ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 28-4-25 11:39:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Báo ảnh Ðất Mũi - Những ký ức và niềm tự hào

Báo Cà Mau (CMO) Ngày 1/1/2021, báo ảnh Ðất Mũi đã hợp nhất với báo Cà Mau và mang tên báo Cà Mau. Măng-sét Ðất Mũi đã trở thành ấn phẩm cuối tuần của báo Cà Mau với diện mạo mới. Như vậy, sau hơn 40 năm hình thành tồn tại và phát triển, báo ảnh Ðất Mũi đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ chính trị của mình, để lại trong lòng người đọc và ai đã từng cống hiến cho báo ảnh Ðất Mũi những ký ức đẹp xen kẽ niềm tự hào.

Trong vòng xoay của nhân sinh, trong sự tiến hoá của xã hội thường ghi dấu những ký ức không thể nào quên trong tâm khảm con người. Vào những dịp cuối năm, khi những cơn gió chướng quay về thì những hoài niệm, những ký ức như gặp được chất xúc tác và cứ tuôn trào… Báo ảnh Ðất Mũi, tờ báo nơi tôi khởi nghiệp, tờ báo nơi tôi dành cả phần thanh xuân để cống hiến… đã là một ký ức đẹp trong tôi đến bây giờ và đến tận mai sau.

Báo ảnh Ðất Mũi (tiền thân là tờ tin ảnh) phục vụ Nhân dân Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Ðây là tỉnh cuối cùng cực Nam Tổ quốc, một tỉnh vùng sâu, xa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Trung ương, tỷ lệ nông dân chiếm hơn 90% dân số, nên việc cho ra đời tờ báo ảnh là phù hợp với trình độ phát triển của mặt bằng dân cư, đồng thời báo ảnh cũng là một loại hình báo chí hiện đại sẽ được phát triển trong tình hình mới. Trong thời kỳ đầu hình thành và phát triển, những gương mặt quen thuộc của làng báo, làng nhiếp ảnh như Nghệ sĩ Nguyễn Hải Tùng, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Kiên Hùng, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Hoàng Thêm, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Thanh Ðạm, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Xuân Dũng, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Dũng, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn… thế hệ tiếp sau có Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Dũng, Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ðỗ Thuỳ Mai, Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thu Ðông, Nhà báo Phan Trường Giang, Nhà báo - Nhà văn Võ Ðắc Danh, Nhà báo Ðào Minh Tuấn… Và thế hệ tiếp sau nữa có Lê Chí Bắc, Tiến Trình, Ðào Văn, Hồng Ðiệp, Huỳnh Lâm, Thanh Minh, Loan Phương, Mộng Thường..., đây là thế hệ đưa tờ báo ảnh Ðất Mũi tiếp cận với bạn đọc không những trong tỉnh mà còn lan rộng ra cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Có những lúc chỉ số phát hành của báo chính vượt mốc 5.000 tờ và tờ báo chuyên đề tiếp cận con số hơn 100.000 tờ mỗi kỳ, đây là con số mà thời đó các tờ báo khác đều mơ ước.

Ðúng vậy! Mọi thành viên báo ảnh Ðất Mũi cùng chung sức tạo nên vóc dáng và hình hài của báo ảnh Ðất Mũi - một tờ báo ảnh mang đậm bản sắc văn hoá phương Nam. Trải qua 40 năm hình thành, tồn tại và phát triển, báo ảnh Ðất Mũi đã có nhiều đóng góp cho báo chí, cho phong trào văn học nghệ thuật tỉnh nhà, đặc biệt là trên lĩnh vực báo ảnh và nhiếp ảnh. Bám sát tôn chỉ mục đích của mình, báo ảnh Ðất Mũi đã làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng thẩm mỹ cho Nhân dân. Những sự kiện lớn, trọng đại của tỉnh - báo ảnh Ðất Mũi đã tuyên truyền một cách xuất sắc, trở thành chiếc cầu nối giữa ý Ðảng và lòng dân.

Tiết mục văn nghệ dịp kỷ niệm 30 năm thành lập báo ảnh Ðất Mũi và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, do biên tập viên, phóng viên, nhân viên đơn vị biểu diễn. Ảnh: HUỲNH LÂM

Tờ báo ảnh Ðất Mũi một thời gian luôn chiếm được nhiều cảm tình của độc giả trong và ngoài tỉnh. Người ta khen báo ảnh Ðất Mũi khá hay về nội dung và đẹp về hình thức, có bản sắc riêng, mà từ ngày giải phóng đến nay các đồng chí lãnh đạo  tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) cho xuất bản một tờ báo ảnh chưa địa phương nào trong nước có được bằng phong cách, bản sắc riêng của mình: sử dụng ngôn ngữ viết kết hợp với ngôn ngữ nhiếp ảnh nên bài viết  luôn ngắn gọn, súc tích, được minh hoạ bằng những bức ảnh vừa mang tính thời sự báo chí, vừa mang tính nghệ thuật - đó là người thật, việc thật, hay nói một cách khác, bài viết luôn có hình ảnh minh hoạ - mà hình ảnh đẹp nên làm cho người đọc thích thú và không thể nghi ngờ về tính chân thật của nó.

Trong đời sống chính trị - kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh ở chặng đường 40 năm qua, phóng viên báo ảnh Ðất Mũi đều có mặt ghi lại những hình ảnh quan trọng đó (như các kỳ Ðại hội Ðảng, làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia, các thế mạnh của tỉnh, các vị lãnh đạo của Trung ương và khách quốc tế đến Cà Mau, chuyển đổi cơ cấu kinh tế - đột phá của địa phương để từ bỏ nghèo nàn lạc hậu phát triển đi lên…) trên các số báo, đồng thời lưu trữ lại nhiều hình ảnh tư liệu quý cho các thế hệ mai sau của Cà Mau.

Phải nói rằng báo ảnh Ðất Mũi đã vượt khỏi biên giới tỉnh nhà. Nhiều bạn bè ở xa biết đến Cà Mau có một phần lớn thông qua tờ báo ảnh Ðất Mũi. Nói đến Báo ảnh Ðất Mũi là người ta nghĩ đến Cà Mau. Rất nhiều bạn đọc ở khắp nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và các tỉnh ở phía Bắc xa xôi gửi thư về khen ngợi tờ báo hoặc gởi bài, ảnh cộng tác. Có thể lấy số báo và bộ ảnh đặc biệt về cơn bão số 5 - 1997 làm điển hình mà ngay tại thời điểm đó Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận định như sau: "Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam hết sức hoan nghênh Chi hội báo ảnh Ðất Mũi, Ban biên tập báo ảnh Ðất Mũi. Ngay trong và sau cơn bão, các phóng viên ảnh đã có mặt tại các địa bàn trọng yếu ghi lại hàng ngàn bức ảnh về những tang tóc đau thương do cơn bão số 5 gây ra. Ðồng thời cũng ghi nhận kịp thời sự quan tâm chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và sự đùm bọc chia sẻ của đồng bào ruột thịt và bè bạn nước ngoài đối với Cà Mau trong cơn hoạn nạn. Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các đồng nghiệp đánh giá cao về sự mẫn cán chính trị và tay nghề cao của các phóng viên báo ảnh Ðất Mũi" (Trích thư khen của Hội Nhà báo Việt Nam dành cho số báo ảnh Ðất Mũi đặc biệt về cơn bão số 5 năm 1997). Cũng qua số báo này, Hội Việt kiều ở Mỹ đã quyên góp hàng tỷ đồng (quy đổi ra tiền Việt Nam) gởi về cho tỉnh để giúp đỡ những gia đình gặp nạn trong cơn bão. Và một Việt kiều ở Canada đã gửi thư về nhờ toà soạn làm cầu nối để ông nuôi dưỡng cháu Tạ Diễm Tuyền, người còn sống sót trong một gia đình ở Tân Ân, Ngọc Hiển do cơn bão số 5 gây ra. Và hẳn trong ký ức nhiều người còn nhớ và xúc động với tác phẩm ảnh “Biển ơi, sao chưa thấy Ba về” của tác giả Ngọc Mai khắc hoạ hình ảnh những đứa trẻ với gương mặt lấm lem ngây thơ hướng ra biển ngóng tìm người thân trong vô vọng. Ðây là 1 trong 100 tác phẩm về cơn bão số 5 do phóng viên báo ảnh Ðất Mũi ghi lại đã được triển lãm nhiều lần trong tỉnh và sau đó lưu trữ ở bảo tàng...

Trước đây, mặc dù báo ảnh Ðất Mũi chỉ xuất bản mỗi tháng 4 số, trong đó có 2 số chuyên đề, dành riêng cho bạn đọc trẻ, nhưng bao giờ cũng chiếm ưu thế về hình thức. Năm 1995, báo ảnh Ðất Mũi cùng một lúc đoạt 2 giải thưởng: bìa báo đẹp nhất và tờ báo được bạn đọc yêu thích nhất tại hội thi báo xuân toàn quốc ở Hà Nội do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Và cũng tại cuộc thi này, năm 2000, báo ảnh Ðất Mũi là 1 trong 16 tờ báo trên toàn quốc đạt giải A (trên tổng số hơn 400 tờ báo, tạp chí dự thi )… Và cũng trong Hội thi Báo Xuân 2005, báo ảnh Ðất Mũi đoạt giải B trong hơn 400 tờ báo dự thi. Từ năm 2005-2020, báo ảnh Ðất Mũi có bước nhảy vọt về kênh thông tin đa phương tiện. Những ấn phẩm theo sát đà phát triển của kinh tế - xã hội kịp thời ra đời như tăng kỳ phát hành mỗi tháng 8 kỳ, trong đó có 4 kỳ chuyên đề, đồng thời cho ra đời thêm tờ nguyệt san Cơ hội vàng, bán nguyệt san song ngữ Việt - Khmer và đặc biệt là báo Ðất Mũi điện tử với hàng triệu lượt truy cập, vượt ra biên giới quốc gia đến với bạn bè 5 châu.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được quan tâm, lực lượng phóng viên báo ảnh Ðất Mũi đạt được nhiều giải thưởng báo chí Nguyễn Mai và chiếm hầu hết các giải thưởng nhiếp ảnh hàng năm do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức - cũng như đoạt nhiều giải thưởng lớn đồng bằng sông Cửu Long, toàn quốc và quốc tế. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh của tỉnh Cà Mau hầu hết đều trưởng thành từ báo ảnh Ðất Mũi hoặc do báo ảnh Ðất Mũi phát hiện, dìu dắt và trở thành lực lượng mạnh và chất lượng của cả nước.

Có thể nói, các thế hệ những người làm báo ở báo ảnh Ðất Mũi đã có những đóng góp về nhân sự quan trọng cho các tổ chức hội chính trị - nghề nghiệp ở Trung ương và địa phương như có 4 uỷ viên ban chấp hành qua các thời kỳ, trong đó có 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đương nhiệm (nhiệm kỳ 2020-2025), Chủ tịch Hội Nhà báo, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau và nhiều phóng viên trẻ có tên tuổi của báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, báo Người Lao Ðộng, báo Công an TP Hồ Chí Minh... từng trưởng thành từ báo ảnh Ðất Mũi. 

Chặng đường hơn 40 năm (1979-2020), báo ảnh Ðất Mũi đã xuất bản hàng triệu tờ báo để phục vụ Nhân dân trong và ngoài tỉnh… Và chặng đường đi lên ấy, báo ảnh Ðất Mũi luôn chấp hành và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy ước đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Hơn 40 năm qua, báo ảnh Ðất Mũi luôn tự hào với những gì mình đã làm được, tự hào với một bản sắc riêng - bản sắc văn hoá đậm chất phương Nam và mang hơi thở của vùng đất cuối trời Tổ quốc.

Trước xu thế hội nhập cùng cả nước tiếp cận và phát triển đa dạng kênh thông tin nhằm từng bước hiện đại hoá, chuyên nghiệp hoá nền báo chí nhằm phục vụ ngày càng hiệu quả hơn sự nghiệp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước…, báo ảnh Ðất Mũi cũng không nằm ngoài dòng chảy tất yếu này. Một kim chỉ nam đã ra đời kịp thời đó là Quyết định số 362/QÐ-TTg ngày 3/4/2019 của Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Ðề án sắp xếp các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh. Hợp nhất 2 cơ quan báo Cà Mau và báo ảnh Ðất Mũi thành báo Cà Mau, cơ quan chủ quản là Tỉnh uỷ Cà Mau. Một trang sử mới cho những người làm báo tại báo ảnh Ðất Mũi nói riêng và làng báo Cà Mau nói chung. Nhìn lại qua một năm hợp nhất, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết những thế mạnh của báo ảnh Ðất Mũi trước đây đã phát huy hiệu quả trên những trang báo Cà Mau hôm nay… Là người đã từng lãnh đạo báo ảnh Ðất Mũi và nay với cương vị là Chủ tịch Hội Nhà báo, tôi rất vui mừng nhận thấy sự hợp nhất 2 tờ báo là phù hợp với xu thế báo chí hiện nay. Tờ báo ảnh Ðất Mũi không mất đi mà còn hiện đại và chuyên nghiệp. Những phóng viên của báo ảnh Ðất Mũi trước đây, nay được nâng cao vị thế, phát huy được năng lực, sở trường của mình và hoà nhập rất tốt vào mái nhà chung là báo Cà Mau.

Hơn 40 năm hình thành, tồn tại và phát triển, báo ảnh Ðất Mũi đã nhận được những phần thưởng cao quý của Ðảng và Nhà nước, đó là Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì với những cống hiến xuất sắc của mình và để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp. Chúng ta không quên công lao đóng góp của các thế hệ làm báo ở báo ảnh Ðất Mũi, trong đó có những người đã khuất. Xin thắp một nén nhang để tưởng niệm cố Nhà báo - Nghệ sĩ Nguyễn Hải Tùng, người chủ nhiệm đầu tiên của báo ảnh Ðất Mũi, cố Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Kiên Hùng, nguyên Tổng biên tập báo ảnh Ðất Mũi, cố Nhà báo Lê Chí Bắc, nguyên Thư ký Toà soạn báo ảnh Ðất Mũi đã mãi mãi đi xa về cõi vĩnh hằng.


Nhân dịp kỷ niệm tròn 1 năm hợp nhất báo Cà Mau và báo ảnh Ðất Mũi, cũng là ngày đầu năm mới, xin chúc toàn thể những người làm báo ở báo Cà Mau sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúc báo Cà Mau ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của mình trước xã hội, đất nước và Nhân dân.


 

​Nguyễn Thanh Dũng

 

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Khởi nghiệp “xanh” tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Ðảng. Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.