả đó, là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, tình trạng tàu cá tắt thiết bị kết nối, khai thác trái phép vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Việc làm này không chỉ không đảm bảo lợi ích, sinh kế lâu dài cho ngư dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín ngành thuỷ sản Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Vẫn còn tình trạng tàu cá mất kết nối
Với đội tàu khai thác trên 4.000 phương tiện, sản lượng thuỷ sản hàng năm của tỉnh đạt trên 550.000 tấn; xuất khẩu sang hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, huyện Trần Văn Thời hiện có 2.312 phương tiện khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá (có 970 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá). Từ đầu năm đến nay, đã gắn thiết bị giám sát hành trình được 60 tàu, nâng tổng số tàu đã lắp đặt lên 965 chiếc, còn lại 5 chiếc tiếp tục tuyên truyền, vận động lắp đặt theo quy định trong thời gian tới.
Với đội tàu khai thác thuỷ sản trên 4.000 phương tiện, sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản hàng năm đạt trên 550.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. |
Có nhiều phương tiện công suất lớn đáp ứng yêu cầu khai thác xa bờ và bám biển dài ngày, gắn với bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển đảo; việc gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá được rà soát, thực hiện thường xuyên.
Còn tại huyện U Minh, ông Ðỗ Thanh Dân, Phó phòng NN&PTNT, cho biết, toàn huyện hiện có 889 phương tiện khai thác thuỷ sản lớn, nhỏ đang hoạt động. Ðến nay, địa phương đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá được 228/232 phương tiện thuộc diện lắp đặt, còn lại 4 phương tiện cam kết sẽ lắp đặt đúng quy định trong thời gian tới. Tuy nhiên, tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển vẫn còn xảy ra, trong 9 tháng năm 2021 có 43 phương tiện mất kết nối trên biển.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính từ đầu năm đến ngày 18/10, có 8 tàu cá/ 51 thuyền viên khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó, có 7 tàu/45 thuyền viên bị lực lượng Hải quân Thái Lan bắt giữ; 1 tàu/6 thuyền viên đánh bắt trên vùng biển Thái Lan được bộ đội biên phòng phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá. Trong đó, đã thả về 2 tàu/19 thuyền viên, còn lại 5 tàu 26 tuyền viên đang bị nước bạn giữ lại. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xác minh theo Công văn số 1172/VP-NV, ngày 18/3/2021 của Văn phòng UBND tỉnh. Ða phần ngư dân khi được tuyên truyền đều biết hậu quả của việc khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, nhưng vì lợi ích kinh tế vẫn còn vi phạm, gây khó khăn trong quản lý.
Tăng cường nhiều giải pháp
Nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho ngư dân yên tâm bám biển, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ 100% cước phí thuê bao giám sát hành trình tàu cá trong 5 năm. Theo đó, các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách này là các tổ chức, cá nhân có phương tiện đánh bắt thuỷ sản và tàu hậu cần dịch vụ nghề cá có chiều dài từ 15 m trở lên có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và được cấp giấy phép khai thác thuỷ sản theo quy định. Tàu cá có dữ liệu hành trình theo quy định tại hệ thống giám sát tàu cá do cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Ðể tăng cường công tác chống khai thác thuỷ hải sản trên vùng biển nước ngoài, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: "Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường châu Âu.
Ðồng thời, tăng cường kiểm tra công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá theo quy định, từ đó kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng tàu cá cố tình đánh bắt ở các vùng biển nước ngoài. Ðặc biệt, ngành không cấp giấy phép đăng kiểm cho những tàu tái phạm, không xem xét cho chủ tàu, thuyền trưởng thụ những những chính sách của Nhà nước liên quan về thuỷ sản".
Thời gian gỡ "thẻ vàng" của Uỷ ban châu Âu ( EC) không còn nhiều. Ðể đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị, vẫn còn rất nhiều việc phải làm và đòi hỏi sự hợp lực của ngư dân cùng các cấp, ngành, địa phương. Ðồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát tàu cá; chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản; đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ðặc biệt là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong chống khai thác IUU./.
Trung Ðỉnh