Cà Mau là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km; gần 300.000 ha nuôi thuỷ sản; diện tích tự nhiên chiếm 13,15% và rừng ngập mặn chiếm 77% diện tích vùng ĐBSCL... Với tiềm năng, lợi thế đặc biệt này, nếu được phát huy tối đa sẽ là “chìa khoá" mở cánh cửa đưa Cà Mau vươn nhanh và xa hơn trong tương lai.
Xây dựng Cà Mau thành trung tâm nuôi tôm sinh thái, lúa hữu cơ
Ông Lâm Thái Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH xã hội tôm chứng nhận Minh Phú, chia sẻ kết quả thực hiện mô hình nuôi tôm - rừng đạt chứng nhận ASC tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển.
Chia sẻ với phóng viên về chiến lược đưa Cà Mau trở thành trung tâm nuôi tôm sinh thái, lúa hữu cơ trong thời gian tới, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, tỉnh định hướng “Xây dựng tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm nuôi tôm sú sinh thái (tôm - rừng, tôm - lúa, tôm hữu cơ) của cả nước” và Cà Mau cũng đã bắt tay thực hiện Kế hoạch Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đặt ra là khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên mặt đất, mặt nước nuôi thuỷ sản trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào toàn chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, xây dựng các vùng nuôi quy mô lớn theo hướng liên kết; chủ động các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản sinh thái, hữu cơ (trong đó, mô hình tôm - lúa được đặt lên hàng đầu).
Ông Nguyễn Văn Khiết, Ấp 8, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, phấn khởi với thành quả mô hình nuôi tôm - lúa chứng nhận quốc tế.
Được biết hiện nay, tỉnh cũng đang tích cực thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từng bước hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP 26 và COP 27 trong việc giảm thiểu CO2. Theo đó, tỉnh cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện tăng trưởng xanh và đạt một số kết quả nhất định.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển đổi tích cực theo hướng chất lượng cao, giống lúa đặc sản chiếm trên 80%, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đã xây dựng vùng sản xuất lúa an toàn trên 30.000 ha; chuyển đổi một số vùng sản xuất chuyên lúa kém hiệu quả với diện tích 1.983 ha, trong đó chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản 1.880 ha/5.000 ha. Hầu hết các diện tích chuyển đổi sang các mô hình lúa - tôm càng xanh, luân canh lúa - tôm đã mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Đã xây dựng được vùng nuôi tôm - rừng theo các chứng nhận quốc tế được chứng nhận 22.000 ha. Hiện ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và đăng kỹ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diện tích triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “Những năm qua, huyện Thới Bình đã đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trọng tâm là xây dựng và phát triển diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế; đến nay, huyện Thới Bình có trên 2.600 ha nuôi tôm đạt các chứng nhận ASC, BAP, góp phần đưa hình ảnh con tôm Thới Bình nói riêng và thương hiệu tôm Cà Mau nói chung ra thị trường trong và ngoài nước. Lợi ích lớn nhất khi được cấp chứng nhận quốc tế hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững 4 trụ cột: môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm”.
Lễ công bố trao chứng nhận ASC GROUP cho 392 hộ, với diện tích 972,4 ha trên địa bàn xã Trí Phải, ngày 12/11.
Xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo
Với tiềm năng đặc biệt từ rừng và biển, Cà Mau có lợi thế rất lớn để phát triển năng lượng điện gió, góp phần tạo ra nguồn năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến địa phương tìm kiếm cơ hội đầu tư, khai thác. Tính đến nay, Cà Mau có 16 dự án trong quy hoạch được phê duyệt với tổng công suất 1.000 MW, trong đó có 14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 800 MW.
Ông Trịnh Thanh Sang, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thông tin: “Hiện nay có 5 dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 170 MW, 5 dự án tổng công suất 299 MW chưa thi công và đang thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, 2 dự án có tổng công suất 200 MW đã được nhà đầu tư đề xuất, UBND tỉnh Cà Mau đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.217 công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 111,564 MWp, sản lượng điện phát lên lưới trong tháng 11 đạt 10.450.000 kWh, tăng 5,6% so với cùng kỳ (9.889.531 kWh). Luỹ kế đến 11/2024 là 124.045.315 kWh đạt 94.6% so với kế hoạch SPC giao. Trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, nhất là phát triển nhiều dự án điện gió. Năm 2024, tỉnh thu hút được 10 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 2.175 tỷ đồng. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 460 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký gần 147.409 tỷ đồng; trong đó có 11 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 156,6 triệu USD”.
Tỉnh hiện có 1.217 công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. (Ảnh chụp trên địa bàn huyện Năm Căn)
Trong kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2040, Cà Mau xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo 5.000 MW. Để thực hiện đạt mục tiêu này, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ giải quyết các khó khăn về pháp lý để phê duyệt đề án, làm cơ sở để tỉnh mời gọi nhà đầu tư nghiên cứu triển khai thực hiện đề án. Đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định về chính sách phát triển năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen trong Luật Điện lực; ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và sử dụng năng lượng hoá thạch chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng hydrogen để sớm kêu gọi nhà đầu tư khai thác các dự án tiềm năng sản xuất hydrogen tại huyện Đầm Dơi với công suất khoảng 60.000 tấn/năm; tại huyện Ngọc Hiển với công suất 26.248 tấn/năm.
Kỳ vọng rằng với những chủ trương, chính sách và kết quả thực tiễn từ bước đầu triển khai, việc phát triển kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho tương lai. Đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về 0; chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh hoá các ngành kinh tế thông qua khai thác sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng xanh. Đây cũng là giải pháp cho người dân Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung có cuộc sống “ăn chắc, mặc bền”, làm giàu bền vững, hoà nhịp cùng xu hướng phát triển chung của thời đại.
Trồng nho công nghệ cao tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh.
Loan Phương