Thời gian gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện U Minh bắt đầu nuôi le le, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao, mở ra nhiều triển vọng cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Ðiển hình là hộ anh Trần Văn Việt ở Ấp 17, xã Khánh Thuận.
Thời gian gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện U Minh bắt đầu nuôi le le, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao, mở ra nhiều triển vọng cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Ðiển hình là hộ anh Trần Văn Việt ở Ấp 17, xã Khánh Thuận.
Năm 2014, trong một lần đi thăm người thân ở tỉnh Kiên Giang, anh Việt tình cờ biết được mô hình nuôi le le. Anh liền hỏi thăm kỹ thuật và nhận thấy việc nuôi le le rất thích hợp với điều kiện kinh tế gia đình nên anh nảy ra ý định mua le le về nuôi. Nghĩ là làm, ngay sau lần tham quan ấy, anh cải tạo 5.000 m2 đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả của gia đình, cho cơ giới vào cuốc bờ bao, mua dây chì B40 về bao xung quanh, đồng thời trồng chuối trên bờ bao để làm nơi trú ngụ và sinh sản cho le le sau này.
Khi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, anh mua 14 cặp le le giống 3 tháng tuổi về nuôi. Thật bất ngờ, đàn le le rất thích nghi, mạnh khoẻ và phát triển tốt. Chỉ sau 3 tháng nuôi, anh Việt có được những lứa le le đầu tiên.
Anh Việt chia sẻ: “Nuôi le le khá dễ. Le le con chăm sóc hơi cực khoảng 1 tuần đầu; còn le le lớn, 1 ngày chỉ cần cho ăn 1 lần là được, không có dịch bệnh gì. Tuy nhiên, để le le sinh sản và phát triển đạt hiệu quả thì không phải dễ, tốt nhất là tạo được môi trường hoang dã. Ðồng thời, bao xung quanh chuồng hoặc khu vực nuôi le le một lớp hàng rào lưới dày nhằm tránh chuột, mèo phá hại".
Thông thường le le hoang dã chỉ đẻ trong thời gian từ tháng 5-7 hằng năm. Nhưng với sự thuần hoá và kỹ thuật chăm sóc của anh Việt thì le le có thể đẻ quanh năm. Từ 14 cặp ban đầu, nay đàn le le của gia đình anh đã tăng lên gần 50 cặp. Bên cạnh đó, anh còn bán hàng chục cặp le le giống cho người dân địa phương và các huyện lân cận với giá từ 1,2-1,4 triệu đồng/cặp. Từ đó gia đình anh có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Bùi Xuân Khắp, cán bộ Khuyến nông - Giao thông - Thuỷ lợi xã Khánh Thuận, nhận định: “Qua quan sát, tôi thấy nuôi le le cho hiệu quả kinh tế khá cao, không cần nhiều diện tích, đặc biệt rất phù hợp với vùng đất nông nghiệp kém hiệu quả nên cần được bà con quan tâm nhân rộng. Một khi thực hiện mô hình này thành công, không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần tích cực vào thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, khi nuôi, người dân cũng cần xin giấy xác nhận nguồn gốc để làm thủ tục đăng ký với ngành chức năng vì đây là loài động vật hoang dã, khá quý hiếm". |
Anh Việt cho biết thêm: “Chỉ cần 1 cặp le le đẻ 1 lần thôi là đủ nuôi gạo cả gia đình trong 1 năm. Chứ hồi đó làm ruộng vất vả quanh năm mà nhiều khi vẫn thiếu ăn. Từ hồi nuôi đến giờ bán cũng được gần 200 triệu đồng tiền le le giống. Hiện le le đang được người dân của nhiều địa phương như: Thới Bình, Ðầm Dơi, Vĩnh Thuận, Cái Nước đến đặt mua nên nguồn con giống vẫn chưa đủ cung ứng”.
Hiện nay, nhằm nhanh chóng tăng đàn để kịp có con giống bán, anh Việt còn nghĩ ra cách cho gà ấp trứng hộ le le. Vì theo anh, làm cách này vòng quay sinh sản của le le sẽ nhanh hơn. Anh Việt cho biết thêm: “Trung bình mỗi cặp le le có thể đẻ từ 5-6 đợt trong năm, mỗi đợt từ 8-12 trứng. Tuy nhiên, nếu lấy trứng cho gà ấp thì le le có thể đẻ từ 9-10 lần/năm".
Anh Trần Trung Ðoàn, người cùng ấp, được anh Việt hướng dẫn kỹ thuật nuôi le le, chia sẻ: “Ðược anh Việt hướng dẫn tận tình nên tôi thấy rất an tâm và quyết định mua le le về nuôi. Bước đầu đàn le le của tôi phát triển khá tốt. Hiện đã cho ra những lứa le le đầu tiên nên thấy phấn khởi lắm. Tôi quyết tâm phát triển mô hình này trong thời gian tới để tăng thu nhập”./.
Trần Thể