(CMO) Tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đạt 110 triệu USD; luỹ kế 11 tháng ước đạt hơn 1, 021 tỷ USD, đạt 92,87% so kế hoạch; tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản đạt 103 triệu USD; luỹ kế đạt 939 triệu USD, tăng 13,02% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Ðô, Giám đốc Sở Công thương, nhận định, Cà Mau là một trong những tỉnh được đánh giá cao về xuất khẩu thuỷ sản. Cuối năm là thời điểm vàng để các công ty chế biến thuỷ sản trong tỉnh tăng tốc sản xuất, tích cực bù lỗ cho những tháng bị trì trệ do dịch bệnh.
Những ngày cuối năm 2021, nhiều công ty chế biến thuỷ sản tại Cà Mau đang dốc sức sản xuất, công nhân tăng ca để đảm bảo hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu.
Ông Trần Hoàng Khởi, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, cho biết: “Năm 2021, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng cũng có nhiều thuận lợi cho lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản. Cụ thể như các nước châu Âu và Mỹ đang dỡ bỏ lệnh phong toả, nhu cầu hàng hoá trên thị trường thế giới dần phục hồi, các nhà nhập khẩu đang tăng cường nhập hàng, tới tấp các đơn hàng chuẩn bị cho Noel và Tết Dương lịch… Trong khi đó, tại tỉnh Cà Mau, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp vẫn đều đặn duy trì sản xuất ổn định, nguồn hàng dự trữ lớn nên không sợ tình trạng khan hiếm nguyên liệu cho chuỗi sản xuất”.
Chính sự chủ động trong sản xuất mà kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Công ty Cổ phần Chế biến Thuỷ sản xuất khẩu Minh Hải (Minh Hai Jostoco) vẫn duy trì sản xuất, hoàn tất các đơn hàng trong tình hình dịch bệnh căng thẳng. Ảnh: HUỲNH LÂM |
Nỗ lực trong điều kiện khó khăn
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 110 triệu USD, đạt 92,87% kế hoạch, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Riêng lĩnh vực thuỷ sản đạt 103 triệu USD, tăng 13,2% so cùng kỳ. Nhìn chung, xuất khẩu hàng hoá sang hầu hết thị trường lớn đều tăng mạnh, như EU tăng 35,98%, Mỹ tăng 33,38%, Trung Quốc tăng 33,80%..., chỉ có Nhật giảm 11,86%.
Ðạt được kết quả đó là nhờ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh đã triển khai thực hiện tương đối tốt các phương án phòng, chống dịch Covid-19. Vừa hết giãn cách và khi tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp bước vào tăng tốc hoàn thành các hợp đồng trước đó chưa giao cho khách hàng do dịch Covid-19. Nhờ đó, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp duy trì ổn định và đạt kế hoạch đề ra.
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cho hay, việc áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” khiến công suất hoạt động các nhà máy của Minh Phú tại Cà Mau, Hậu Giang sụt giảm mạnh, chỉ đạt 25% công suất. Nhưng nhờ công ty chuyển sang sản xuất tôm cỡ lớn nên sản lượng được cải thiện, đạt khoảng 50%. Công ty đang tăng tốc và kỳ vọng vào những đơn hàng cuối năm.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Minh Phú, hiện nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường thế giới rất lớn do bắt đầu mùa lễ hội cuối năm. Số lượng hợp đồng mà Tập đoàn ký kết với đối tác 4 tháng cuối năm rất nhiều. Hơn thế nữa, giá tôm thế giới cũng liên tục tăng do thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Ðộ và Indonesia - những nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
“Những ngày cuối năm 2021, nếu có nguyên liệu sẽ xuất bán rất tốt vào dịp Noel cho thị trường châu Âu, Mỹ. Nếu qua tháng 12 thì chỉ có thể bán cho thị trường châu Á như Trung Quốc, Ðài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Quang thông tin thêm.
Mặc dù thị trường thuận lợi, song Minh Phú chỉ dám ký hợp đồng tương ứng với 50-70% công suất chế biến do sợ không thể đáp ứng đơn hàng. Ngoài công suất sụt giảm do phải thực hiện “3 tại chỗ”, Minh Phú nói riêng, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trong toàn tỉnh nói chung, đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu thời gian tới.
Ông Trần Hoàng Khởi cho biết: “Do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp nên nông dân ngại đầu tư, các thương lái hạn chế thu mua tôm nguyên liệu khiến tình hình nguyên liệu có chiều hướng giảm sút. Vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp vào cuối năm”.
"Diễn biến Covid-19 trên thế giới phức tạp, nguồn cung tôm một số nước truyền thống bị ảnh hưởng nặng, trong khi nhu cầu tăng nên đây là cơ hội làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế của tôm Việt trên thị trường thế giới”, ông Khởi chia sẻ thêm.
Cần sự đồng hành của nhà nước
Ông Nguyễn Văn Ðô cho rằng, mặc dù so với năm 2020, một số chỉ tiêu đạt khá, tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản vẫn đứng trước những khó khăn nhất định.
Việc tăng chi phí xét nghiệm, thiếu tàu, thiếu container rỗng, cước phí tàu tăng, chi phí bốc xếp trong và ngoài nước tăng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nguyên liệu chắc chắn sẽ giảm; một số đơn hàng Trung Quốc trả về vì nghi ngờ nhiễm Covid-19 trên bao bì, nhãn mác; sản xuất "3 tại chỗ" chi phí lớn khiến nhiều doanh nghiệp không kham nổi.
Tất cả những khó khăn trên nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ rất khó vượt qua được.
Ông Trần Hoàng Em, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau, cho rằng: “Một số doanh nghiệp thuỷ sản trong tỉnh hiện tại đã phải đóng cửa do có ca F0 hoặc không đủ tiềm lực để sản xuất “3 tại chỗ". Nếu hoạt động thì phải thực hiện giãn cách, số nhân lực phục vụ cũng giảm mạnh nên công suất chỉ đạt 30-35%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều chung tình cảnh thiếu vốn để sản xuất kịp trả các đơn hàng cho đối tác vào dịp cuối năm. Khó khăn này đang rất cần sự giúp sức của Nhà nước”.
Năm 2022, Cà Mau tiếp tục thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung tận dụng tốt các cơ hội và thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nâng chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1.150 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Ðô thông tin: “Ðể thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, tỉnh cần tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh; khẩn trương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, đặc biệt trong lĩnh vực thuỷ sản. Ngành chức năng, đặc biệt ngành nông nghiệp cần đôn đốc, động viên nông dân tăng cường sản xuất để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ xuất khẩu lâu dài".
“Thị trường Mỹ đang hồi phục rất mạnh, nhu cầu cao trong khi nguồn cung tại nước này rất thấp, chỉ đáp ứng 10% tiêu thụ nội địa. Thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, giá thuỷ sản ở Mỹ tăng cao, do vậy, nhu cầu nhập khẩu rất lớn, nhất là các sản phẩm tôm, cua, ghẹ... Song song đó, vụ tôm thứ hai của Ấn Ðộ thiệt hại nhiều, tồn kho trong tháng 7 và 8 đã cạn. Nguồn cung tôm nguyên liệu rất thấp, tôm cỡ lớn hiếm, hiện tại chủ yếu tôm cỡ nhỏ được thu hoạch. Nguồn cung nguyên liệu của Ấn Ðộ sẽ tiếp tục thấp đến tháng 3/2022”, ông Khởi nhận định. Với tình hình này, khả năng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của Cà Mau vẫn sẽ tiếp tục về đích./.
Huệ Như