(CMO) Những tháng đầu năm 2017, nghề nuôi thuỷ sản trong tỉnh phải gồng mình chống chọi với hạn hán và những rào cản thương mại khắt khe của các nước nhập khẩu, nhưng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh đã vượt "vũ môn" để về đích với con số ấn tượng 1,1 tỷ USD.
Ngay sau khi đợt hạn hán lịch sử qua đi, người dân trong tỉnh tranh thủ mọi điều kiện để tập trung cải tạo ao, đầm, thả tôm nuôi bù đắp thiệt hại do thời tiết gây ra. Từ đó, sản lượng thuỷ sản các tháng còn lại tăng bình quân từ 5-10% so cùng kỳ năm trước.
Tăng cường xúc tiến thương mại
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh đạt trên 9.600 ha; trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng nhanh, gần 700 ha, năng suất đạt từ 80-100 tấn/ha/vụ nuôi. Ngoài ra, người dân trên địa bàn tỉnh vừa trúng đậm vụ tôm, bán với giá rất ổn định. Từ đó, nguồn nguyên liệu tăng cao, đáp ứng khoảng 60% công suất chế biến tôm của các nhà máy xuất khẩu trong toàn tỉnh (công suất chế biến trước đây chỉ từ 45-50% - PV).
Bên cạnh đó, trong quý IV, các đối tác ở các thị trường lớn như: Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc… tiêu thụ mạnh các mặt hàng tôm trong dịp lễ Noel, Tết dương lịch, nên kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh tăng nhanh vào những tháng cuối năm.
Mặt khác, việc tôm Ấn Độ và một số vùng nuôi khác lao đao vì dịch bệnh đã khiến tôm nguyên liệu trên toàn cầu thiếu hụt và giá tôm nguyên liệu tăng; người nuôi tôm Việt Nam khá phấn khởi khi tôm bán được giá, điều đó giúp người nuôi củng cố niềm tin vào nuôi trồng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và giảm thiểu kháng sinh.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản đang tăng năng suất hoạt động để cung cấp hàng cho đối tác vào cuối năm. |
Ông Phan Thanh Sang, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương, cho biết, ngoài các thị trường truyền thống ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Tây Âu và hướng đến thị trường Dubai đầy tiềm năng.
Bên cạnh đó, lệnh cấm nhập khẩu được nới lỏng, xuất khẩu tôm vào thị trường Úc đã phục hồi kể từ quý II/2017. Mới đây, ngày 21/11, Úc bắt đầu cho nhập khẩu tôm không qua nấu chín.
"Từ những yếu tố thuận lợi nêu trên, thị trường xuất khẩu của tỉnh rộng đường hơn trong thời gian tới", ông Phan Thanh Sang cho hay.
Liên kết để nâng cao giá trị
Theo khảo sát của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, Sở NN&PTNT, khi thu hoạch tôm nuôi, 95% người nuôi bán tôm theo hình thức thu gom của các thương lái, 4% bán cho các vựa thu mua và chỉ có 1% tiêu thụ thẳng tại thị trường người tiêu dùng nội địa. Rõ ràng, người nuôi tôm đã phải trải qua nhiều công đoạn mới đưa được sản phẩm đến với thị trường, từ đó lợi nhuận cũng bị teo tóp dần qua các trung gian không đáng có.
Ông Châu Công Bằng nhận định, để khắc phục tình trạng trên, phải thực hiện bằng được chuỗi liên kết trong sản xuất hiện nay đối với ngành xuất khẩu thuỷ sản tỉnh, các doanh nghiệp thuỷ sản và người dân cần liên kết chặt chẽ, trao đổi về tổ chức trong liên kết và hỗ trợ nhau trong sản xuất, gắn trách nhiệm của người nuôi với doanh nghiệp. Người nuôi tôm phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, Sở NN&PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư vùng nguyên liệu thông qua chuỗi liên kết từ người nuôi đến nhà máy. Đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng theo hướng đa dạng hoá sản phẩm nhằm tiết kiệm nguyên liệu, giảm giá thành, tăng kim ngạch xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường.
"Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cũng sẽ tạo điều kiện cho phát triển ngành tôm Cà Mau, gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, tỉnh đặc biệt chú trọng tái cơ cấu ngành hàng tôm sinh thái; nhân rộng các mô hình nuôi tôm nâng cao năng suất, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ACS... nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến tôm xuất khẩu", ông Bằng cho biết thêm./.
Năm 2018, tỉnh phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so với năm 2017. Theo đó, tỉnh khuyến khích phát triển các mô hình nuôi tôm đạt năng suất cao gắn với bảo vệ môi trường, nuôi tôm sinh thái hoặc chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế để tạo nguồn nguyên liệu sạch, ổn định phục vụ cho chế biến tôm xuất khẩu. Chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh con tôm Cà Mau đến thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm thêm khách hàng mới, mở rộng đối tác… |
Trung Đỉnh