Thị trường hàng hoá và giá cả các loại thực phẩm cần thiết có sự dao động nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn cố gắng tính toán mức giá phù hợp cho người tiêu dùng.
Chi phí đầu tư sản xuất tăng
Anh Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Thuỷ sản Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), cho biết: “Năm nay giá thành quá cao, hợp tác xã không dám lưu kho nhiều, chỉ có thể duy trì thương hiệu. Năm rồi, giá lúa chuẩn VietGAP mua vào tầm 8.300-8.400 đồng/kg, năm nay đã hơn 11.500 đồng, chưa kể các chi phí chà vỏ, đóng gói... Hợp tác xã chỉ canh tác trên 140 ha. Tuy vậy, vì đạt chuẩn VietGAP nên khách hàng cũng yên tâm. Chi phí sản xuất cao nhưng năng suất cao, thị trường vẫn hút hàng. Tính ra vẫn sống được”.
Anh Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Thuỷ sản Ông Muộn, giới thiệu các loại gạo với người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Dung, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Tôi trồng chủ yếu là cải ngọt, cải xanh, đậu đũa... Cũng mừng là năm nay hoa màu có giá hơn. Năm trước, cải chỉ tầm 15-20 ngàn đồng/kg, giờ 30-35 ngàn đồng. Rau muống cũng tăng, hiện 20-25 ngàn đồng. Ðậu bắp thì vẫn ổn định giá. Thời tiết xấu, giá phân thuốc cũng tăng nên tôi và các con trồng màu lấy công làm lời. Trừ hết chi phí, còn khoảng 15 triệu đồng, đủ trang trải cho gia đình ngày Tết”.
Theo ghi nhận, giá khô năm nay tăng (tuỳ loại) nhưng sức mua lại giảm hơn năm trước khá nhiều. Cụ thể, khô mực loại 8-10 con/kg, giá 1.040.000 đồng (năm trước tầm 800 ngàn đồng); khô cá kèo loại lớn 440 ngàn đồng/kg (năm trước 370 ngàn đồng/kg)...
Mặt hàng khô năm nay tăng giá nhưng sức mua lại giảm.
Chị Phạm Hồng Cẩm, vựa khô Cẩm, xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Các nguyên liệu tăng giá, thậm chí còn không có nguồn hàng tươi để làm. Tôi phải nhập nguyên liệu luân phiên từ các nơi như: U Minh, Trần Văn Thời, Năm Căn... Năm 2022, chỗ tôi cũng làm khoảng 600-700 kg để bán, nhưng giờ làm chưa tới 500 kg. Sức mua giảm hơn nhiều, chủ yếu bán cho các mối quen”.
Nông dân trồng dưa hấu cũng đang lo lắng về sức mua năm nay. Anh Trịnh Hoàng Sơn, xã Lý Văn Lâm, cho biết, đến thời điểm này, vẫn chưa có đủ mối lấy hết số dưa, dù giá dưa năm nay không tăng nhiều: “Năm nay, tôi trồng 17 công dưa hấu, nhiều hơn năm rồi 5 công. Giá năm nay cũng cỡ năm rồi là khoảng 50 ngàn đồng/trái. Tiền cuốc đất, tiền thuốc cỏ, tiền mướn nhân công làm... quá cao. Ðến thời điểm này, các lái cũ của tôi chỉ đặt hơn phân nửa. Tôi trông chờ mối ở Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh xuống mua".
Nỗ lực đảm bảo đủ nguồn hàng và bình ổn giá
Năm nay, tết Nguyên đán cách tết Dương lịch hơn 1 tháng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thương mại có thời gian để chuẩn bị chu đáo hơn cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá phục vụ Tết, cũng như củng cố, mở rộng thêm hệ thống phân phối.
Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị đã xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ hàng hoá kinh doanh tại đơn vị và tham gia kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường Tết. Trên địa bàn các huyện, TP Cà Mau còn có số lượng lớn hàng hoá của các tiểu thương tại 71 chợ, trên 120 cửa hàng tiện lợi và hàng ngàn cửa hàng kinh doanh tổng hợp dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Sở Công thương đã có kế hoạch theo dõi sát tình hình cung - cầu hàng hoá trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu; tham mưu các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây tăng giá đột biến. Bên cạnh đó, sở cũng ra sức giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên địa bàn triển khai thực hiện tốt các điểm bán hàng lưu động, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hoá đến vùng sâu, vùng xa gắn với Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng hoá cho Nhân dân vùng khó khăn, có thu nhập trung bình và thấp với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo./.
Lam Khánh