Là viên chức của Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện U Minh, ngoài việc năng động, nhiệt tình với công việc, anh Phan Phước Thuận còn có niềm đam mê phát triển các mô hình kinh tế. Và anh đã thành công với việc nuôi dế, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân huyện nhà.
Là viên chức của Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện U Minh, ngoài việc năng động, nhiệt tình với công việc, anh Phan Phước Thuận còn có niềm đam mê phát triển các mô hình kinh tế. Và anh đã thành công với việc nuôi dế, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân huyện nhà.
Sau những lần được thưởng thức món dế do bạn bè các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đãi, anh Thuận bắt đầu nảy ra ý tưởng mang dế về địa phương nuôi. Nghĩ là làm, đầu năm 2014, anh bắt đầu nuôi thử nghiệm hai thùng, mỗi thùng hơn 2.000 con dế giống. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, không ít lần anh Thuận thất bại. Không nản lòng, anh tiếp tục đến các trại dế ở Tây Ninh, Đồng Nai học hỏi kinh nghiệm và gặt hái, thành công.
Từ thành công bước đầu, anh Thuận đang mở rộng mô hình sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. |
Anh Thuận chia sẻ: “Nuôi dế phải chú ý thời tiết và cách chăm sóc. Nếu trời quá nóng dế cũng chết, quá lạnh dế cũng chết; trứng dế cũng vậy, nếu quá ẩm hay quá khô nó cũng không nở. Nếu thấy trời lạnh, mình mở bóng đèn sưởi ấm, còn trời nóng thì dùng bình nước phun sương. Riêng độ ẩm thấp thì mình kết hợp sưởi bóng đèn và dùng quạt làm ráo. Bên cạnh đó, do thức ăn của dế là các loại rau, củ, quả dễ thối rữa nên không được để thức ăn dư thừa quá một ngày, nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ của dế".
Nắm bắt được đặc tính phát triển của dế, anh Thuận đã mạnh dạn mở rộng mô hình. Hiện nay anh tăng lên 20 thùng nuôi dế. Mỗi ngày anh xuất ra thị trường từ 4-5 kg dế, giá dế thịt từ 130.000-180.000 đồng/kg, dế đông lạnh (qua sơ chế) từ 250.000-300.000 đồng/kg.
Ngoài việc bán dế thịt, dế đông lạnh ra thị trường các tỉnh, thành như: Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, anh Thuận còn chế biến một số món ăn từ dế để bán cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh như: dế kho tiêu, dế chiên giòn, dế nướng, dế rang muối ớt, dế chiên bơ và cung cấp dế mồi cho các cơ sở nuôi chim, gà, bồ câu hay phục vụ nhu cầu câu cá tại các khu du lịch sinh thái.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, anh Thuận mạnh dạn thử nghiệm cho dế đẻ để nhân giống dế và hướng đi này cũng thành công. Hiện nay không chỉ người dân trong huyện đến mua dế giống mà nhiều người dân ở các huyện khác như: Thới Bình, Năm Căn, Đầm Dơi và Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang cũng tìm đến để đặt hàng.
Trung bình một khây dế giống được anh Thuận xuất bán giá 300.000 đồng (nuôi tốt đến xuất chuồng sẽ đạt từ 12-18 kg dế thịt). Từ hiệu quả đó mà lượng người tìm đến mua dế giống của anh ngày một nhiều, thu nhập cũng ngày một tăng cao.
Anh Ngô Tiềm ở huyện Thới Bình chia sẻ: "Qua một vài lần ăn dế ở Cà Mau thấy ngon, tôi tìm hiểu nguồn gốc, được các anh em giới thiệu nên tôi tìm đến tận cơ sở sản xuất của anh Thuận để mua con giống về nuôi. Không chỉ được hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi mà còn được anh Thuận làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên mình thấy rất phấn khởi, an tâm hơn trong sản xuất”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Dương Minh Đoàn cho biết: “Qua thời gian theo dõi việc nuôi dế của anh Thuận ở khóm 2, thị trấn U Minh, tôi nhận thấy mô hình này bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá, vốn đầu tư lại ít. Nuôi dế không mất quá nhiều diện tích nên rất phù hợp với những hộ gia đình ít đất sản xuất. Tuy nhiên, đây là mô hình mới cần có thời gian thẩm định. Nếu hiệu quả bền vững, tôi sẽ mạnh dạn đề xuất với huyện nhân rộng cho bà con trên địa bàn thực hiện mang lại thu nhập, cải thiện đời sống"./.
Bài và ảnh: Trần Thể